Máy bay E-11A số hiệu 11-9358 của không quân Mỹ gặp nạn ở tỉnh Ghazni, phía tây Afghanistan hôm 27/1, khiến hai thành viên tổ bay thiệt mạng. Nhóm phiến quân Taliban ở Afghanistan tuyên bố đã bắn rơi chiếc máy bay, nhưng Lầu Năm Góc bác bỏ.
Dù nguyên nhân máy bay gặp nạn là gì, đây vẫn là một đòn giáng nặng nề với khả năng liên lạc trên chiến trường của quân đội Mỹ, bởi trước sự cố, họ chỉ có vỏn vẹn 4 chiếc E-11A, loại máy bay được mệnh danh là "nút kết nối thông tin chiến trường" (BACN).
"Tai nạn ở tỉnh Ghazni cho thấy tầm quan trọng của phi đội E-11A khi chỉ còn ba chiếc trong biên chế. Đây là định nghĩa hoàn hảo về khí tài có giá trị cao nhưng rất khan hiếm. Ngoài những chiếc E-11A, khí tài duy nhất có khả năng làm nhiệm vụ BACN là ba máy bay không người lái EQ-4B", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Sự thiếu hụt lực lượng sau tai nạn có thể buộc không quân Mỹ tăng tần suất hoạt động của ba chiếc E-11A còn lại, gây khó khăn cho công tác bảo đảm kỹ thuật. Nguyên nhân sự cố cũng chưa được xác định, khiến phi đội BACN đối mặt với nguy cơ rơi bất cứ lúc nào.
E-11A được quân đội Mỹ phát triển từ máy bay chở doanh nhân tầm xa Bombardier Global 6000. Chỉ có 4 chiếc được xuất xưởng, tất cả đều biên chế cho Phi đoàn tác chiến điện tử viễn chinh số 430 và chỉ hoạt động tại căn cứ không quân Kandahar ở Afghanistan.
"Toàn bộ phi công E-11A đều tình nguyện làm nhiệm vụ", phóng viên Chad Garland của tờ Stars and Stripes viết trên Twitter, thêm rằng số lượng máy bay E-11A trong biên chế ít đến mức Lầu Năm Góc không có phi cơ để huấn luyện trên lãnh thổ Mỹ.
"Lần đầu tiên họ được lái chiếc E-11A là khi triển khai chiến đấu tại Kandahar. Quá trình huấn luyện diễn ra hệ thống mô phỏng suốt một tháng, giúp phi công làm quen với máy bay và dễ dàng kiểm soát nó trong thực tế. Họ cũng phải trải qua một tuần tập huấn ở thực địa", đại úy Jacob Breth, phi công Phi đoàn số 430, cho biết.
Quân đội Mỹ sử dụng nhiều đường truyền dữ liệu (datalink) để chia sẻ thông tin tác chiến giữa các khí tài, nhưng nhiều thiết bị trong số đó không tương thích với nhau. Tiêm kích F-15 của không quân có thể chia sẻ dữ liệu mục tiêu với chiến đấu cơ F/A-18E/F hải quân nhờ đường truyền Link-16, nhưng phi đội F/A-18 lại không thể chuyển tiếp thông tin cho oanh tạc cơ B-52 hoặc B-1B không quân.
Sự thiếu tương thích giữa các hệ thống là trở ngại nghiêm trọng trên chiến trường, vốn đòi hỏi các máy bay từ nhiều lực lượng khác nhau phải yểm trợ cho binh sĩ đa quốc gia. Những chiến dịch hiệp đồng phức tạp cũng đòi hỏi chiến đấu cơ phải nhanh chóng chia sẻ thông tin mục tiêu qua datalink để đối phó với hệ thống phòng không dày đặc của đối phương.
BACN được coi là giải pháp hữu hiệu, giúp các khí tài khác nhau của Mỹ "hòa mạng" làm một và giúp kết nối binh sĩ dưới mặt đất với kiểm soát không lưu tiền phương (FAC) hoặc kiểm soát không kích liên quân (JTAC), nhất là trong địa hình phức tạp, gây ảnh hưởng tới việc truyền tín hiệu liên lạc. Binh sĩ có thể kết nối với máy bay đồng minh qua BACN mà không cần di chuyển tới vị trí lộ liễu, dễ bị đối phương tấn công liên lạc bằng sóng vô tuyến.
"BACN được ví như wifi trên trời, nhiệm vụ của chúng đặc biệt quan trọng. Những chiếc E-11A đóng vai trò cửa ngõ kết nối thông tin, cho phép khí tài sử dụng thiết bị vô tuyến khác nhau có thể liên lạc và chia sẻ dữ liệu trên chiến trường", Breth cho biết thêm.
Các máy bay BACN được Mỹ phát triển ngay sau chiến dịch hiệp đồng thảm họa giữa đặc nhiệm hải quân (SEAL), thủy quân lục chiến và lục quân mang tên Red Wings tại Afghanistan vào năm 2005.
Trong chiến dịch này, địa hình núi cao của Afghanistan và việc thiếu cơ sở hạ tầng liên lạc khiến lính đặc nhiệm SEAL không thể liên lạc được với trung tâm chỉ huy tác chiến khi tập kích phiến quân Taliban. Họ phải leo lên điểm cao để liên lạc bằng bộ đàm vô tuyến và điện thoại vệ tinh và bị lộ vị trí. Taliban triển khai nhiều đợt tấn công làm tổng cộng 19 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng.
E-11A BACN bay thử chuyến đầu vào tháng 11/2005 và đưa vào biên chế không quân Mỹ từ năm 2009. Chúng luôn được triển khai tại Afghanistan để thực hiện nhiệm vụ và chỉ trở về Mỹ khi cần bảo dưỡng.
Vũ Anh (Theo Drive)