Những cuộc tấn công tự sát kiểu "kamikaze" của phi công Nhật Bản từng gây ám ảnh cho lực lượng Đồng minh trên mặt trận Thái Bình Dương, nhưng đó không phải là những người đầu tiên thực hiện chiến thuật cảm tử bằng máy bay trong Thế chiến II.
Phi công Liên Xô và Ba Lan đã áp dụng chiến thuật "taran", sử dụng chính máy bay của mình làm vũ khí tấn công không quân Đức ngay từ những ngày đầu Thế chiến II. Khác với "kamikaze" kiểu Nhật, phi công thực hiện đòn đánh "taran" vẫn có thể nhảy dù thoát hiểm sau cú va chạm, thay vì đồng quy vu tận với đối phương.
Đòn đánh taran đầu tiên được ghi nhận ngày 1/9/1939, khi không quân Ba Lan đối đầu với lực lượng Đức áp đảo về số lượng và công nghệ. Sau khi bắn rơi hai oanh tạc cơ Đức, trung tá Leopold Pamula phát hiện máy bay hết đạn và không thể công kích mục tiêu thứ ba.
Để ngăn đối phương ném bom thành phố chiến lược gần đó, Pamula đã điều khiển tiêm kích P.11 của mình lao vào mục tiêu. Pomula nhảy dù an toàn trong khi oanh tạc cơ Đức đâm xuống đất.
Phân tích năm 1986 của Viện RAND tại Mỹ cho thấy các cuộc tấn công theo chiến thuật taran có ba loại. Thứ nhất, phi công có thể dùng cánh quạt tiêm kích để chém vào cánh máy bay địch. Cách thứ hai là đâm va có kiểm soát, để một phần phi cơ va chạm mạnh với cánh lái đối phương.
Cả hai phương thức tấn công này cho phép tiêu diệt máy bay địch mà không đe dọa tính mạng phi công. Tiêm kích đủ ổn định sau đòn tấn công để phi công có thể nhảy dù thoát ly. Cách thứ ba là phi công đâm trực tiếp phần mũi vào thân máy bay địch, với tỷ lệ sống sót của hai bên gần như bằng không.
Khi bị phát xít Đức xâm lược năm 1941, phi công Liên Xô nhanh chóng áp dụng chiến thuật taran để đối phó. Ngày 22/6/1941, chỉ ít giờ sau khi Đức xâm lược, thượng úy phi công I. Ivanov đã đâm va một oanh tạc cơ Đức, đánh dấu đòn tấn công taran đầu tiên trong tổng số 270 lần chiến thuật này được áp dụng, theo một báo cáo năm 1984 của Liên Xô.
Một báo cáo năm 1974 ước tính tổng số lần phi công Liên Xô thực hiện chiến thuật taran trong Thế chiến II là 430.
Chiến thuật tarna ít được biết đến so với đòn đánh kamikaze của Nhật Bản bởi taran được coi là chiến thuật phù hợp với tình hình, còn kamikaze là vũ khí gây kinh hoàng.
Mục tiêu của taran là vô hiệu hóa máy bay đối phương, khiến phi công địch phải nhảy dù và không thể hoàn thành mục tiêu. Thương vong trong những lần đòn taran được áp dụng là rất thấp, thường chỉ bao gồm kíp lái vài người của phía Đức.
Trong khi đó, kamikaze không phải chiến thuật tốt nhất về mặt quân sự, nhưng có thể gây kinh hoàng vì một đòn đánh thành công cũng đủ sức vô hiệu hóa tàu sân bay, thiết giáp hạm hoặc tàu tuần dương đối phương, khiến hàng nghìn thủy thủ bị đe dọa tính mạng.
Duy Sơn (Theo WATM)