Những ngày này, đi dọc xã Bàn Long, huyện Châu Thành, dễ bắt gặp những thân vú sữa Lò Rèn được cưa làm củi chất đầy hai bên đường.
Ngồi bên đống củi vú sữa chất cao phía trước sân nhà, có gốc đường kính đến 6 tấc, ông Nguyễn Văn Nguyên (67 tuổi, ấp Long Thành B) không khỏi tiếc nuối. Ông Nguyên có 5.000 m2 vú sữa 20-46 năm tuổi, đây là giống vú sữa Lò Rèn chính gốc tại Tiền Giang. Những năm trước, bình quân, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm một mùa trái, gia đình ông thu lợi nhuận 100-200 triệu đồng.
Ba năm trước, vườn nhà ông cây bắt đầu bệnh thối rễ, hư trái. Do cây đã lão hóa, nên ông dùng phân thuốc, xử lý nhằm cố gắng phục hồi nhưng thất bại. Phân nửa diện tích vườn vú sữa được ông đốn bỏ, trồng xen cây sapôchê.
Đến năm nay, nhận thấy cây không còn khả năng hồi phục, ông Nguyên quyết định đốn bỏ toàn bộ số vú sữa còn lại. "Cây vú sữa Lò Rèn nuôi mình mấy chục năm rồi, hết cách nên tui mới đốn bỏ chứ cũng xót lắm", ông Nguyên nói.
Sát nhà ông Nguyên, vườn vú sữa 2.000 m2, gần 30 năm tuổi của hàng xóm cũng chỉ còn trơ gốc, cành, thân cây nằm vương vãi khắp nơi. Chủ vườn cho hay, trước khi đốn hạ, những người chơi cây kiểng đã đến vườn, mua những gốc có dáng đẹp, giá 5-7 triệu đồng. Cộng với tiền bán củi 300.000 đồng một mét, tổng cộng cũng vớt vát được hơn 30 triệu đồng sau nhiều mùa thua lỗ.
Xã Bàn Long từng là nơi có diện tích vú sữa lớn của huyện Châu Thành với hàng trăm ha nay chỉ còn lại 2,5 ha. Theo nhiều nông dân, đặc điểm cây vú sữa là sau khi cây bệnh chết, không thể trồng lại cây vú sữa con ở chỗ đất cũ, mà phải đổi giống cây khác. Vùng này thích hợp để trồng sầu riêng, tuy nhiên, sau mùa hạn khốc liệt năm 2019, nhiều nông dân đang phân vân, vì cây sầu riêng chịu mặn kém, chỉ từ 0,5 phần nghìn trở lại.
Cách nhà ông Nguyên 10 km, vườn vú sữa Lò Rèn 4.000 m2, hơn 10 năm tuổi của ông Huỳnh Văn Thọ (67 tuổi, xã Long Hưng) lọt thỏm giữa màu xanh của những rặng dừa. Nhiều năm nay, nhiều hàng xóm của ông có đến quá nửa đã đốn bỏ cây vú sữa.
Trước đây, mảnh vườn của ông Thọ trồng cam, bưởi; sau nhiều năm, vườn cây có dấu hiệu lão hóa hóa nên ông chuyển sang trồng vú sữa. Cây vú sữa sau 3-4 năm trồng bắt đầu cho trái. Nếu chăm sóc tốt, cây đạt độ tuổi 6-7 năm, 1.000 m2 vú sữa sẽ cho khoảng 2 tấn trái.
Bốn năm trước, tỉnh Tiền Giang có chương trình xuất khẩu vú sữa Lò Rèn sang Mỹ. Ông Thọ sau đó được hướng dẫn cách chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật để trái vú sữa đạt yêu cầu xuất khẩu.
Vụ đầu, vườn vú sữa của ông cho năng suất tốt, khoảng 6 tấn trái. Ngoài ra, công ty bao tiêu thu mua giá cao gấp đôi giá thị trường, 28.000 đồng một ký. Tuy nhiên, theo lão nông, do họ lựa trái quá kỹ, bình quân khoảng 200 ký vú sữa tại vườn chỉ lấy khoảng 50-60 kg.
"Do họ yêu cầu hái trái vú sữa vỏ còn cứng để tiện đóng thùng, xử lý vận chuyển đường xa, nên số trái còn lại sau đó tôi không bán được cho ai", ông Thọ nói.
Những vụ sau, do thua lỗ, ông Thọ xin chấm dứt hợp đồng với công ty thu mua vú sữa xuất khẩu, chỉ bán cho thương lái địa phương. Giá không cao, nhưng theo ông, bù lại thương lái địa phương ít kén chọn trái. Bình quân, mỗi vụ vườn nhà ông thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Năm nay, giá vú sữa cao, 19.000-20.000 đồng một ký, tuy nhiên do ảnh hưởng từ đợt hạn mặn từ hai năm trước, vườn cây cho năng suất thấp, nên chỉ thu lợi nhuận bằng phân nửa. Khác với nhiều người quyết định đốn bỏ vườn, ông Thọ cắt cành, dưỡng lại cây, hy vọng vườn sẽ phục hồi, cho trái tốt vụ sau.
Ông Lê Văn Tôn, Phó chủ tịch UBND xã Long Hưng cho biết, 10 năm trước, diện tích vú sữa Lò Rèn trên địa bàn lên đến 300 – 400 ha. Sau nhiều năm cây già cỗi, bệnh, cộng với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 và 2019, đất trồng vú sữa hiện chỉ còn 40 ha. "Ba năm trước, xã đưa ra chỉ tiêu phát triển thêm 7 ha vú sữa trong năm nhưng vẫn không hoàn thành, do đa số người dân rất ngán ngại", ông Tôn nói.
Tại xã Vĩnh Kim cách đó 6 km, là cái nôi, thủ phủ của vú sữa Lò Rèn Tiền Giang, nay cũng lâm vào cảnh đìu hiu khi tổng diện tích toàn xã chỉ còn 17 ha. Đứng bên mảnh vườn 4.000 m2, ông Phạm Văn Đức (57 tuổi) cho hay, sau 15 năm trồng vú sữa, hiện trong vườn nhà ông chỉ còn lại 15 cây, trồng xen giữa vườn dừa. Sau khi cây dừa phát triển, những gốc vú sữa này cũng sẽ bị đốn bỏ để nhường chỗ.
Trong ký ức của ông Đức, chỉ 10 năm trước, hai bên đường ở Vĩnh Kim rợp bóng màu nâu của cây vú sữa. Đến mùa thu hoạch, từ đầu tháng 10 âm lịch hái đến cuối tháng mới hết. Cao điểm vú sữa có giá, nhà vườn không tính bằng ký mà tính bằng trái, nông dân đếm trái tính tiền, trái nhỏ nhất 5.000 đồng, lớn nhất có khi đến 50.000 đồng. Một ngày hái khoảng 1.500 trái, cộng với tiền bán cây giống chiết nhánh, một vụ khi ấy vườn nhà ông lãi 300 triệu đồng là chuyện thường.
"Thời hoàng kim, dân xứ này chỉ cần xách một giỏ xách vú sữa hơn chục trái ra chợ là mua thịt heo ăn thoải mái. Nhiều nhà vườn sau vài vụ vú sữa là xây được nhà tường", ông Đức nhớ lại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho hay, hiện diện tích vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh còn trên 330 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, khoảng 210 ha. Các diện tích còn lại ở huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.
Nguyên nhân chính khiến diện tích vú sữa giảm là do bệnh khô cành thối rễ thường tấn công các vườn cây già cỗi. Ngoài ra, do nông dân trồng dày, lạm dụng phân bón vô cơ, cộng với việc xử lý cho trái sớm liên tục nhiều năm làm cây mất cân đối về dinh dưỡng. Mặt khác, những năm gần đây, các loại cây ăn trái như sầu riêng, mít, bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhà vườn có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước.
"Sở đang hướng dẫn người dân sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, người trồng vú sửa phải được cấp mã số vùng trồng, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc sinh học, bao trái", ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang thông tin.
Ông Mẫn cũng cho biết, ngoài việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đảm bảo phòng chống ngập úng trong mưa lũ và phòng chống hạn mặn trong mùa khô, nông dân trồng vú sữa phải vào hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, hướng đến sản xuất bền vững thời gian tới.
Hoàng Nam