Buổi trưa, ông Lê Văn Thôi (62 tuổi, ấp Mỹ Lợi B, xã Long Tiên, thị xã Cai Lậy) lội bộ ra vườn sầu riêng Mỏn Thon (giống Thái Lan) 17 năm tuổi, rộng 6.500 m2. Như nhiều nhà vườn tại địa phương, ông Thôi làm sầu riêng trái vụ, mỗi năm thu hoạch một đợt quả, trừ chi phí thu lợi nhuận từ 600 đến 800 triệu đồng. Nhờ trồng sầu riêng, ông Thôi vừa xây được căn nhà mới khang trang.
Cùng lúc này năm ngoái, vườn sầu riêng của ông bắt đầu giai đoạn trổ bông, sẽ kịp thu hoạch để gia đình có tiền chơi Tết. Còn năm nay, khu vườn cỏ mọc um tùm vì nhiều ngày không ai chăm sóc. Quanh gốc cây, các đoạn ống nước được tháo rời nằm chỏng chơ. Những mô đất vun quanh gốc khô nứt nẻ, phía trên là thân cây đã chết ngả màu đen xỉn, lá rụng hết, cành bạc trắng, nhiều đoạn mục ruỗng, gãy rơi đầy vườn.
Ảnh hưởng của đợt hạn mặn "kỷ lục" kéo dài gần 6 tháng, như nhiều nhà nông, ông Thôi phải mua nước từ các sà lan tưới vườn với giá 70.000 đồng mỗi khối. "Chỉ dám tưới cầm chừng cho cây sống mà từ đầu vụ đến giờ tốn gần 200 triệu tiền nước, vậy mà vẫn không cứu được cây nào", ông Thôi buồn bã nói.
Dọc 20 km đường từ Long Tiên đến Phú Phong (Châu Thành), nhiều đống củi sầu riêng chất cao ven lộ, có cây đường kính thân đến 30 cm. Đây là những cây sầu riêng đã chết được nhà vườn cưa bỏ, sau đó cho hoặc bán rẻ lại các nhà xưởng làm chất đốt, gỗ công nghiệp.
Cách nhà ông Thôi 2 km, vườn sầu riêng 100 gốc, rộng 5.000 m2 của ông Nguyễn Văn Phước (50 tuổi) may mắn hơn, khi số cây chết hoàn toàn chỉ khoảng 50%. Năm ngoái, vườn sầu riêng 13 năm tuổi này cho năng suất 20 tấn mỗi ha, giá bình quân 60.000 đồng mỗi ký, trừ chi phí gia đình ông Phước lãi hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay, sau khi kết thúc vụ thu hoạch một tháng trước, vườn chỉ bán được 30 triệu đồng, trong khi tiền nước tưới, phân thuốc đã bỏ ra gấp đôi.
Những cây còn "trụ" được qua mùa khắc nghiệt tại vườn cũng lâm vào cảnh èo uột, chậm phục hồi. Ông Phước học theo kinh nghiệm dân gian của người trồng sầu riêng, dùng cưa cắt nhánh, thân rồi bôi vôi sống lên bề mặt gốc cây, với hy vọng các chồi non sẽ sớm hồi sinh.
"Đợt rồi tưởng đâu chết hết, tui sẽ dọn vườn trồng mít, nay còn sống bao nhiêu là mừng rồi, vì giờ có trồng mới lại cũng 5, 6 năm mới thu hoạch, lấy vốn", ông Phước nói.
Xã Tiên Long chỉ trồng chủ yếu cây sầu riêng, có tổng diện tích hơn 1.100 ha. Trong đợt cao điểm mùa hạn mặn, xã đã nhận hỗ trợ hơn 100.000 m3 nước, tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tuy nhiên, do hạn mặn kéo dài, đến nay đã có hơn 530 ha cây chết hoàn toàn.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, tổng diện tích cây sầu riêng chuyên canh trên địa bàn tỉnh hơn 14.000 ha, có trên 3.500 ha cây hiện chết gần như hoàn toàn. Với các vườn thiệt hại, người dân sẽ nhận được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ năm 2017 về hỗ trợ thiên tai. Cụ thể, định mức cây ăn trái thiệt hại trên 70%, người dân sẽ nhận hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi ha, thiệt hại 30-70% là 2 triệu đồng mỗi ha.
Chi cục cho hay, qua khảo sát, dù diện tích cây chết khá lớn, và tình hình hạn mặn được dự báo diễn biến phức tạp năm sau, đa số người dân vẫn đồng ý sẽ tiếp tục trồng lại sầu riêng, vì đây là cây trồng truyền thống và cho lợi nhuận khá cao.
"Chúng tôi đang hướng dẫn người dân rửa mặn, phục hồi cây, xử lý đất. Về lâu dài, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt và vận động người dân chủ động trữ nước sớm từ đầu vụ để ứng phó cho mùa sau", ông Men nói.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Tại "thủ phủ sầu riêng" của miền Tây, UBND Tiền Giang đã hỗ trợ 1,3 triệu m3 nước ngọt, tổng chi phí 37 tỷ đồng để giải khát cho cây, nhưng hàng nghìn ha vẫn chịu cảnh chết khô. Tỉnh Bến Tre ghi nhận 12.000 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Hoàng Nam