Hôm 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, và mức tạm thời là 10%. Riêng Trung Quốc thuế vẫn áp 125%.
Sau nhiều lần áp thuế trước đây, tổng mức hàng Trung Quốc vào Mỹ phải chịu là 145%. Bằng cách này, ông Trump tiếp tục hy vọng có thể buộc Bắc Kinh chấp nhận xuống thang sau nhiều tuần bất ổn trên toàn cầu.
Trong họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian cho biết nước này "cởi mở đàm phán" với Mỹ, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Bà khẳng định "việc gây sức ép, đe dọa, bắt nạt" sẽ thất bại, không phải là cách hành xử đúng với Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh không đóng hoàn toàn cánh cửa đàm phán nhưng duy trì quan điểm "không sợ hãi", cho thấy họ có một số đòn bẩy để không nhượng bộ trước đòn thuế Mỹ.

Trung Quốc để mở cơ hội đàm phán thương mại với Mỹ. Đồ họa: Phiên An
Về khả năng đàm phán, tín hiệu đã thể hiện trong sách trắng của Trung Quốc về quan hệ kinh tế với Mỹ. Tài liệu tái khẳng định bản chất đôi bên cùng có lợi của thương mại Mỹ - Trung. Vì thế, nước này kêu gọi Washington đối thoại và hợp tác, trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
"Lịch sử chỉ ra rằng việc hợp tác có lợi cho đôi bên, trong khi đối đầu chỉ khiến hai nước cùng thiệt hại", sách trắng kết luận. Việc để mở khả năng đàm phán cũng giúp Bắc Kinh tiếp tục định vị mình như một đối tác tin cậy, sẵn sàng hợp tác trước những chính sách thất thường của ông Trump.
Bà He Yongqian tuyên bố nước này không muốn tham gia vào cuộc chiến thương mại và thuế quan, nhưng "sẽ không nao núng" khi phải đối đầu. Việc Bắc Kinh muốn đàm phán sòng phẳng, được tôn trọng là nhu cầu về thể diện quốc gia.
Ngoài vấn đề thể diện, Trung Quốc đang là một siêu cường ngày càng tự tin. Theo chuyên gia, sự tự tin của nước này bắt nguồn từ việc ông Tập Cận Bình tái định hướng và hiện đại hóa nền kinh tế.
Bà Lily McElwee, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng ông Tập quan tâm những chỉ số như khả năng chống chịu công nghệ và tự chủ. Trung Quốc đang "làm khá ổn các lĩnh vực này, nên thuế quan chưa chắc gây tác động ngay lập tức".
Bên cạnh nội lực cốt lõi, nước này còn có "những công cụ có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt", bà McElwee, Chủ tịch kiêm CEO của Ủy ban Đối ngoại Phoenix đánh giá.
Trung Quốc là nhà cung ứng hàng hóa nước ngoài lớn nhất cho Mỹ, chiếm 16% tổng nhập khẩu những năm gần đây. Họ thống trị thị trường điện thoại thông minh, máy tính và đồ chơi - những mặt hàng có nguy cơ tăng giá mạnh đến mức nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người Mỹ.
Do đó, nếu lạm phát tăng vọt và kéo theo một cuộc suy thoái, chính người Mỹ có thể là bên chủ động tìm kiếm thỏa thuận chứ không phải tình huống Bắc Kinh nhượng bộ thương lượng.
Trung Quốc cũng còn có một số "quân cờ" để mặc cả khi ngồi vào đàm phán. Họ có thể gây chấn động cho các bang nông nghiệp chủ chốt của Mỹ bằng cách hạn chế nhập khẩu đậu nành và lúa miến. Biện pháp này đều có thể gây thiệt hại cho cả hai phía nhưng cho thấy khả năng đáp trả mạnh mẽ.
Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Apple có thể chuyển hướng sản xuất sang các nơi khác, nhưng các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa và linh kiện từ Trung Quốc sẽ dễ bị tổn thương. "Nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào, chắc chắn phải chịu thiệt", ông Alex Jacquez, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Joe Biden về Chiến lược công nghiệp và phát triển kinh tế cho biết.
Trong kịch bản đối đầu, Bắc Kinh còn có thể cân nhắc cắt nguồn cung các khoáng sản đất hiếm quan trọng - một lý do khiến Trump ám ảnh trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế ở những nơi như Ukraine và Greenland.

Một góc Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 12/4/2024. Ảnh: AFP
Mặc khác, nước này đang tranh thủ tăng cường quan hệ với các đối tác khác của Mỹ. Đầu tuần này, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gọi thuế quan của Mỹ là ví dụ điển hình của chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và cưỡng ép kinh tế.
Ông nói hành động trả đũa của Trung Quốc không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích bản thân mà còn để bảo vệ hệ thống thương mại quốc tế. "Chủ nghĩa bảo hộ không dẫn đến đâu cả. Mở cửa và hợp tác mới là con đường đúng đắn cho tất cả", ông nói.
Ông Tiêu Lộ, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định đất nước có đủ tự tin và năng lực để ứng phó với nhiều loại rủi ro và thách thức. Theo ông, tiềm năng thị trường rộng lớn của Trung Quốc tiếp tục được khai phá, các biện pháp ổn định kinh tế và ngoại thương được triển khai một cách tuần tự. Do đó, xu hướng phát triển tích cực trong dài hạn không thay đổi.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt 43.000 tỷ nhân dân tệ (5.970 tỷ USD). Nền kinh tế này hiện là đối tác thương mại lớn của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đã ký 23 hiệp định thương mại tự do với 30 quốc gia, khu vực.
Theo WSJ, khác với những khủng hoảng trước đây, Bắc Kinh lần này giữ lợi thế khi có thể rõ ràng quy trách nhiệm cho ông Trump là người khơi mào thương chiến, giúp họ tập hợp ủng hộ từ giới tinh hoa trong nước và một phần dư luận quốc tế.
CNN cho rằng Trung Quốc đang thể hiện mọi dấu hiệu cho thấy họ tin rằng có thể "chịu đựng lâu hơn" nếu tiếp tục cuộc đối đầu với ông Trump. "Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump và các cố vấn cấp cao của ông có thực sự lường trước được mức độ kiên cường của Trung Quốc, cũng như những tổn thất mà Bắc Kinh có thể gây ra cho người tiêu dùng Mỹ hay không", CNN bình luận.
Phiên An (theo CNN, Xinhua, WSJ)