Một dự án đóng tàu cỡ lớn của Vinashin. Ảnh: Vinashin |
Nguồn vốn huy động được dành cho các hợp đồng đóng tàu xuất khẩu đã ký kết, các dự án đã ký với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, các dự án tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các hợp đồng trên.
Hội đồng quản trị Vinashin sẽ phải rà soát các dự án đầu tư, danh mục các khoản vay đúng mục tiêu như trên, xây dựng lộ trình cụ thể đối với từng dự án, làm việc với từng ngân hàng để giải ngân.
Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm thực hiện các cam kết với Vinashin, đặc biệt là bảo đảm lượng vốn cần thiết cho các sản phẩm đóng tàu nói trên. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển hứa cho Vinashin vay 2.700 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 3.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại khác 300 tỷ đồng.
Hiện tại vốn chủ sở hữu của Vinashin đạt trên 6.000 tỷ đồng. Trong tháng 10, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp Vinashin, đánh giá, công bố vốn điều lệ của tập đoàn. Trên cơ sở đó, các bên có liên quan sẽ đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ để Thủ tướng phê duyệt.
(Theo website Chính phủ)