Sau khi lập lên kỳ tích đó tại Euro 2016, chắc hẳn các bạn đang bay bổng với những lời chúc tụng của làng bóng đá trên khắp thế giới. Iceland đã khiến cả thế giới phải nhắc đến tên mình, được mọi quốc gia tìm kiếm thông qua Google, như một điều kì diệu đầy tự hào mà bất cứ quốc gia nào cũng “thèm muốn”.
Bóng đá Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế “nhắc tên”, cũng được tìm kiếm nhiều trên Google nhưng chúng tôi chẳng có vẻ gì là sung sướng, tự hào. Khi chúng tôi chỉ là tấm bia chắn đạn cho những kẻ thất bại ngụy biện mỗi khi thua trận hay ấm ức trọng tài.
Lần gần đây nhất, chúng tôi lại được nói đến, đó là lúc các bạn chiến thắng Đội tuyển Anh. “Iceland, 4 năm trước còn xếp hạng 133 thế giới. Vị trí này đang được nắm giữ bởi Việt Nam”, Daniel Taylor - cây bút của tờ Guardian đã phải thốt lên trên Twitter. Vâng! Lại một lần nữa bóng đá Việt Nam được truyền thông quốc tế nhắc tới.
Các bạn là những “kẻ độc ác” các bạn có biết không? Thành công của các bạn như cú tát trời giáng vào mặt bóng đá Việt Nam mà chúng tôi, những khán giả mới chính là người đau đớn nhất. Các bạn chỉ mất 5 năm để bứt tốc, để tạo lên những điều kì diệu, để cả thế giới nể phục và ngã mũ kính chào. Còn bóng đá Việt Nam thì hàng chục năm qua vẫn chưa từng biết cảm giác ăn mừng vô địch là như thế nào, ở nội dung bóng đá nam Seagame. Đó là một giải đấu thể thao khu vực Đông Nam Á mà đội tuyển bóng đá của chúng tôi luôn đứng đầu trên bảng xếp hạng Fifa. Vậy tại sao? Tại sao chúng tôi vẫn phải mòn mỏi đợi chờ ngày giấc mơ vàng ấy trở thành hiện thực? Lí do chắc có lẽ là các bạn đã thay đổi khi không thành công.
Hiệp hội bóng đá Iceland nhận ra rằng họ đã tồn tại 50 năm trong vô nghĩa và thay vì đổ lỗi cho nhau, các bạn đã cùng ngồi lại thống nhất để thay đổi, để xây dựng, phát triển một đội tuyển quốc gia có thể cạnh tranh ở các giải đấu hàng đầu thế giới.
Bóng đá Việt Nam thì lại nổi tiếng với những vấn đề nổi cộm như cầu thủ bán độ, bạo lực, trọng tài thiếu công bằng... Cơ chế quản lý thiếu chuyên nghiệp đã dẫn đến quá nhiều những tiêu cực tràn lan trong nền bóng đá Việt. Các bạn đã dạy người Anh ngạo mạn một bài học- kẻ đã từng cười nhạo các bạn, còn chúng tôi vẫn chưa thể để người Thái Lan hết kiêu căng, tự phụ- bởi kẻ chiến thắng luôn có quyền làm vậy.
Tôi tin rằng với cách làm bóng đá của Iceland thì chỉ vài năm tới, các bạn có thể đứng ngang hàng với các đội bóng tầm cỡ thế giới như Đức, Pháp, Ý, Braxin… Còn với chúng tôi, được tham dự World cup… Không! Chỉ cần vượt qua được cái “ao làng” Đông Nam Á thôi cũng quá là điều xa xỉ rồi! Bóng đá Việt Nam không thể phát triển như kì vọng có phải lỗi tại chúng tôi, khi những người hâm mộ đặt quá nhiều niềm tin vào đội tuyển Việt Nam. Hay là tại cách phát triển bóng đá không chuyên nghiệp, quản lí kém hiệu quả, cầu thủ thi đấu không tốt…
Tôi không thể biết câu trả lời. Nhưng tôi biết, bây giờ không phải là lúc đổ lỗi cho nhau nữa, mà giờ là lúc chúng tôi cần nhìn lại mình, nhìn các bạn, nhìn vào quá khứ, hướng tới tương lai để bóng đá Việt Nam phát triển như cách mà Iceland đã cho cả thế giới thấy.
Tôi cũng hi vọng sau này, báo chí quốc tế không còn đem bóng đá Việt Nam ra để bông đùa, cợt nhả. Và để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam phải thay đổi. Thay đổi một cách tích cực, toàn diện mà đầu tiên phải từ chính chúng tôi- những người hâm mộ đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam.
Cuối thư, tôi xin gửi lời xin lỗi khi gọi các bạn là những “kẻ độc ác” cho dù các bạn không có lỗi gì cả. Đấy là sự ví von hài hước, chỉ để thấy được rằng các bạn tuyệt vời như thế nào và tôi yêu các bạn, yêu bóng đá Iceland- một trong những nền bóng đá hiện đại, tân tiến nhất trên thế giới.
Các bạn- đội tuyển bóng đá Quốc gia Iceland chính là người thầy, là tấm gương sáng phản chiếu đối lập với chúng tôi mà khi “soi” vào đó, bóng đá Việt Nam phải tự tát chính mình.