Chiều 17/6, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Sỹ Bảy chủ trì buổi đối thoại với 20 người đại diện các hộ còn khiếu kiện liên quan ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Trước đó, ngày 27/11/2020 Phó tổng TTCP Đặng Công Huẩn chủ trì lần đối thoại đầu tiên với 50 hộ dân ở diện tích đất nói trên, song không đạt kết quả mong muốn. Năm 2021, TTCP công bố kết luận 1169 khẳng định thửa đất các hộ dân còn khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch, tức việc thu hồi đất đúng quy định.
Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân lần nữa bày tỏ không đồng tình với nội dung kết luận 1169. Lập luận chính của họ vẫn là bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 (theo Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996) đã mất nên không đủ cơ sở để xác định ranh quy hoạch; các bản đồ được TTCP dùng làm căn cứ kết luận là không phù hợp quy định vì chứng cứ phải là bản gốc.
Người dân đặt ra hàng loạt câu hỏi như: nguyên nhân mất bản đồ và yêu cầu xử lý sai phạm nếu có; căn cứ nào để TTCP kết luận khi các bản đồ làm căn cứ không phải bản gốc; dùng bản đồ "đi mượn" của nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh để kết luận có đúng quy định không... Người dân cũng yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp chi tiết bản đồ ranh thực địa làm cơ sở để thu hồi đất của dân.
Cuộc đối chất nhiều lần bị gián đoạn vì người dân và ban tổ chức mâu thuẫn trong phương thức đối thoại. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phản biện lại ý kiến của đại diện bộ ban ngành, mong muốn được nêu hết ý kiến, nhưng chủ tọa đề nghị dành thời gian để các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi.
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp liên tục đề nghị bà con tôn trọng chủ toạ và yêu cầu tắt micro để ngắt lời, dành thời gian cho cơ quan chức năng giải đáp. Tuy nhiên, trước hàng loạt câu hỏi của người dân, đại diện cơ quan Trung ương đều chỉ ghi nhận, tiếp thu và xin trả lời sau.
Ông Lê Văn Lãng, Phó chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết vừa tiếp nhận thêm tài liệu và ý kiến phản biện của người dân, đại diện Bộ sẽ tiếp thu và báo cáo thêm với cấp trên.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tái khẳng định chỉ có khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch, còn 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh. Các bằng chứng đã được nêu trong kết luận 1169. "Bộ sẽ ghi nhận lại các ý kiến và hồ sơ khác mà bà con cung cấp. Không phải chúng tôi không trả lời, mà đã trả lời ở kết luận 1169", ông nói.
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết một số nội dung câu hỏi của người dân chưa thể trả lời nhưng bộ ngành đã ghi chép, nhận tài liệu, lắng nghe. "Đề nghị bà con tin tưởng vào sự minh bạch, công khai trong giải quyết khiếu nại liên quan vấn đề này", ông nói. Câu trả lời khiến nhiều người dân Thủ Thiêm không hài lòng.
Lần đầu tiên dự đối thoại với dân Thủ Thiêm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết trước buổi này đã tiếp 30 người dân đại diện cho 115 hộ thuộc 5 khu phố khiếu kiện kéo dài.
Theo ông Nhưỡng, sự việc ở Thủ Thiêm kéo dài 5 nhiệm kỳ, qua nhiều thế hệ lãnh đạo với tư duy, cách làm việc khác nhau. Do đó, các cơ quan phải giải quyết khách quan, trung thực nhất để đảm bảo quyền lợi người dân. Nếu họ chứng minh được các quan điểm của mình thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét lại. Quốc hội sẽ giám sát vụ việc đến khi giải quyết triệt để.
"Chưa ai nói vấn đề hôm nay sẽ chấm dứt. Hơn 20 năm rồi, bà con cố gắng chờ đợi. Nếu thật sự phát hiện dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật, cần thiết có thể chuyển cơ quan điều tra", ông nói.
Đại diện chính quyền TP HCM, Phó chủ tịch UBND Ngô Minh Châu cho rằng kết luận của TTCP "có thể đúng về pháp luật, nhưng về tình thì chưa thoả mãn được người dân". Thành phố đang bàn giải pháp xem xét lại chế độ hỗ trợ cho người dân phù hợp thời giá.
Kết luận buổi đối thoại, Phó tổng TTCP Lê Sỹ Bảy chia sẻ với những bức xúc của người dân và nhận trách nhiệm vì giải quyết chậm khiếu nại của họ. Nguyên nhân do đại dịch và chính quyền TP HCM thay đổi lãnh đạo, nhiều người mới tiếp nhận vị trí nên không nắm hết sự việc.
Ông Bảy khẳng định đã ghi đầy đủ các ý kiến và sẽ trả lời cho người dân hai nội dung lớn liên quan vấn đề ranh quy hoạch và bản đồ. Lãnh đạo TTCP đề nghị UBND TP HCM sớm trả lời cho người dân các vấn đề thuộc thẩm quyền. "Chắc chắn, việc giải quyết khiếu nại của bà con chưa thể dứt điểm hôm nay", ông nói.
Buổi đối thoại kết thúc sau ba giờ với nhiều bất đồng giữa người dân Thủ Thiêm và chính quyền. Hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, trong buổi làm việc với Thường trực Thành uỷ TP HCM chiều 14/4, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị TTCP chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, thống nhất và tham mưu Chính phủ tháo gỡ khó khăn giúp TP HCM xử lý dứt điểm 5 vụ việc còn lại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm cụ thể tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TTCP đã chuyển đến Cơ quan điều tra Bộ Công an. Ông Trạc đề nghị việc xử lý cần xem xét phù hợp hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đúng quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm và hiện nay; đánh giá đúng động cơ, mục đích của sai phạm và hậu quả thiệt hại thực tế để xử lý khách quan, toàn diện, công tâm, đúng bối cảnh, hoàn cảnh xảy ra sai phạm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996 với quy mô 930 ha (trong đó: Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện quận 1.
Đây được kỳ vọng là khu đô thị đẹp và hiện đại nhất Đông Nam Á, tuy nhiên do nhiều sai phạm nên sau hơn 20 năm triển khai, khu đô thị chưa thể hoàn thành vì vấp phải sự phản đối của người dân ở đây. Nhiều cán bộ ở thành phố để xảy ra vi phạm ở dự án đã bị kỷ luật.
Thu Hằng