Trên trang web của Hoàng tử Arab Saudi Al-Waleed bin Talal, phần tiểu sử chỉ có một câu về dòng dõi, cho biết ông sinh năm 1955 và là cháu quốc vương đầu tiên của Arab Saudi, còn lại là thông tin dày đặc về sự giàu có và quyền lực của Hoàng tử được tạp chí Time mô tả là "Warren Buffett của Arab".
Tương tự Buffett, ông trùm đầu tư người Mỹ, Al-Waleed phát triển sự nghiệp của mình gần như từ con số không. Dù là thành viên hoàng gia Arab Saudi, sự giàu có của Al-Waleed không đến từ tài sản thừa kế hay ngành công nghiệp dầu mỏ thịnh vượng của đất nước.
Thay vào đó, Al-Waleed làm giàu bằng cách đầu tư vào các thương hiệu toàn cầu tại thời điểm những công ty này gặp khó khăn. Ông là một trong những cổ đông lớn nhất của Apple và Twitter, đồng thời sở hữu cổ phần trong Citigroup, Disney, hãng phim 20th Century, hãng cung cấp dịch vụ đi xe chung Lyft cùng những khách sạn xa xỉ khắp thế giới.
"Tôi đã đạt được rất nhiều hợp đồng tốt, nhưng cũng từng gặp một số tình huống không thuận lợi, giúp tôi rút ra bài học. Vì vậy, chúng tôi không kiêu ngạo và cũng không nói rằng mọi chuyện đều ổn", Al-Waleed trả lời phỏng vấn năm 2013.
Nhờ một loạt quyết định đầu tư táo bạo, Hoàng tử Al-Waleed dần trở thành một trong những gương mặt Arab Saudi quen thuộc nhất tại phương Tây. Ông là chủ khách sạn Savoy nổi tiếng bậc nhất thủ đô London của Anh, sở hữu khu nghỉ dưỡng Raffles Seychelles, từng mua du thuyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo bảng xếp hạng hồi tháng 6 của tạp chí CEO World, Al-Waleed hiện là người giàu nhất Trung Đông, với giá trị tài sản ròng khoảng 19,1 tỷ USD.
Giới truyền thông cho biết nhờ khối tài sản khổng lồ, Al-Waleed tận hưởng cuộc sống vô cùng xa hoa với ba cung điện tại Arab Saudi. Ông chủ yếu sống tại Cung điện Kingdom tráng lệ rộng hơn 23.000 m2 ở trung tâm thủ đô Riyadh, có giá trị khoảng 130 triệu USD. Toàn bộ 317 phòng trong cung điện đều được trang trí bằng đá cẩm thạch Italy, lụa phương Đông, đồ đạc mạ vàng và có hơn 250 tivi.
4 nhà bếp tại cung điện phục vụ cả ẩm thực Arab, châu Âu và châu Á, giúp tổ chức các bữa tiệc quốc tế cho Al-Waleed. Một nhà bếp khác chỉ chuyên làm món tráng miệng và bánh kẹo. Đội ngũ đầu bếp được cho là đủ khả năng chuẩn bị đồ ăn cho 2.000 người trong vòng một giờ. Trong vườn, một hồ bơi được bố trí phía trên rạp chiếu phim rộng lớn dưới hầm.
Gần Cung điện Kingdom là Cung điện Kingdom Resort, tọa lạc trên khu đất rộng hơn 46.000 m2, có ba hồ nước và những khu vườn theo nhiều chủ đề. Tuy nhiên, hai cung điện này tỏ ra lép vế khi so sánh với Kingdom Oasis, cung điện rộng hơn 370.000 m2 đang được xây dựng, được cho là có sở thú tư nhân và hồ nhân tạo.
Để phục vụ hoạt động di chuyển khắp thế giới, Al-Waleed sử dụng chiếc Boeing 747-400 riêng, phần lớn nội thất bên trong đều được dát vàng. Ông cũng sở hữu một máy bay Airbus A380, được cho là còn xa xỉ hơn và trị giá hơn 500 triệu USD. Ngoài ra, Al-Waleed có bộ sưu tập gồm hơn 200 ôtô đắt tiền như Rolls-Royce Phantom, Ferrari và Lamborghini.
Mùa hè năm 2017, Al-Waleed đã chi gần 752.000 USD cho kỳ nghỉ kéo dài một tuần tại khu nghỉ dưỡng Aegean ở thành phố Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay riêng của ông chở hơn 300 vali và khoảng 30 xe đạp đến thành phố biển để thỏa mãn niềm yêu thích đạp xe của Hoàng tử.
Dù có lối sống xa hoa, Al-Waleed vẫn tích cực làm từ thiện, được cho là đã góp 3,5 tỷ USD cho các hoạt động xã hội trong ba thập kỷ qua, phần lớn tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Ông từng ngỏ ý hỗ trợ thành phố New York của Mỹ 10 triệu USD sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nhưng Rudy Guiliani, thị trưởng New York khi đó, từ chối nhận.
Mục tiêu lớn nhất của Al-Waleed là vận động cho quyền tự do của phụ nữ tại Arab Saudi. Ông nhiệt tình hỗ trợ chương trình đào tạo nữ phi công máy bay chở khách đầu tiên của đất nước, đồng thời từng tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ phụ nữ Arab Saudi làm việc trên mọi lĩnh vực".
Năm 2015, Al-Waleed cho biết ông sẽ bắt đầu quyên góp toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện trong những năm tới, phần lớn thông qua tổ chức Al-Waleed Philanthropies. Các mục tiêu được đề ra là tăng cường sức khỏe người dân trong khu vực, hạn chế bệnh tật, xây dựng các trại trẻ mồ côi và trường học, trao quyền cho phụ nữ Arab Saudi.
Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời của Al-Waleed xảy ra vào đầu tháng 11/2017, khi ông nằm trong số 320 hoàng tử, bộ trưởng và doanh nhân Arab Saudi bị bắt trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của Thái tử Mohammed bin Salman. Al-Waleed bị cáo buộc rửa tiền, hối lộ và tống tiền các quan chức chính phủ.
Al-Waleed phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng, nhưng ông và các thành viên hoàng gia vẫn bị giam lỏng tại khách sạn Ritz-Carlton ở Riyadh trong gần ba tháng tiếp theo.
Khi Al-Waleed được trả tự do vào ngày 27/1/2018, một số nguồn tin cho hay ông đã chấp nhận trả 6 tỷ USD cho chính phủ Arab Saudi để thoát khỏi cảnh bị giam lỏng. Giới chuyên gia nhận định điều này giúp trấn an các nhà đầu tư đã đổ tiền vào đế chế kinh doanh của Al-Waleed, đồng thời góp phần ổn định kinh tế Arab Saudi.
Chính phủ Arab Saudi không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc chống lại Al-Waleed, cũng không cung cấp bất cứ thông tin nào về quá trình đàm phán bí mật để ông được tự do.
Ngay cả khi bị giam lỏng, Al-Waleed vẫn tận hưởng cuộc sống sang trọng tại "nhà tù 5 sao" ở khách sạn Ritz-Carlton. Tại đây, văn phòng của Al-Waleed đầy đủ tiện nghi và dát vàng, trong khi phòng ăn và bếp luôn được chuẩn bị đầy đủ đồ chay.
"Cuộc sống rất thoải mái. Tôi thấy thư giãn. Tôi vẫn có thể cạo râu như ở nhà. Thợ cắt tóc của tôi đến tận đây. Tôi thực sự thấy giống như ở nhà", Al-Waleed cho biết vào lúc đó.
Tuy nhiên, hai tháng sau khi được tự do, Al-Waleed bị gạt khỏi danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes, do thiếu các thông tin cập nhật về tài sản của ông.
Ánh Ngọc (Theo The Gentleman's Journal, Washington Post)