Biên đội tàu hải quân Nga, trong đó có tàu ngầm hạt nhân Kazan, đã cập cảng Havana của Cuba ngày 12/6, bắt đầu chuyến thăm 5 ngày tại quốc gia Mỹ Latin. Khi vào cảng Havana, tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov đã khai hỏa 21 phát đại bác để đáp lễ nghi thức chào mừng của nước chủ nhà.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày thông báo đội tàu nước này đã "hoàn thành cuộc diễn tập về sử dụng vũ khí tên lửa có độ chính xác cao" trước khi cập cảng.
Quân đội Cuba cho biết chuyến thăm của đội tàu Nga "tuân thủ nghiêm ngặt" quy định quốc tế. Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định các tàu không mang theo vũ khí hạt nhân, do đó chuyến thăm cảng Havana "không phải mối đe dọa đối với khu vực".
Tuy nhiên, khi tàu ngầm hạt nhân và một trong những hộ vệ hạm hiện đại nhất của Nga hiện diện tại vùng biển chỉ cách mũi Florida của Mỹ khoảng 145 km, nhiều chuyên gia cho rằng đây là thông điệp mạnh mà Nga đang gửi tới Mỹ.
Rebekah Koffler, nhà phân tích tình báo chiến lược và từng là quan chức cấp cao trong cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, cho rằng động thái của Moskva là lời cảnh báo đối với Tổng thống Joe Biden, sau khi lãnh đạo Nhà Trắng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tập kích vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/6 chỉ trích việc Mỹ và đồng minh chuyển giao vũ khí tầm xa cho Ukraine để tập kích lãnh thổ Nga, thêm rằng Moskva có thể hành động tương tự để đe dọa lợi ích của các nước phương Tây.
"Nếu ai đó nghĩ rằng có thể chuyển những vũ khí đó đến vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ Nga và gây thêm rắc rối, tại sao chúng tôi không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại đến những khu vực khác trên thế giới, nơi có khả năng tấn công hạ tầng nhạy cảm của phương Tây", ông Putin nói.
Kazan là một trong ba chiếc thuộc lớp Yasen-M, mẫu tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm mới và hiện đại nhất của Nga. Các tàu ngầm lớp Yasen-M có khả năng hoạt động ở độ sâu 520 m, tốc độ hành trình dưới nước hơn 57 km/h và có thể hoạt động trong lòng biển 100 ngày liên tục.
Mỗi tàu được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng với 32 tên lửa chống hạm P-800 Oniks hoặc 40 tên lửa chống hạm 3M-54 Kalibr, giúp đủ sức đương đầu với cả biên đội tàu chiến đối phương, cùng cụm ống phóng ngư lôi cỡ 650 mm và 533 mm. Tàu ngầm lớp này cũng có những hệ thống cảm biến hiện đại có thể phát hiện mục tiêu dưới nước cách xa 600 km.
Theo Koffler, với quyết định triển khai đội tàu chiến hiện đại tới Cuba, quốc gia ở ngay sát Mỹ, Tổng thống Putin đang nói với Washington rằng "chúng tôi có thể chạm tới vị trí của các vị".
"Ông Putin muốn tới gần lãnh thổ Mỹ vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine đang leo thang nghiêm trọng, sau khi ông Biden nới hạn chế cho Kiev", chuyên gia này nói. Theo Koffler, động thái này sẽ góp phần răn đe Mỹ, ngăn Washington cho Kiev dùng vũ khí tầm xa tấn công mục tiêu quan trọng tại các thành phố lớn trên lãnh thổ Nga.
"Các chiến hạm là lời nhắc nhở Washington rằng sẽ thật khó chịu khi đối thủ hiện diện ở quốc gia gần kề bạn", Benjamin Gedan, giám đốc chương trình Mỹ Latin tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói. "Nó cũng nhắc nhở những người bạn của Nga trong khu vực rằng Moskva đứng về phía họ".
William Leogrande, giáo sư Đại học Mỹ, cũng cho rằng lần cập cảng này của đội chiến hạm Nga mang nhiều thông điệp hơn là chuyến thăm hay hoạt động giao lưu quân sự thông thường.
"Chuyến thăm của các chiến hạm của Nga là cách ông Putin nhắc nhở ông Biden rằng Moskva có thể thách thức Washington trong phạm vi ảnh hưởng của chính họ", Leogrande nói.
Giới quan sát cho rằng việc tàu chiến Nga xuất hiện ở Havana vào thời điểm xung đột Ukraine leo thang nhắc nhớ tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Liên Xô khi đó đã gửi tên lửa đạn đạo tới Cuba nhằm đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy quan hệ giữa hai siêu cường tới khủng hoảng nghiêm trọng, tiến sát bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Vladimir Rouvinski, phó giáo sư khoa nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Icesi ở Colombia, cho rằng hình ảnh tàu ngầm hạt nhân Nga xuất hiện ở Cuba giúp chứng minh rằng các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm bớt hiện diện của Moskva ở mọi nơi, đặc biệt là Mỹ Latin, "đều không hiệu quả".
"Chúng ta cũng phải thấy rằng Nga không muốn từ bỏ Mỹ Latin, ngay cả khi quân đội nước này đang bị cuốn vào xung đột ở Ukraine", Rouvinski nói.
Quan hệ giữa Nga và Cuba ngày càng được củng cố. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel hồi tháng 5 có chuyến thăm Moskva lần thứ 4, nhấn mạnh Moskva luôn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Havana.
Nga hồi tháng 3 chuyển 90.000 tấn dầu cho Cuba nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, đồng thời hứa hẹn hỗ trợ Havana trong các dự án sản xuất đường, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và du lịch.
Nhiều người dân Cuba cũng lạc quan về quan hệ hai nước.
"Tôi chưa từng thấy con tàu lớn như vậy ở khoảng cách gần đến thế", Maria Isabel Quesada, 50 tuổi, nói. "Là người Cuba, tôi cảm thấy an toàn, hài lòng và tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia".
Thanh Tâm (Theo Fox News, AFP, Washington Post)