Địa chỉ khiếu nại khi xe máy hỏng do xăng aceton: |
Việc giám định lại để xem lỗi thuộc về đâu, tại sao chất aceton lại có trong xăng và việc pha trộn này nhằm mục đích gì. Nếu lỗi thuộc về nhà cung ứng và nhà sản xuất thì bên xuất khẩu sẽ đồng ý nhận lại hàng VN tái xuất.
Hôm 30/8, tại buổi làm việc với Sở Khoa học công nghệ TP HCM, cả 2 nhà nhập khẩu xăng pha aceton Petrolimex và Công ty Xăng dầu quân đội đều thừa nhận là cùng lấy hàng từ nhà máy Glencore của Singapore thông qua đối tác Hàn Quốc là tập đoàn Daewoo International Corporation.
Trong trường hợp hàng không được tái xuất, đại diện Công ty Xăng dầu quân đội cũng cho biết sẽ xin phép Chính phủ được "tự xử" đối với lô hàng pha aceton. Một trong hai biện pháp đề nghị là pha loãng xăng sao cho nồng độ aceton ở mức cho phép dưới 0,2%. Trường hợp thứ hai, sẽ hòa tan aceton vào nước sau đó hút hết nước để xăng trở lại trạng thái ban đầu.
Lãnh đạo Công ty Xăng dầu quân đội nhìn nhận, khả năng hàng được phép tái xuất trở lại là rất khó.
Ôtô đổ xăng có hóa đơn mới chắc ăn đòi được bồi thường thiệt hại do aceton (nếu có). Ảnh: P.A. |
Sáng qua, đại diện văn phòng phía Nam Bộ Thương mại cũng cho biết, Bộ không can thiệp vào chuyện xăng aceton tại TP HCM, mà phải do doanh nghiệp tự giải quyết cũng như làm việc với đối tác.
Từ chiều 30/8, Petrolimex cũng đã ngưng bán xăng A95 có aceton tại 25 cửa hàng ở TP HCM. Theo ông Đặng Duy Quân, Phó giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 Petrolimex, đến chiều 31/8, Petrolimex đã cho thu hồi hết số xăng trên tại 21 cửa hàng. "Do thiếu phương tiện nên trong buổi sáng 1/9 chúng tôi sẽ hoàn tất việc thu hồi hơn 300 m3 xăng A95 có aceton này", ông Quân nói.
Theo Giám đốc Chi nhánh Công ty Xăng dầu quân đội Phan Duy Phúc, đến chiều 31/8 đã cơ bản khống chế số xăng cũ và số đã pha loãng. "Cuối tuần này, lượng xăng có aceton của công ty sẽ không còn trên thị trường", ông Phúc khẳng định.
Về khiếu nại của khách hàng trên đường dây nóng, theo ông Quân, hôm qua đã có một số người dân liên hệ nhưng họ sử dụng loại xăng A92 nên Petrolimex không thể giải quyết được, vì chỉ xăng A95 của nhà cung cấp này mới có aceton.
Về phía Công ty Xăng dầu quân đội, ông Phúc cũng cho biết đã có một số người tiêu dùng gọi điện thoại đến đường dây nóng của công ty thông báo về việc sử dụng xăng có pha aceton và bị hỏng pôngtu. Tuy nhiên, theo ông Phúc, việc xác minh xăng đổ ở đâu là rất khó. Vì vậy, công ty đã đề nghị khách hàng đến tại cửa hàng mua xăng và trình bày. Nếu đúng là xăng do công ty cung cấp thì người sử dụng sẽ được bồi thường.
Chiều 31/8, Văn phòng tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam thuộc Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 đã lấy mẫu xăng tại 4 tỉnh miền Nam, ngoài TP HCM, để kiểm định chất lượng. Kết quả phân tích chất lượng, trong đó có hàm lượng aceton, sẽ được công bố sau dịp nghỉ lễ 2/9.
Chủ nhiệm Văn phòng tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam Hoàng Nam Vinh từ chối tiết lộ thông tin về số mẫu xăng đã lấy và địa chỉ bán xăng vì lý do bảo mật mẫu. Song ông Vinh cho biết, hiện chưa có khiếu nại nào của người tiêu dùng ngoài TP HCM đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh chất lượng xăng làm hỏng xe máy.
Trong khi đó, nhiều người dân TP HCM hết sức bức xúc về khả năng đòi được 2 nhà nhập khẩu xăng pha aceton là Petrolimex và Công ty Xăng dầu quân đội bồi thường. "Tôi đổ xăng xe máy chứ không phải ôtô, không hóa đơn chứng từ. Xe hư pôngtu đi sửa trong tiệm vỉa hè, làm sao có hóa đơn để chứng minh thiệt hại", ông Nguyễn Khánh, ngụ tại 60 Nguyễn Trãi, quận 1, nói.
Minh, tài xế taxi Vinasun, kể, xe anh đã 2 lần phải súc rửa bình xăng, yêu cầu điểm bán xăng ở góc Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi thay xăng mới. Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một ôtô hiệu Toyota cho biết, hôm qua ông trả 350.000 đồng để đổ xăng A95 Petrolimex, tuy nhiên xăng sặc mùi aceton. Ông Tuấn đã phải yêu cầu nhân viên điểm bán thay xăng nhưng vẫn nồng nặc mùi thuốc rửa móng tay. Cuối cùng ông phải đổ xăng 92 thay vì 95 như trước.
Quá bức xúc, ông Tuấn cho rằng người tiêu dùng đã bị các nhà cung cấp xăng dầu lừa khi không công khai tình trạng xăng pha aceton, kể cả khi đã bị kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng chất dung môi này cao.
Ông Tuấn đề nghị Petrolimex cũng như Công ty Xăng dầu quân đội công khai những bằng chứng về việc đã kiểm tra chất lượng lô xăng, phương án xử lý và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Hoàng Nam Vinh cho rằng, rất khó để xác định thiệt hại và bồi thường cho người tiêu dùng vì sử dụng xăng "bẩn". Do đó ông đề nghị các nhà cung cấp xăng aceton nên nghiên cứu những phương án khác để bồi hoàn cho khách hàng, trong đó giảm giá xăng trong thời điểm nào đó là một gợi ý.
Nhóm phóng viên