Cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có sự thay đổi lớn vào cuối tháng 7. Theo đó, Công ty mẹ CPG ở Thái Lan chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ ở CP Việt Nam (71%) sang cho công ty con - Công ty CP Pokphand (CPP) trụ sở ở Hong Kong.
Sự chuyển đổi cơ cấu sở hữu trong nội bộ một tập đoàn là điều thường thấy trong kinh doanh. Tuy nhiên, CPP hoạt động ở thị trường Trung Quốc và chiếm thị phần nhất định ở thị trường này. Trong khi đó, thời gian qua, nhiều thương lái Trung Quốc sang tận Việt Nam thu gom nông thủy sản với số lượng lớn. Do vậy, việc CPP giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thị phần lớn về chế biến thức ăn gia súc, cung cấp trứng gia cầm... dấy lên mối lo ngại nguồn nguyên liệu nông sản ở Việt Nam sẽ dễ dàng xuất sang Trung Quốc, dẫn tới mất cân đối cung cầu trong nước.
![]() |
C.P Việt Nam chiếm khoảng 50% thị phần trong nước về trứng gà công nghiệp, chăn nuôi heo chiếm 5%, thức ăn gia súc là 18-20%. Ảnh: B.H. |
Phó chủ tịch phụ trách tài chính CTG Montri Suwanposri khẳng định: "Thương vụ này không phải là sự hỗ trợ hay hợp thức hóa việc cung ứng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các doanh nghiệp Trung Quốc. CP Việt Nam vẫn tập trung sản xuất, phục vụ nhu cầu trong nước, chứ không có chủ trương gom nguyên liệu xuất sang Trung Quốc sau khi thay đổi cấu trúc cổ đông".
Theo ông, việc chuyển nhượng sang công ty con để công ty mẹ ở Thái Lan có cơ hội huy động vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhu cầu tái đầu tư, luân chuyển vốn của Tập đoàn nhanh và huy động vốn ở bên ngoài có phần khó khăn. Thương vụ này không thay đổi ông chủ sở hữu, cũng không phải được bán cho Trung Quốc, mà chỉ điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức ở các công ty thành viên. CPG chiếm 72% cổ phần tại CPP.
Bạch Hường