![]() |
Việt Nam có thể sẽ tự huy động vốn để tiếp tục xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Trước đó, ngày 11/11, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan, chỉ đạo Bộ Ngoại giao và Petro Vietnam về việc chấm dứt Hiệp định Việt - Nga về Liên doanh nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hiện chuyên gia hai bên đang bàn những điều kiện chi tiết để có thể trình Uỷ ban hợp tác liên Chính phủ xem xét và quyết định vào cuối năm nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt liên doanh nói trên, theo ông Phạm Quang Dự là do trong thời gian qua, hai bên đã mất rất nhiều thời gian để thương thuyết, bàn bạc. Riêng thủ tục thành lập công ty liên doanh mất gần một năm. Đáng lẽ ra nhà máy phải đi vào hoạt động từ năm nay, song hiện mới chỉ có 6/7 gói thầu của dự án được tiến hành và phải đến năm 2003-2004 mới hoàn tất. Còn gói thầu số 1 (gói thầu quan trọng nhất) dù đã được xúc tiến từ tháng 6/2000, đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng. Những vướng mắc nảy sinh từ gói thầu này đã gây khó khăn cho hoạt động của liên doanh.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, chính quy định mỗi bên chịu 50% vốn đã gây khó khăn mỗi khi liên doanh cần có quyết định về một vấn đề gì đó. Cái gì cũng phải thương thảo, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Cách lựa chọn đối tác (thầu phụ) xây dựng gói thầu số 1 cũng gây nhiều tranh cãi. Phía Nga thì chọn những công ty mà theo phía Việt Nam đánh giá là không đảm bảo khả năng kỹ thuật để thực hiện. Hai bên phải bàn với nhau mãi mới thống nhất việc chọn rồi đổi đối tác. Khó khăn còn nảy sinh trong quá trình đàm phán tay ba giữa phía Việt Nam, Nga với đối tác thực hiện hợp đồng, đến 5-6 tháng vẫn chưa đạt được kết luận cuối cùng.
Ngoài ra, ông Dự cho rằng, phía đối tác Nga (Công ty dầu khí Zarubezhneft) hoàn toàn chỉ chuyên thăm dò, khai thác dầu ở nước ngoài chứ từ trước tới nay chưa hề có nhà máy lọc dầu. Hiện nay, Liên doanh nhà máy lọc dầu Dung Quất có khoảng 350 người. Trong đó, Nga chỉ chiếm 35 người, mà theo ông Dự, phần lớn đều "rất ít kinh nghiệm" và lúng túng trong điều hành công trình. Đây là một nguyên nhân gây ra sự chậm trễ.
Trong cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam mới đây, Tổng Giám đốc Liên doanh nhà máy lọc dầu Dung Quất Alexandre Chits cho rằng, các nhà thầu Việt Nam rất thiếu trách nhiệm với các gói thầu do mình thi công. Theo ông, đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, một nguyên nhân quan trọng khác khiến hai bên không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng là vừa qua, phía Nga đã đưa ra những yêu cầu mà phía Việt Nam cho là khó chấp nhận. Chẳng hạn như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến khi dự án thu hồi hết vốn đầu tư; miễn thuế cho các nhà thầu nước ngoài khi thực hiện xây lắp cũng như khi chuyển lợi nhuận về nước họ. Ngoài ra, đối tác Nga còn yêu cầu được tham gia vào hoạt động phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại thị trường Việt Nam; hạch toán khấu hao trong giai đoạn hoàn vốn phải được thực hiện với tỷ lệ đảm bảo hoàn trả vốn vay; bổ sung khối lượng cung ứng vật tư, thiết bị từ Nga với giá trị lên tới 50% tổng phần vốn đầu tư của Nga.
Chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Quốc hội khóa X thông qua tại Nghị quyết số 07/1997 (ngày 5/2/1997), trong đó nhấn mạnh, Việt Nam tự đầu tư. Bởi sau nhiều năm kêu gọi đầu tư nước ngoài tốn kém hàng triệu USD để lập luận chứng khả thi, nhiều nhà thầu như tập đoàn Total (Pháp), Petronas (Malaysia)... đều bỏ cuộc vì thấy lãi suất của dự án thấp.
Dự kiến ban đầu, tổng vốn pháp định đầu tư cho dự án là 1,5 tỷ USD. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dùng 600 triệu USD tiền lãi bán dầu thô để tái đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu. Ngoài ra, số vốn còn lại sẽ đi vay dưới hình thức phát hành trái phiếu. Theo đúng tiến độ, năm 2001 sẽ hoàn tất nhà máy và đến năm 2002 sẽ cho đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997-1998, giá dầu thô thế giới giảm đáng kể. Nguồn thu từ dầu thô đổ về ngân sách do đó cũng giảm mạnh. Vì vậy, năm 1998, chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết hiệp định liên doanh xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất theo tỷ lệ vốn 50/50. Cũng với công suất thiết kế trước đây là chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, nhưng vốn đầu tư chỉ còn 1,3 tỷ USD. Trong đó, hai bên chia đôi phần góp vốn pháp định 800 triệu USD (mỗi bên góp 400 triệu USD). 500 triệu USD còn lại, ngân hàng Nga thu xếp 250 triệu USD, ngân hàng Việt Nam thu xếp 250 triệu USD.
Như vậy, chủ trương liên doanh nói trên là nhằm thu xếp tài chính, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo Nghị quyết của Quốc hội, về công nghệ, thiết kế, cũng như việc cung cấp thiết bị, việc thi công xây dựng nhà máy đều phải thông qua đấu thầu quốc tế và đảm bảo đúng thời hạn. Trong điều kiện thương mại đã ký kết, hai phía đều có quyền ưu tiên xem xét, lựa chọn đối tác.
Trao đổi với phóng viên VnExpress sáng nay, ông Đặng Vĩnh Nghi, trợ lý Tổng giám đốc Liên doanh nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết mọi công việc tại dự án vẫn diễn ra bình thường. Hiện phía Nga và Việt Nam đang tiến hành đàm phán ký kết hợp đồng xây dựng gói thầu số 1 với đối tác Technip Coflexip của Pháp. |
Theo ông Phạm Quang Dự, nếu Chính phủ Nga chính thức chấp thuận đề nghị giải thể liên doanh, Việt Nam sẽ chủ động xây dựng nhà máy. Ông khẳng định, đến nay, Việt Nam có thể tự lực về vốn để đầu tư 100%. 600 triệu USD sẽ lấy từ tiền lãi bán dầu thô. Phần còn lại thì Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) thu xếp được 250 triệu USD; các đơn vị trúng gói thầu số 1 cam kết thu xếp 500 triệu USD nữa. Về công nghệ, đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn. Riêng việc quản lý, xây dựng nhà máy, Việt Nam đang tính tới phương án thuê các công ty tư vấn, quản lý dự án có kinh nghiệm để họ giúp đảm bảo tiến độ, chất lượng và không để thất thoát.
Bình Yên - Song Linh