Sau thông tin Singapore mới đây thu hồi 300-400 thú nhún đồ chơi có hình dạng con bò, tuần lộc và ngựa vì phát hiện chứa chất phthalates độc hại, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã khảo sát cửa hàng bán đồ chơi trẻ em tại phố Lương Văn Can (Hà Nội).
Đoàn lấy 2 mẫu thú nhún được sản xuất tại Trung Quốc gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 để thử nghiệm chỉ tiêu hợp chất phthalates.
Kết quả cho thấy, trong 16 chỉ tiêu phân tích, 1 mẫu thú nhún màu vàng có tổng lượng các chất phtalates là hơn 5.000mg/kg. Trong đó, chất phathalic acid bis butyl ester hơn 140mg/kg và phathalic acid bis ethyl ester là gần 5.000 mg/kg.
Mẫu màu đỏ có tổng lượng các hợp chất phthalates là hơn 9.500mg/kg. Trong đó, phathalic acid bis butyl ester là gần 9.400mg/kg, còn phathalic acid hexyl 2 ethylhexyl ester là hơn 160mg/kg, phathalic acid bis ethylhexyl ester là hơn 7mg/kg.
Hiện Việt Nam chưa có quy định giới hạn phthalates với sản phẩm đồ chơi thú nhún của trẻ em. Vì thế, để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của hợp chất này, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đề nghị Viện Hóa học nghiên cứu, đánh giá giới hạn hàm lượng cho phép của hợp chất này với sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Nhiều nhà hóa học Việt Nam cho rằng tuy chưa có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng nhóm chất trên đều là những chất độc hại, cần có nghiên cứu sâu hơn và cảnh báo đến các bậc cha mẹ.
Giáo sư Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết chất phthalates được sử dụng rộng rãi như chất hóa dẻo trong nhựa, thậm chí còn được cho vào một số thực phẩm. Đây là chất làm dẻo, mềm các vật liệu, đồ dùng nên được sử dụng khá rộng rãi. Cũng vì mục đích là chất làm mềm nhựa chứ không phải tạo ra liên kết chặt chẽ nên nó dễ phôi ra, để sản phẩm ở nhiệt độ càng cao thì khả năng phôi ra càng lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy định ngưỡng cho phép của hợp chất này trong đồ chơi và chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về ảnh hưởng của sự thôi nhiễm chất này qua đồ chơi đối với sức khỏe. "Vì thế để nói ảnh hưởng của nó như thế nào rất khó. Theo nghiên cứu của nước ngoài, nó có thể gây mệt mỏi, nhức đầu, choáng..., còn về tác hại gây rối loạn nội tiết, vô sinh, dậy thì sớm thì trong trường hợp này khó xảy ra", giáo sư Côn nói.
Một chuyên gia hóa học khác cũng cho rằng mức độ độc hại của các hợp chất phthalate thùy thuộc vào độ phôi ra của sản phẩm. Nếu chứa nồng độ cao, nhưng khả năng phôi ra thấp thì cũng không độc bằng việc chứa nồng độ thấp, nhưng khả năng phôi ra cao. Ông cũng lấy ví dụ những chất như sơn, vecni cực độc nhưng khi khô đi thì lại không gây độc cho con người vì độ phôi của nó rất ít.
Tại nhiều nước và khu vực trên thế giới như Canada hay Liên minh châu Âu đã đặt ra ngưỡng an toàn của phthalates trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không quá 1.000mg/kg. Giới hạn này áp dụng với các chất như: di (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP), dibutyl phthalate (DBP) và benzyl butyl phthalate (BBP), diisononyl phthalate (DINP), diisodecyl phthalate (DIDP) và di-n-octyl phthalate (DNOP).
Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra việc tiếp xúc với các hóa chất trên có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.
Phương Trang