Tại phòng khám dinh dưỡng, chị Hiền, quận 10, TP HCM cho biết bé trai nhà chị vừa tròn 3 tháng tuổi. Hai tháng đầu tiên bé bú mẹ bình thường nhưng bây giờ ban ngày bé không chịu bú mẹ, đưa ti vào thì bé vừa ngậm một lát là bỏ ra, ban đêm thì bú hơi nhiều hơn một chút nhưng vẫn ít hơn trước. Sức khỏe của bé hiện vẫn bình thường, tuy chưa có triệu chứng ốm đau gì nhưng chị vẫn rất lo lắng không hiểu lý do vì sao bé lại không chịu bú mẹ.
Tương tự, chị Mai, nhà ở quận 5 cũng đang rất đau đầu vì con gái 4 tháng tuổi dừng bú đột ngột. Mỗi lần nhìn thấy ti mẹ là khóc ưỡn người, mẹ thì thừa sữa khiến bầu vú cương tức.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2, có nhiều nguyên nhân khiến bé lười bú. Có thể do chế độ ăn của mẹ chứa nhiều chất nồng làm thay đổi mùi vị sữa, chẳng hạn như quá nhiều gia vị hoặc cách cho bú mẹ không đúng. Cũng có thể do trẻ khó chịu trong người, do trẻ bệnh, còi xương… Cần xác định rõ nguyên nhân để có hướng xử trí thích hợp. Trong nhiều trường hợp, cần đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ nhi có thể tìm hiểu, chẩn đoán rõ nguyên nhân biếng bú và đưa ra lời khuyên đúng đắn.
Cho bé bú là tuy là việc đơn giản nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết áp dụng đúng cách, khiến bé dễ suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, phải chuyển sang dùng sữa công thức. Bác sĩ Hậu đưa ra lời khuyên, khi cho bé ngậm ti, nên áp sát bé vào người, bụng bé sát vào bụng mẹ, đầu và thân thẳng để bé dễ bú. Nhiều bà mẹ chỉ giữ mỗi đầu em bé, cả phần thân người cứ oặt ra oặt vào không có thế cho bé bú tốt làm bé bực mình.
Tư thế bú mẹ đúng là mặt trẻ đối diện với vú mẹ, môi trẻ vừa tầm với núm vú. Mẹ ngồi ở tư thế thoải mái và thư giãn, bế trẻ bằng hai tay sao cho đầu và thân trẻ thẳng hàng, đầu không bị gập hoặc xoay nghiêng. Trẻ nằm sát vào lòng mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ. Đỡ tay dưới mông trẻ hay kê gối để nâng bé vừa tầm với vú mẹ. Mẹ chạm môi trẻ vào vú, đợi đến khi trẻ há miệng rộng thì đưa trẻ tới vú sao cho môi dưới của trẻ ỏ dưới núm vú. Khi bú, cằm trẻ phải chạm vào vú mẹ, tránh việc để vú mẹ làm bít hai lỗ mũi của trẻ làm trẻ khó thở.
"Miệng bé cần há to, ngậm hết vùng quầng ngực để dễ ra sữa vì các nang chứa sữa nằm ở vùng quầng ngực, không nên cho bé ngậm mỗi núm vú vì như vậy bé càng cố hút càng cắn chặt vào đầu vú ngăn sữa không ra, cứ như thế bé chán không muốn bú nữa", bác sĩ Hậu cho biết.
Nên cho trẻ bú hết một bên này rồi mới chuyển sang bên kia để giúp trẻ nhận được lượng "sữa cuối" giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu lượng sữa còn tồn đọng trong vú sẽ ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Nếu bé bú không hết bầu sữa thì mẹ phải vắt hết sữa để giúp tạo sữa tiếp tục.
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ nên tránh ăn uống kiêng cữ quá mức sẽ làm sữa ít đi và thiếu chất dinh dưỡng, tránh sử dụng những chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá. Mẹ cũng không nên sử dụng quá nhiều gia vị như hành, tiêu, tỏi, ớt. Ngoài ra, sữa mẹ tạo ra còn chịu ảnh hưởng của vấn đề tâm lý, nếu mẹ thấy thoải mái, tin tưởng vào chất lượng và số lượng sữa của mình thì sẽ có sữa nhiều hơn, nên cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng buồn phiền.. Khi sử dụng thuốc cần có ý kiến của bác sĩ, không nên lao động nặng quá sức.
Ngoài ra, theo bác sĩ Hậu, những bé không được phơi nắng đầy đủ, bị còi xương thường có giấc ngủ không sâu, khi dậy thường uể oải nên cũng lười bú hơn. Vì thế, bé và mẹ cần được phơi nắng để tạo đủ vitamin D, chống còi xương, hấp thu canxi và tăng trưởng tốt.
Lê Phương
.