Tôi thấy người ta nói nhiều đến mẹ chồng - nàng dâu mà mấy ai nói đến mẹ vợ - con rể. Có lẽ quan niệm "dâu con, rể khách" khiến mối quan hệ này ít khi được nhắc đến. Từ khi quen bà xã, tôi đã có thêm người mẹ thứ hai đó chính là mẹ - Bà ngoại của các con tôi bây giờ - người mà tôi trân quý cho đến suốt cuộc đời.
Ngày chúng tôi quen nhau, họ hàng khuyên can mẹ nên lựa chọn chàng rể giàu sang để con gái được sướng cả cuộc đời. Còn tôi lúc bấy giờ cha mẹ mất sớm, nhà đông anh em. Một mình tôi vừa đi làm vừa phải lo cho tương lai của hai đứa em sau nữa.
Nếu xét về mọi mặt tôi không có gì nổi bật nếu không muốn nói thua kém so với những ứng cử viên sáng giá có nhà lầu, xe hơi. Điều tôi không ngờ, mẹ lại khuyên con gái chọn tôi. Vợ tôi kể, mẹ nói với cô ấy rằng: "Mẹ nhìn thấy thằng H có chí, hoàn cảnh đặc biệt vậy mà vẫn vươn lên học hành tử tế. Nó lại là đứa tình cảm. Mẹ không mong con giàu sang phú quý, chỉ cần tìm được người biết sống tình nghĩa, yêu thương con là mẹ mãn nguyện rồi".
Vượt qua bao lời dị nghị của bà con họ hàng, mẹ vun vén cho chúng tôi thành đôi. Đám cưới của chúng tôi nghèo mà ấm áp. Từ lễ ăn hỏi cho đến đám cưới, mẹ một tay lo liệu. Lễ lạp thách cưới mẹ bỏ qua hết, mẹ bảo: "Mẹ trao con gái cho con chứ không có bán nên mẹ không thách cưới, vì thế hãy đối xử thật tốt với nó. Nó là cuộc sống của mẹ". Bởi vợ tôi vẫn hay đùa là cô ấy cưới tôi chứ không phải tôi cưới cô ấy.
Cuộc sống hôn nhân ban đầu nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đi ở trọ trong căn phòng vẻn vẹn 30 mét vuông. Tôi nỗ lực để vợ bớt vất vả và có phần dành riêng hỗ trợ các em. Dù khó khăn nhưng lòng tự trọng của một người đàn ông, tôi luôn dặn vợ rồi mọi chuyện sẽ ổn, không được nhận tiền của mẹ.
Mẹ biết và tôn trọng điều ấy. Mỗi lần về quê, mẹ lại chuẩn bị bao nhiêu đồ cho chúng tôi mang lên, nào rau củ, hoa quả cho đến thức ăn đủ cho cả tháng. Nhiều khi tôi cảm giác như mình mang cả nửa sào ruộng của mẹ lên thành phố.
Vợ chồng trẻ không tránh khỏi mâu thuẫn, những lúc ấy, mẹ lại là người đứng giữa phân xử, giảng giải. Vợ tôi hay ghen tỵ bởi mẹ cứ nói xử công bằng nhưng hình như lần nào mẹ cũng thiên vị tôi chút ít. Một mặt mẹ phân tích cho vợ tôi hiểu nhưng đằng sau lại dặn tôi: "Thôi, nó nhà con một, con nhường nó một tí!". Chúng tôi đã đi qua quãng thời gian khó khăn ngày mới chung đôi cũng nhờ mẹ.
Dành dụm một thời gian, hai đứa quyết định mua chung cư trả góp. Mẹ rút tiền tiết kiệm cho chúng tôi vay, nói sẽ tính bằng lãi ngân hàng để hai đứa có chí hướng trả nợ. Mẹ lại biến thành "chủ nợ" của con gái và con rể. Một bà "chủ nợ" dễ tính nhất mà tôi từng biết, toàn phải đợi "con nợ" giục mới chịu nhận tiền lãi hàng kỳ.
Là mẹ vợ nhưng mẹ hiểu tính tôi, từng món ăn tôi thích. Mẹ nấu ăn ngon vì luôn để ý khẩu vị của tôi. Mẹ xót xa khi tôi tăng ca nhiều, người gầy đi trông thấy. Mẹ nhắc vợ tôi chú ý đến bữa ăn, giấc ngủ, mua thêm thuốc bổ cho tôi uống. Nếu biết, có lẽ mọi người đều nghĩ tôi là con trai của mẹ.
Chúng tôi sinh em bé, mẹ bỏ nhà, bỏ quê lên thành phố chăm cháu để vợ chồng tôi yên tâm làm việc. Một tay bà lo toan mọi việc quãng thời gian tôi công tác xa nhà, vợ tôi còn yếu. Nhiều lúc nhìn lại hạnh phúc chúng tôi đang có ngày hôm nay phần lớn nhờ công sức của mẹ.
Tôi đã quên mất mẹ là "mẹ vợ" từ lúc nào chẳng biết. Một đứa con thiếu thốn tình cảm khi mẹ mất sớm giờ đây lại thấy mình được sống trong tình yêu bao dung, ngọt ngào. Mỗi buổi sớm, hình ảnh hai bà cháu nô đùa trong sân trước cửa khiến tim tôi ấm áp và hạnh phúc. Nếu ai hỏi có người phụ nữ nào tôi trân quý nhất? Tôi sẽ trả lời đó là mẹ - bà ngoại của các con tôi.
Nguyễn Mạnh Hùng