Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nói chuyện về tình dục với trẻ con là việc không hề dễ dàng. Trước hết, phụ huynh cần nghĩ xem mình đã có đủ “bản lĩnh” và “nội lực” chưa. Mình còn cảm thấy lướng vướng, ngượng ngùng, thiếu tự tin khi đề cập các vấn đề tế nhị này không? Phải vượt qua cảm xúc đó rồi mới có thể làm “thầy” cho trẻ được.
Tiếp theo cần chuẩn bị một thái độ cởi mở, chấp nhận, sẵn sàng lắng nghe trẻ. Sau đó trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết bằng cách tìm đọc thêm các sách hướng dẫn đứng đắn để “nói có sách mách có chứng”, tăng thêm phần thuyết phục. Hãy tìm cơ hội như có một đám cưới ở hàng xóm, một người bà con sắp sinh em bé để trò chuyện với trẻ. Có thể chủ động đặt những câu hỏi “thăm dò” xem trẻ đang nghĩ gì, từ đó mà giảng giải và nêu quan điểm của mình.
Thực tế, do trước đây thế hệ cha mẹ chưa hề được “giáo dục giới tính” bao giờ nên không tránh khỏi lúng túng và nhiều khi lấn cấn trong tư tưởng. Do vậy, để có thể “vượt qua chính mình” cần tìm hiểu sách báo, tài liệu và so sánh về nhận thức, quan điểm của mình với những người khác về giới tính, về tình dục để có một thái độ thích hợp. Trang bị kiến thức về cơ thể học, sinh lý học không khó bằng cách nhìn nhận vấn đề, tức là quan điểm, còn gọi là các “giá trị” của chính bản thân.
Khi nói với con về tình dục, không thể chỉ nói đến chuyện giao hợp mà phải bao gồm toàn bộ các khía cạnh liên quan như thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý và cảm xúc. Như vậy, giáo dục giới tính là giáo dục toàn diện về các khía cạnh đó, chứ không phải chỉ dạy cách dùng bao cao su hay sử dụng thuốc ngừa thai… Mỗi người thể hiện tình dục theo cách riêng của mình, do vậy không nên kỳ thị, phân biệt đối xử khi thấy người ta khác mình. Mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi tình dục của họ.
Một số nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn về sức khỏe. Phương pháp tốt nhất để tránh thai và tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục chính là sự kiêng nhịn. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (chưa kể HIV) như bệnh lậu, giang mai có thể dẫn đến những tác hại lớn cho con cái về sau như mù mắt, thần kinh...
Trong giáo dục giới tính, cần phải phá vỡ những rào cản, không để các từ ngữ, khái niệm, hình tượng mơ hồ ám ảnh, gây hoang mang, ngượng ngùng lúc trao đổi với trẻ. Những từ ngữ liên quan đến bộ phận sinh dục như dương vật, âm đạo, tử cung, kinh nguyệt, di tinh, mộng tinh… có thể làm cho phụ huynh đỏ mặt, bối rối khi đề cập. Nhưng nếu được hiểu rõ để có thể trao đổi một cách “lạnh lùng khoa học” như các sinh viên y khoa học ở trường y thì chẳng có gì khó khăn nữa.
Chẳng hạn khi sinh viên y khoa học thì khái niệm tử cung là "tử cung", một cơ bắp đặc biệt thì hết chuyện, hết tò mò, hết đỏ mặt. Cha mẹ có thể giải thích tử là con, cung là chỗ ở. Tử cung là chỗ ở của con, như hoàng cung là chỗ ở của vua, vậy thôi. Cũng vậy, kinh là đều đều, nguyệt là tháng, kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra đều đều hàng tháng theo với sự rụng trứng… Hiểu những danh từ, ý nghĩa, sẽ có thể trao đổi thẳng thắn với trẻ, sẽ không còn thấy có gì là “tục tĩu”, “bậy bạ” nữa.
"Nhờ hiểu biết như vậy trẻ sẽ biết trân trọng, biết chăm sóc, bảo vệ để có được sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản lành mạnh", bác sĩ Hồng Ngọc đúc kết.
Thi Trân