Hình ảnh người mẹ này buồn bã nằm yên sau khi vượt cạn đón đứa con mới chào đời đã vĩnh viễn ra đi, ghi sâu trong ký ức của bác sĩ sản khoa Nguyễn Tấn Thủ khi còn là sinh viên thực tập đỡ đẻ đến nay. Dưới đây là bài viết của bác sĩ Thủ về những khoảnh khắc sinh nở đầy cảm xúc, nhân Ngày của Mẹ 12/5.
Trong nghề y đã có những lúc vui thì tất nhiên có cả những mảng buồn, buồn lắm. Vậy là tôi đã chính thức đỡ sinh cho 3 sản phụ, được 3 bé xinh xắn, mũm mĩm và đáng yêu. Cảm giác vui thích thật khó tả khi từ từ nhìn thấy đầu bé lú dần ra khỏi cơ thể mẹ, mắm nhắm tịt, môi trề ra trông rất ngộ nghĩnh.
Nhớ lại ca sinh hôm nọ, tôi lại thấy xót xa bởi đó là một ca thai lưu. Sản phụ khoảng 30 tuổi, còn cái thai được 32 tuần nhưng bị chết trong bụng mẹ. Khi người mẹ khởi phát chuyển dạ, bác sĩ vẫn cho sinh ngả âm đạo. Biết bé sinh ra đã chết nhưng chúng tôi vẫn cắt rốn và làm rốn cho em thật sạch. “Thai lưu mình cũng làm rốn em à, để ‘ở dưới’ bé cũng được như người ta", nghe một chị hộ sinh nói thế, tôi lặng người đi, mắt cứ nhìn trân trân vào sinh linh bé nhỏ đã lìa đời.
Tôi quay sang nhìn sản phụ, gương mặt chị đau đáu, ánh nhìn xa xăm, có lúc lại quay ngang nhìn đứa con rồi ngoảnh đi. Trước đó bác sĩ đã giải thích chuyện gì xảy ra cho em bé, nhưng chị vẫn nằm yên, buồn bã. Thi thể đứa bé được cô hộ lý gói lại. Cô im lặng, làm thật nhẹ nhàng, kỹ lưỡng và trang trọng. Ngước lên nhìn sản phụ, cô khẽ bảo: "Tôi cũng bị một lần, con tôi được gần 30 tuần, bị dây rốn quấn cổ, cũng lâu rồi”. Giọng cô tắt dần đi khi hai người mẹ trùng phùng trong cùng một cảnh ngộ mất con. “Sống và chết rốt cuộc cách bao xa?”, tôi tự hỏi.
Cảm xúc về những người mẹ vẫn luôn rất đẹp trong lòng tôi, kể từ thời điểm ấy. Như câu người ta thường nói “Người phụ nữ đẹp nhất lúc họ đang rặn sinh, lấm tấm mồ hôi, không ngớt kêu gào vì đau, nhưng đong đầy niềm tin yêu và mong mỏi dành cho con”.
Những xúc cảm này có được từ lần thực tập với bộ môn Sản khoa nhưng vẫn còn đong đầy trong lòng tôi. Ngay từ ngày đầu, tôi đã được các thầy các cô dạy rằng môn học này sẽ rất khác, rất mới. Tôi sẽ có cùng lúc 2 đối tượng để quan tâm và chăm sóc là mẹ và thai nhi, cả 2 đối tượng ấy đều rất đặc biệt. Ở sản phụ sẽ là những nỗi nhọc nhằn nhưng "tự nguyện". Trong tâm khảm họ là sự lo âu xen lẫn hy vọng vô bờ và trên hết là tình yêu thương không gì sánh được. Nhiệm vụ của tôi là giúp họ phần nào suôn sẻ trong chuyến "vượt cạn một mình".
Còn ở thai nhi, tôi sẽ có dịp tiếp xúc với em bé khi chúng còn chưa kịp thành hình, rồi quan sát chúng lớn dần trong tình thương của mẹ. Tôi có thể cảm nhận sự tồn tại của bé những lần đưa tay khám, những lúc nghe tim thai và cuối cùng là trông thấy chúng chào đời, nhìn chúng khóc hay mỉm cười.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên với khoa Sản, nơi quặn đặc âm thanh của sự sống và cả nỗi đau. Từ đó tình yêu đối với công tác này dần dần nhen nhóm trong tôi. Trước đây từng nghe ai đó nói rằng “Không nỗi đau nào bằng lúc mẹ sinh con”, tôi cũng hiểu ngờ ngợ. Mãi đến khi vào phòng sinh, tiếp xúc với thai phụ, tôi mới thực sự hiểu ra về nỗi đau ấy và ngày càng rõ hơn.
Sau nỗi nhọc nhằn hơn 9 tháng mang nặng, người mẹ sẽ phải trải qua giai đoạn đẻ đau mà chúng tôi quen gọi là “chuyến đi biển một mình”. Đây chính là giai đoạn khó khăn nhất vì chính thai phụ sẽ quyết định suốt quá trình ấy, còn đội ngũ y bác sĩ chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ giúp cho việc ấy "nhẹ nhàng hơn một tý" mà thôi.
Tóm gọn về một quá trình chuyển dạ sinh con của sản phụ như thế này: Đầu tiên người mẹ sẽ phải chịu những cơn đau ngắt quãng, với cường độ tăng dần và nhịp độ xuất hiện ngày càng cao. Có cô sinh mấy lần rồi nên kinh nghiệm hơn, chỉ nằm dán chặt xuống giường, nén đau mồ hôi tuôn ra như mưa. Trông họ thật kiên trì. Tôi khẽ nắm tay cô ấy và bảo "ráng lên cô". Người mẹ khẽ nhoẻn miệng cười, sẽ chẳng bao giờ tôi quên gương mặt ấy, nụ cười dãn nhẹ ra trên nét mặt đang nhăn nhó vì đau...
Cũng có một số sản phụ sinh con lần đầu, vì quá đau đớn nên lăn lộn, bò toài ra sàn bệnh viện và la lối om sòm. Hộ lý chỉ biết an ủi động viên chứ không thể làm gì khác được, bởi đó là điều tự nhiên, thậm chí là cần thiết. Nhìn cảnh ấy tôi chỉ mong cho thời gian trôi qua thật nhanh. Mỗi lần sinh là một lần đau, không lần nào giống nhau và cũng không ai giống ai, chỉ biết chắc chắc chắn là sẽ rất đau.
Sau đó sản phụ sẽ lên bàn sinh và bắt đầu nhiệm vụ cao cả của mình đó là rặn sinh. Nhịp của cơn đau bây giờ dồn dập hơn nhiều. "Chị ơi, nghe tôi nè, mỗi lần đau, chị hít hơi sâu vô, rồi dồn hơi xuống bụng rặn như đi cầu bón nhá!", tôi dặn dò. Nhưng có lẽ cơn đau quá dữ dội, người mẹ chẳng còn nghe rõ tiếng tôi mà chỉ hét lớn “A trời ơi, đau quá bác sĩ ơi!". Tôi cố động viên: "Chị la vậy thì còn sức đâu mà rặn. Chị hãy ngậm miệng lại, rặn đi, rặn 2-3 hơi liên tục, dồn sức xuống cho con".
Ngay lúc ấy tôi đã nhìn thấy sự sống, thấy đứa bé đang ló ra hỏi cửa mình người mẹ. Tôi bảo: "Thấy tóc em bé rồi, ráng lên chị ơi, một hơi nữa thôi. Chị rặn dở quá, em bé sao mà ra được, ráng lên đi, há miệng thở đều, chịu đau rặn mạnh lên”. “Con ơi con, đau quá ba mẹ ơi. Trời ơi!”. “Há miệng thở đều, đau chưa, đau rồi thì rặn đi, ráng lên chị!”. Cuộc hội thoại giữa tôi và sản phụ cứ thế tiếp tục.
Rồi đứa bé đã chào đời đỏ hỏn vẫn còn nguyên dây rốn. Em cất tiếng khóc đầu tiên “Oa oa oa". Tôi thông báo cho sản phụ “Con trai nha chị, 3 ký mốt". Lúc này tôi bảo người mẹ ngưng rặn, há miệng thở đều rồi nằm im nghỉ ngơi. Suốt thời gian túc trực bên thai phụ, tôi loay hoay phụ những công việc vặt từ xối nước, bẻ thuốc, nghe tim thai, cắt rốn, làm rốn... Công việc đem đến cho tôi cảm giác hạnh phúc bình dị khi thấy mình được trực tiếp giúp đỡ cho người mẹ trong lúc vượt cạn khó khăn.
Tôi thừa nhận trong khoảng thời gian làm sản khoa có những lúc tôi hung dữ lắm, nhưng đó cũng là công việc cả. Chẳng hạn, các chị hộ lý dặn tôi phải nạt thai phụ khi rặn sai bởi đối với một số trường hợp nếu không bị nạt thì sản phụ không chịu rặn sẽ rất nguy hiểm cho đứa nhỏ.
Có lúc chứng kiến cơn đau đẻ của sản phụ, tôi thấy thót bụng, cảm giác như đang rặn cùng bà mẹ vậy. Nhất là lúc mẹ rặn không đủ hơi, đầu thai cứ thập thò mà chẳng chịu ra. Tôi nắm chặt tay, giữ chân sản phụ đồng thời động viên "Ráng lên chị, bé sắp ra rồi!", thế là họ có động lực tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình.
Mỗi lần như thế tôi nhìn thấy những đôi mắt dù đang chịu đựng cơn đau thấu xương nhưng vẫn dạt dào tình cảm. Họ trào dâng niềm vui và hy vọng khi tôi bế bé đến cho mẹ coi mặt lần đầu. Rồi tôi phụ đỡ vai bé, chân bé, cắt rốn, hút nước nhờn, lau mình cho bé, mặc áo, quấn tã, choàng khăn... Trước đó tôi cũng được các thầy cô dạy rằng phải cẩn thận từng ly từng tý kẻo làm đau sinh linh bé bỏng rất dễ bị tổn thương, nên tôi làm từng khâu rất cẩn thận.
Có bé mới sinh ra đã khóc òa hoài không dứt, tôi cũng không biết làm gì, chỉ mắng "Nín ngay" nhưng không nhịn được cười. Nghe thế, có bé thì nín nhưng cũng có em càng khóc to hơn. Mặc dù vậy, nghe tiếng khóc ấy vậy tôi thấy lòng hạnh phúc lắm vì ít ra bé đã khẳng định sự tồn tại của mình, cũng mạnh mẽ và "vang dội" như âm thanh ấy ...
Buồn nhất là những cô cậu bé đã rời bụng mẹ mà vẫn không chịu khóc, mặt mũi tím ngắt đi. Vì cuộc sinh khó đã làm mẹ và bé quá mệt nên không khóc nổi. Tôi phải tiến hành hồi sức sơ sinh, cho thở ôxy, thế là bé lại hồng. Lúc ấy mấy chị y tá có kinh nghiệm liền búng mấy phát vào chân bé cho đến khi cô cậu cất tiếng khóc "Oe...oe...oe". Tiếng khóc thé lên cùng lúc với tiếng thở phào của cả ekíp đỡ sinh "Giờ mới chịu khóc hả!".
Có một công việc tuy nhỏ nhưng rất vui ở khoa Sản là công đoạn cân ký cho bé. Lúc nào tôi cũng dành phần quan trọng nhất là cân và thông báo cho sản phụ "Chị ơi, bé gái nha, nặng 3 ký hai, yên tâm rồi nha!". Tôi vẫn thích chữ “yên tâm” khi trò chuyện với người mẹ, bởi với tôi cuộc đỡ sinh nào cũng đầy trắc trở nên câu nói ấy thực ra là nói với chính mình.
Đêm trực sản là những đêm trực đẹp nhất của tôi khi được chính mắt nhìn thấy và góp phần hỗ trợ cho sự sống chào đời.
BS Nguyễn Tấn Thủ
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Nam giới