Nhìn cảnh ríu rít của vợ chồng anh Lê Xuân Lịch, chị Nguyễn Hồng Nhung (đường Trường Chinh, thành phố Tuyên Quang) khi tranh nhau nhận tắm cho cậu con trai hơn 7 tháng tuổi, không mấy ai có thể tưởng tượng được hành trình chữa vô sinh đằng đẵng gần hai thập kỷ đầy mồ hôi, nước mắt của họ. Trên chặng đường gian nan ấy, chính tình yêu đích thực, sự thành thật và cảm thông đã gắn kết và giúp họ vượt qua tất cả.
Hình ảnh hạnh phúc của chị Nhung - anh Lịch
Chị Nhung chia sẻ, suốt 18 năm chung sống, vợ chồng chị chưa từng cãi vã, cũng có những khi hờn dỗi thì thường chỉ vài tiếng là làm lành và anh Lịch luôn là người nhường nhịn trước dù chị có sai. "Có lẽ do mình may mắn gặp được người chồng tuyệt vời, chứ bản thân mình vụng về lắm. Vì vô sinh nên mình nhiều khi khó tính, ích kỷ, hay ghen linh tinh nhưng anh không hề chấp nhặt", chị Nhung bày tỏ.
Người phụ nữ 40 tuổi kể, từ hồi lấy nhau tới nay, anh chưa bao giờ quên ngày sinh nhật của vợ và lần nào cũng tìm cách tổ chức lãng mạn để chị vui. "Anh ấy là người luôn biết quan tâm đến người khác, không chỉ với vợ. "Đang ăn cơm mà nhìn ra đường có ai gặp nạn hoặc đánh rơi bao gạo, đổ xe... anh đều đứng dậy chạy ra giúp hay khi lái xe mà gặp hòn đá hoặc hòn gạch ai đó làm rơi giữa đường, anh cũng xuống nhặt bỏ ra để tránh nguy hiểm cho người khác... Tôi trân trọng nhân cách của anh", người vợ kể.
Anh Lê Xuân Lịch thì chia sẻ giản dị "vợ chồng là luôn yêu thương nhau nên việc ở bên, chăm sóc và cùng nhau vượt khó khăn là đương nhiên".
Anh cho biết, vợ chồng anh cũng từng chịu nhiều áp lực trong gia đình, xã hội khi hiếm muộn gần hai chục năm, thậm chí bị nhiều người dèm pha, chế giễu vì mãi vẫn quấn quít, hạnh phúc dù không có con.
Kể về hành trình dài tìm tiếng cười trẻ thơ cho tổ ấm của mình, anh Lịch cho biết, sau khi cưới được 2 năm, thấy vợ chưa có bầu, anh đưa chị đi khám thì phát hiện chị bị tắc vòi trứng. Khi ấy, kinh tế còn khó khăn, vợ chồng anh cứ nghe ai nói thầy lang ở đâu hay là tìm tới. Năm 2001, dành dụm được ít tiền, anh đưa vợ vào Bệnh viện Từ Dũ TPHCM làm thụ tinh ống nghiệm. Khi đó, bác sĩ tư vấn vợ chồng anh còn trẻ nên chỉ cần mổ nội soi để thông vòi trứng nhưng sau mổ vẫn không thấy tin vui. Sốt ruột, lo lắng, anh chị bắt đầu đi xem bói rồi đổ hết tiền của vào làm đủ các lễ như thay tên, hoán số, đổi ngày cưới, trả nợ tào quan... nhưng chỉ nhận lại thất vọng.
Năm 2003, vợ chồng anh lại vào Bệnh viện Từ Dũ lần thứ hai để làm thụ tinh ống nghiệm nhưng cũng không thành công. Sau đó, nghe người mách một bác sĩ đông y ở Mỹ Đình (Hà Nội) chữa vô sinh rất mát tay, anh Lịch, chị Nhung tìm đến song kết quả cũng không như ý. Cứ như vậy, suốt bao năm, vợ chồng anh đổ tiền của cho bao lần đi chữa trị song ước nguyện vẫn không thành.
"Có những lần, mình nói muốn giải thoát cho anh đi lấy vợ khác để có con nhưng anh không chịu và bảo 'em đã thiệt thòi lắm rồi, anh không bù đắp được gì cho em thì thôi, sao có thể làm vậy'. Hai đứa thực sự yêu nhau rất nhiều nên không thể dứt nhau", chị Nhung chia sẻ.
Đến năm 2013, anh chị dành dụm được ít tiền, xuống Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm thụ tinh ống nghiệm tiếp song vẫn không đậu. Thấy 8 người cùng thực hiện hỗ trợ sinh sản với mình thì có tới 7 người đậu thai, vợ chồng anh Lịch quyết tâm làm lại. Sau Tết 2014, hai người xuống thủ đô để thực hiện lần nữa và lần này, hạnh phúc đã mỉm cười.
"Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hôm đi lấy kết quả xét nghiệm máu để xác định việc có thai. Lúc cô y tá nói 'vợ anh có thai rồi', một dòng điện chạy dọc sống lưng, hai mắt bắt đầu cay xè, tôi vội vàng cám ơn rồi lên xe phóng như bay mà hai hàng nước mắt cứ tuôn trào. Tôi chạy vội vào phòng vợ, khóc òa như một đứa trẻ. Vợ thấy vậy cũng khóc theo và hỏi 'Lại hỏng à anh?'. Tôi lắc đầu: 'Chúng mình đã thành công" rồi hai đứa ôm nhau khóc hu hu", anh Lịch nhớ lại.
Nhớ lại thời mang thai, suốt ba tháng đầu, chồng chị giành làm hết tất cả các công việc từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ, đến vệ sinh cho chị. Đêm đêm, anh vác chăn gối ngủ dưới sàn nhà để "giữ gìn cho vợ". Quý đầu thai kỳ qua đi, vợ chồng anh mới thở phào nhẹ nhõm.
Thế nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục thử thách anh chị. Anh Lịch không bao giờ quên "ngày định mệnh" - 28/6/2014 - khi cái thai bước sang tuần thứ 15. Hôm đó anh đi làm cách nhà 30km và tới 10 giờ sáng thì thấy vợ gọi tới trong tiếng khóc: "Anh ơi, máu chảy nhiều lắm!". Dù tim như ngừng đập, anh vẫn cố trấn tĩnh vợ nằm yên trên giường để anh gọi cứu thương. Khi anh về tới bệnh viện thì bác sĩ nói tim thai vẫn còn nhưng cổ tử cung đã mở. Rất may, sau 3 ngày điều trị thì tình trạng chị Nhung ổn định và được cho về rồi hằng ngày tiêm thuốc nội tiết. Chưa hết lo thì vài ngày sau chị lại bị chảy máu ồ ạt, ướt cả ga giường. Lần này, bác sĩ gọi riêng anh Lịch và nói vợ chồng cần chuẩn bị tâm lý vì cổ tử cung đang mở để tống thai ra.
"Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh òa khóc, sau đó cố tỏ ra bình tĩnh vào an ủi vợ, nói dối vợ là cứ yên tâm, không có vấn đề gì. Nhưng nhìn mắt tôi đỏ nên chắc nàng cũng đoán được điều gì và khóc to hơn, vừa vì cơn đau dọa sẩy, vừa vì sợ không giữ được con", anh Lịch kể lại.
Với vợ anh, giây phút đó cũng hằn sâu trong tâm trí. Chị nhớ mãi, khi ấy, chồng đã cầm tay chị rồi quỳ xuống, nói trong nước mắt: "Em hứa với anh đi, nếu như ông trời không thương, không cho con ở cùng vợ chồng mình thì em cũng không được nản lòng nhé, hãy tin đi, số chúng mình sẽ có con em ạ. Anh hứa với em, dù em có như thế nào đi nữa, anh cũng luôn ở bên em đến hết cuộc đời". Cũng đêm hôm ấy, anh Lịch cầm 3 que nhang mang ra sân bệnh viện đốt rồi quỳ hằng tiếng xin trời phật phù hộ.
Sau mấy ngày truyền thuốc, khi chị Nhung hết ra máu thì hai vợ chồng lại khăn gói xuống Bệnh viện phụ sản điều trị tiếp. "12 ngày liền vợ phải nằm yên trên giường, không được ngồi dậy chút nào, thương lắm", anh Lịch kể. Tại đây, bác sĩ lo ngại chị khó giữ thai đủ ngày tháng vì cổ tử cung quá ngắn. Từ đó, chị về nhà và treo chân trên giường, tất cả các công việc anh Lịch lại đảm đương hết. Khi thai được hơn 32 tuần chị Nhung vỡ ối và sinh con ngày 5/11/2014.
"Lần đầu tiên gặp con - khi bé còn trong phòng sơ sinh, đang ngủ, tôi khẽ thì thầm 'Con ơi bố đến thăm con đây' thì thấy cháu chảy nước mắt ra rồi khóc. Có lẽ cháu nhận ra tiếng bố vì lúc vợ có bầu, ngày nào tôi cũng nói chuyện với con, hát và kể chuyện cho con nghe", ông bố 46 tuổi tâm sự.
Người đàn ông có vẻ ngoài hóm hỉnh tự nhận anh là người mau nước mắt và quãng thời gian "mít ướt" nhất trong đời chính là khi vợ có bầu rồi sinh con.
Anh Lịch kể, 3 tháng đầu nuôi con của vợ chồng anh vô cùng chật vật. Sau mấy ngày xuất viện, bé bị phát hiện vàng da do bất đồng nhóm máu và phải chiếu đèn một tuần, rồi sau đó lại bị viêm phổi nặng, phải nhập viện. Nhưng áp lực nhiều nhất là con nôn trớ liên tục. "Lắm lúc cho con bú xong, 40 phút mới dám đặt cháu nằm, thế mà đang ngủ ngon, con lại trớ. Đêm nào cũng vật vờ rồi ngồi nhìn con ngủ chứ mình đâu dám ngủ vì sợ con sặc sữa. Đó là quãng thời gian vất vả nhất nhưng cũng có thêm nhiều động lực để cố gắng nhất", ông bố kể.
Có lần, được một người chị giúp thay ca trông con lúc 4h sáng, anh sang phòng bên cạnh ngủ nhưng vừa chợp mắt thì nghe tiếng chuông báo thức cho con bú bình, anh ngồi phắt dậy, nhìn không thấy con đâu, hoảng hồn ngó xuống gầm giường tìm mới chợt nhớ mình đang nằm ở phòng khác.
Anh Lịch từng làm đủ thứ nghề kiếm sống, từ lái xe tải, kế toán, dịch vụ vận tải. Vợ anh có một cửa tiệm làm tóc, chăm sóc sắc đẹp. Vì công việc của vợ bận rộn hơn nên anh không nề hà bất cứ việc gì, từ tắm rửa, cho con ăn đến dọn dẹp, nấu nướng. "Hai vợ chồng toàn tranh nhau bón cho con nhưng mình luôn thắng vì bé thích bố bón hơn", anh Lịch hồ hởi kể.
Vương Linh