Chị Nguyễn Thị Kim Chinh, 32 tuổi, đang sống tại tỉnh Friesland, Hà Lan cùng chồng là anh Joram van der Staaij (bếp trưởng của một khách sạn 4 sao) và hai cậu con trai xinh xắn. 13 năm sống cùng chồng, chị chưa từng một lần hối hận đã rời xa người thân, quê hương để theo anh.
Chinh sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em ở Nha Trang, bố mẹ làm nghề đi biển. Nhà đông con, kinh tế khó khăn nên chị nghỉ học từ lớp 4. Thuở ấu thơ trong Chinh là hình ảnh người bố với nước da cháy nắng, người mẹ gầy gò, đêm đi kéo lưới, ngày đi vớt rong biển. Chinh và em gái được bố sắm cho thuốc lá, kẹo cao su và những tấm bưu thiếp để bán cho khách du lịch dọc bờ biển. Do tiếp xúc với người nước ngoài nhiều mà hai chị em Chinh biết nói tiếng Anh bồi. Năm 12 tuổi, chị được nhận vào làm ở một nhà hàng ở ven biển. Ban ngày cô bé đi làm, ban đêm đi học lớp bổ túc văn hóa.
Năm 1999, khi đó Chinh 15 tuổi, làm nhân viên chạy bàn. Cũng mùa hè năm đó, anh Joram - khi đó 21 tuổi - cùng bố mẹ đi du lịch Việt Nam. Họ ghé vào nhà hàng nọ. Nụ cười rạng rỡ của cô bé có nước da ngăm đen đã hút mất hồn anh Joram. Trở về nước, trong đầu anh luôn nghĩ về cô bé "nói chuyện với khách rất hồn nhiên, vui vẻ" này. Anh kể với mẹ và được bà gợi ý "Con thích ai thì phải nói với người ta".
Hai năm sau đó, Joram quyết định quay trở lại Việt Nam tìm gặp Chinh. Anh vào nhà hàng năm xưa nhưng đúng giờ nghỉ trưa nên phải đợi. Chinh kể, khi đó đang mắt nhắm mắt mở ra khỏi giường thì cô bạn làm cùng gọi ra nói chuyện với 3 vị khách Tây. Chị nhận ra anh và bắt chuyện thì anh nói "muốn ghé lại quán này để gặp em".
Hồi tưởng lại ngày đầu tiên hẹn hò, chị Chinh bịt mặt xấu hổ. Giọng bồi hồi, chị kể: "Đêm đó, anh rủ tôi đi chơi cùng. Khi vào bar, hai cô bạn của tôi ra nhảy cùng với bạn anh ấy. Tôi với anh, cùng chiếc pizza đặt giữa, cứ bối rối nhìn nhau không biết nói gì. Sau đó anh rủ ra biển đi dạo, rồi anh đột ngột hôn. Tôi cứ nghĩ ai hôn mình là yêu mình nên cũng đáp lại 'I love you', nhưng anh cười giải thích 'Anh chỉ thích em, chứ chưa yêu em".
Joram rủ Chinh cùng đi du lịch với anh. Cô gái trẻ cũng háo hức với người bạn mới quen và lần đầu tiên được đi du lịch nên đã tham gia cùng nhóm của Joram. Họ đã ở bên nhau 2 tuần, sau đó thì Joram trở về nước.
Thời điểm đó, việc thư từ qua lại rất khó khăn. Để viết được một bức thư cho Joram là một nỗ lực rất lớn từ Chinh. Vốn tiếng Anh lơ mơ, nên mỗi lần viết thư chị đều phải nhờ bà chủ chỗ làm viết lại. Sau đó ngồi mấy tiếng trên máy tính gõ chữ. "Mỗi lần viết thư, tôi phải mất ít nhất 20 nghìn để đi xe thồ và trả tiền ngồi mạng, trong khi lương chỉ được 400 nghìn/tháng. Có ngày anh viết cho tôi 2 lá thư, còn tôi thì gửi lại anh khoảng 3 lá mỗi tuần", Chinh cho hay.
Ở Hà Lan, chàng trai Joram làm đầu bếp trong một khách sạn 4 sao. Để tiết kiệm tiền sang Việt Nam thăm bạn gái, anh chuyển về sống cùng bố mẹ, trong khi đã ra sống tự lập từ năm 19 tuổi. Có vài lần thấy Chinh đến cả tuần không gửi bức thư nào, anh sốt ruột, lo lắng, sợ cô thay lòng. "Cứ lần nào hỏi sao không gửi thư là cô ấy bảo em bận lắm. Đến khi yêu nhau cả năm trời cô ấy mới thú thật để viết được một bức thư gửi cho tôi rất cực. Nhiều khi cô ấy không có tiền để gửi", anh nói. Từ đó, Joram gửi cho Chinh mỗi tháng 50 euro để viết thư cho anh.
Chinh cũng kể: "Cuối năm 2001, anh ấy về Việt Nam thăm tôi. Hồi đó tôi thích chơi biza lắm, đòi anh ấy cho đi. Anh thì bảo phải theo anh ấy về Hà Lan mới dẫn đi chơi trò đó. Rồi anh ấy chở tôi vòng vèo trên bãi biển, mặc cả đi lại, cuối cùng tôi ậm ờ đồng ý để đó thôi, chứ chưa nghĩ đến sẽ đi theo anh ấy".
Trước sự thuyết phục của Joram, Chinh đành dẫn anh về nhà ra mắt bố mẹ. Biết con gái mình có bạn trai Tây, bố mẹ cô khá sốc. Nhất là khi chàng trai còn muốn dẫn cô về nước. Họ sợ và không có lòng tin nào khi giao con gái cho một chàng trai mới gặp lần đầu. Cuối cùng bố mẹ Chinh cho biết chỉ đồng ý khi người lớn hai bên gặp nhau.
Tháng 3/2002, Joram dẫn bố mẹ sang Việt Nam, làm thủ tục đăng ký kết hôn. Như những người lớn trong gia đình Chinh, bố mẹ Joram cũng lo lắng về cô gái Việt trẻ người, non dạ, có thể thay đổi tình cảm. Nhưng trước tình yêu của con trai, họ chỉ có thể ủng hộ. "Sợ bố mẹ không cho quen nên ban đầu anh ấy đã nói dối bố mẹ về tuổi thật của tôi. Đến khi ông bà sang đây làm hồ sơ bảo lãnh cho tôi đi nước ngoài mới hay tôi còn quá nhỏ", chị Chinh chia sẻ thêm.
Ban đầu Chinh đăng ký đi Hà Lan 3 tháng theo dạng visa du lịch, nhưng theo gợi ý của người làm giấy tờ thì nên làm visa lâu dài. Quá trình làm mất gần một năm. Trong thời gian đó, Joram sang Việt Nam thêm một lần để gặp bạn gái.
"Cuối năm 2002, tôi đặt chân lên đất nước của chồng. Lúc đó 7 rưỡi sáng nhưng trời vẫn tối om, cây cối không lá, xe cộ đi thẳng hàng, với một cô bé 18 tuổi quê mùa như tôi thì nó thật đẹp đẽ, thích mắt. Nhưng sau đó, suốt 6 tháng mùa đông chờ được đi học, đi làm dài đằng đẵng như 6 năm. Suốt 2 năm trời tôi cứ khóc vì nhớ bố mẹ, nhớ các anh chị em", chị Chinh tâm sự.
Không như nhiều cô gái Việt khác, khi lấy chồng Tây sẽ an phận với cuộc sống đủ đầy, riêng Chinh thì thói quen hay làm hay làm và tính cách tự lập từ sớm khiến cô không ngồi yên ngồi chỗ. Chinh xin được công việc dọn phòng trong khách sạn của chồng, song song là đến các lớp đi học tiếng Hà Lan và kinh doanh. Sau hai năm, vợ chồng Chinh mua được ngôi nhà trả góp.
Năm 2012, Chinh mang thai, sinh ra cậu bé Melvin, tên tiếng Việt là Trường Long và đầu năm 2016 sinh thêm bé Kyan, tên tiếng Việt là Trường An. Đến nay, kinh tế vợ chồng tạm ổn nhưng Chinh vẫn muốn tự lập về kinh tế với chồng. Chị đi làm thêm để có tiền lo chợ búa và bỉm sữa cho con.
"Nhiều lần tôi hỏi chồng, rằng tôi đen, lùn tịt, sao anh lại yêu. Anh trả lời, chỉ biết ngay lần đầu tiên gặp lúc tôi 16 tuổi, anh đã yêu cách mời khách hồn nhiên và nụ cười tít mắt của tôi", người phụ nữ Việt 32 tuổi cho hay.
Bà mẹ hai con cũng cho biết, những năm mới sang đây chị không biết nấu nướng, mỗi sáng trước khi đi làm anh luôn nấu đồ ăn để sẵn cho chị. Buổi tối anh cũng luôn đến chỗ làm đón, chứ không để chị đi một mình. Đến giờ anh vẫn luôn giúp vợ nấu nướng, làm việc nhà, tắm rửa cho con và đưa đón con đi học. Khuya thì 2 vợ chồng đều chăm sóc cho các con.
"Mỗi lúc vợ chồng giận nhau, anh đều chủ động xin lỗi vì anh nói không thể ngủ được khi mà hai vợ chồng đang giận nhau. Tôi thấy rất may mắn khi gặp anh và chung sống với anh. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ gặp người đàn ông nào tốt hơn anh ấy", chị Chinh bộc bạch.
Những khoảnh khắc hạnh phúc của Joram và Chinh
Phan Dương