Bà Liên (tên đã được thay đổi theo yêu cầu) cùng khoảng 40 người trong cộng đồng LGBT gồm các phụ huynh và nhiều cặp đồng tính, song tính, chuyển giới tham dự hội thảo "Cùng lên tiếng" do Trung tâm ICS tổ chức tại TP HCM chiều 21/9. Mục đích của hội thảo nhằm lấy ý kiến của cộng đồng LGBT về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Đại diện hội phụ huynh có con đồng tính tại TP HCM, bà Liên cho biết, trước đây bà từng là một người mẹ nhẫn tâm khi phản đối kịch liệt và tìm mọi cách "chữa bệnh đồng tính" cho con trai mình. "Ba năm về trước, nếu không đọc được lá thư của con, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật, có lẽ tôi vẫn đinh ninh rằng mình đang làm đúng vai trò của một người mẹ, rằng con tôi dù có bướng bỉnh, có hờn trách mẹ, một lúc nào đó nó sẽ hiểu những gì tôi làm cũng chỉ vì tốt cho nó".
Người mẹ nhớ lại, vì không chấp nhận con yêu người cùng giới, bà đã rất đau khổ, nhiều lần đưa con đi cúng chùa, đến gặp bác sĩ, "chữa bệnh gay" bằng gạo lứt muối mè... nhưng không thành. Nhiều đêm nhỏ to tâm sự, khuyên con trở về làm một "người đàn ông chân chính", hai mẹ con đã khóc hết nước mắt.
Sau đó bà viết rất nhiều tâm thư cho cậu con trai, đồng thời dành thời gian lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về những người đồng tính. 30 năm làm công tác nghiên cứu trong một viện khoa học tại TP HCM, bà Liên cho biết, vấn đề về khoa học bà nắm rất rõ nhưng đến gần 50 tuổi đời bà mới bắt đầu có chút kiến thức cơ bản về đồng tính và hiểu rằng đó không phải bệnh mà là xu hướng tính dục tự nhiên của con người. Việc con trai bà thích người cùng giới hay khác giới là "được quy định bởi trái tim chứ không phải ở cái đầu hay trào lưu, bệnh tật" như người ta vẫn nghĩ.
Người mẹ đã cùng một số phụ nữ có con đồng tính tại TP HCM và Hà Nội lập nên Câu lạc bộ phụ huynh của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam (PFLAG). Tổ chức này, với phần lớn là những bà mẹ, không ngần ngại đứng lên cổ vũ cho con mình, lên án sự kỳ thị, đòi những quyền lợi chính đáng cho người đồng tính, nhất là quyền được kết hôn theo "tiếng gọi của con tim". Các hội viên đã đi khắp nơi vận động, đồng thời tham dự các buổi hội thảo lấy ý kiến thay đổi luật. Họ luôn mang hy vọng một ngày nào đó quy định cấm kết hôn đồng giới trong luật hôn nhân sẽ bị bãi bỏ, con của họ có thể danh chính ngôn thuận chung sống với vợ hoặc chồng.
Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã được Bộ Tư pháp trình quốc hội, trong đó không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, song lại không thừa nhận hình thức hôn nhân này. Ngoài ra còn có thêm quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Đại học Luật Hà Nội nhận xét, dự thảo Luật lần này đã cởi mở hơn cho người đồng tính theo hướng bỏ quy định cấm họ kết hôn với nhau. Nếu được thông qua, đây được xem là một bước tiến lớn. Thêm vào đó, một thành viên trong Ban soạn thảo luật lý giải cụ thể: "Cấm" kết hôn đồng giới tức là một cặp đồng tính xin đăng ký kết hôn có thể bị phạt, còn "không thừa nhận" có nghĩa nhà nước không can thiệp vào việc họ sống chung, họ chỉ bị từ chối khi xin đăng ký kết hôn chứ không bị phạt.
Theo tiến sĩ Lan, những thay đổi trên được xem như một "bước đệm tích cực" trong tiến trình công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam. Song bà cho rằng, đây là một vấn đề nhạy cảm, luật cần phải có lộ trình thay đổi từng bước giống như các nước trên thế giới đã thực hiện.
Mặc dù vậy, khi theo dõi diễn biến trên, các thành viên thuộc hội phụ huynh của người đồng tính nói rằng họ "rất thất vọng" về sự thay đổi quá ít ỏi này. "Chúng ta vẫn nghe cụm từ 'những đứa con vô thừa nhận'. Là mẹ, chúng tôi hiểu hơn ai hết sự khổ sở của chúng như thế nào khi không được thừa nhận. Không cấm nhưng lại không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính, trên thực tế, chẳng tạo ra thay đổi gì. Chẳng những thế, việc không thừa nhận còn là một sự xúc phạm đối với cộng đồng LGBT", bà Liên bức xúc.
Ở một góc độ khác, bà Thủy, một người mẹ có con trai đồng tính cho rằng, tinh thần của dự thảo lần này không đi vào trọng tâm vấn đề là cấm hay không cấm hôn nhân đồng giới, mà chỉ chú trọng đến việc giải quyết hậu quả khi họ chia tay nhau sau khi chung sống. "Người dân có quyền sống và làm việc theo những điều pháp luật không cấm. Bản thân tôi luôn mong muốn con mình được thừa nhận, như thế các cháu mới có cơ hội cống hiến hết mình cho xã hội, cho đất nước. Khi người ta yêu nhau, họ không chỉ khát khao được sống chung dưới một mái nhà mà còn mong muốn được xã hội, luật pháp thừa nhận đường đường chính chính".
Tại buổi hội thảo, người mẹ trên 50 tuổi cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, suy cho cùng là công nhận quyền cơ bản của con người. Bà nói: "Tại sao người dị tính được bảo vệ tất cả các quyền mà người đồng tính, song tính, chuyển giới không được. Thứ hai, phải thừa nhận hôn nhân đồng giới, là những người mẹ, chúng tôi mong muốn con chúng tôi được công nhận, có được hạnh phúc như bao người khác. Thứ ba là phải bảo vệ những người phụ nữ, vì người mẹ dị tính sinh con là đồng tính thì sau này khi được luật bảo vệ, họ sẽ an tâm. Luật pháp không chỉ bảo vệ cho người LGBT mà còn cho cả người dị tính”.
Trung tâm ICS đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đối với những người tham gia buổi hội thảo lần này. Khi được hỏi quan điểm về dự thảo luật liên quan đến hôn nhân cùng giới vừa qua, 83% ý kiến cảm thấy "rất thất vọng hoặc thất vọng", 17% hài lòng hoặc ý kiến khác. Về việc bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", có 89% ủng hộ. Về vấn đề "Nhà nước không công nhận hôn nhân cùng giới", 98% không ủng hộ. Một số đại biểu khác còn đưa ra những kiến nghị cụ thể về quy định quyền kết hôn, quyền nhận con, nuôi con chung, quyền đại diện, quyền thừa kế, các phúc lợi xã hội (bảo hiểm, y tế...) đối với các cặp đồng tính sống chung với nhau.
Xét ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Đức Hoàng, Văn phòng Luật sư Phan cho rằng, văn bản pháp luật cần đảm bảo tính thống nhất, đã không cấm thì phải cho phép chứ không thể vừa không cấm vừa không công nhận như dự thảo vừa đưa ra. Theo ông, trước mắt các nhà làm luật cần lựa chọn ngôn từ sao cho vừa thể hiện được ý chí của luật pháp, đồng thời tránh gây nhặp nhằng, khó hiểu. Riêng về vấn đề hôn nhân đồng giới, quan điểm cá nhân của ông Hoàng cho rằng, đây là vấn đề thực tế đang diễn ra, dù thế nào đi nữa nhà nước cũng không thể "làm ngơ đặt nó ngoài vòng pháp luật" được.
Các ý kiến của cộng đồng LGBT qua hai hội thảo 17/9 tại Hà Nội và 21/9 tại TP HCM sẽ được đại diện viện Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE và Trung tâm ICS (tổ chức làm về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới) tổng hợp và gửi tới đại biểu Quốc hội trong các phiên làm việc tháng 10 tới.
Thi Trân