Bé nhập viện hơn một tuần qua, ngày càng tỏ ra hoạt bát vui vẻ hơn. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé luôn miệng cười đùa cùng các bạn trong khi chờ bố xếp hình ngôi nhà đồ chơi. "Ở nhà bé phải thui thủi một mình không ai chơi cùng, vào đây có đông bạn bè là các bệnh nhi cùng phòng nên bé tươi tỉnh, lanh lẹ hẳn", người bố Văn Ngọc Tuấn cho biết.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, người trực tiếp mổ chính cho bé lần này, cho biết mục tiêu của ca mổ lần này là nhằm giúp phân không còn ứ đọng, bé sẽ không bị són liên tục do hẹp hậu môn như trước. "Sẽ cắt bỏ đoạn hẹp của hậu môn, song song đó là phải phẫu thuật cắt cơ vòng, mô xơ để nới giãn ruột rộng ra. Có nghĩa là phải kết hợp nhiều phương pháp để sau này bệnh nhi đi tiêu bình thường mà không cần phải nong", bác sĩ Hiếu phân tích.
Bác sĩ Hiếu nhận định, ca mổ này phức tạp không phải vấn đề hẹp hậu môn mà là hệ thống thần kinh ở ruột và vùng phía dưới. Những lần phẫu thuật trước giúp bệnh nhi từ không có hậu môn thành có hậu môn. Tuy nhiên tính chất của loại phẫu thuật này thường xuất hiện biến chứng hẹp hậu môn, són phân liên tục gây ảnh hưởng đến việc đi học, sinh hoạt cộng đồng. Lần mổ này nhằm điều chỉnh việc đi tiêu để bé khỏi mặc cảm, xa cách tập thể.
Dự kiến sau mổ bệnh nhi sẽ nằm theo dõi tại bệnh viện khoảng một tuần. Khi về nhà, bác sĩ vẫn khuyến khích người nhà thỉnh thoảng nong cho bé. Việc nong lần này sẽ nhẹ nhàng, không đau đớn như xưa để phòng ngừa biến chứng hẹp trở lại. Cần phải có thời gian 2-3 năm để cơ thể bé thích nghi qua chế độ ăn dễ tiêu hóa, phòng ngừa biến chứng, tập thói quen đi tiêu hợp lý để có phản xạ tốt. "Việc phẫu thuật là nhằm cải thiện tốt hơn tình trạng bây giờ chứ không phải sẽ trở thành em bé hoàn toàn bình thường", bác sĩ Hiếu cho biết.
Bé Văn Ngọc Trung bị dị tật không hậu môn bẩm sinh, đã mổ 4 lần tại bệnh viện địa phương nhưng vẫn không tự chủ tiểu tiện, luôn có mùi hôi khiến mọi người xa lánh. Sau thông tin về hoàn cảnh cậu bé đăng tải trên VnExpress.net, nhiều độc giả đã quan tâm chia sẻ và hỗ trợ chi phí giúp gia đình có điều kiện đưa con vào TP HCM chữa trị. Không còn sợ sệt hỏi câu "nong nữa hả mẹ", cậu bé đang dần thoát khỏi nỗi ám ảnh đau đớn suốt 7 năm dài, sẵn sàng cho ca mổ quan trọng.
Lê Phương