Theo PGS, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP HCM, phụ nữ đang cho con bú phải thận trọng khi dùng thuốc bởi vì các thuốc có tác dụng toàn thân khi dùng cho mẹ đang cho con bú đều bài tiết qua sữa, hoặc ít hoặc nhiều.
Một số thuốc bài tiết qua sữa ít, nồng độ thuốc trong sữa thấp, có thể không đủ để gây tác dụng lâm sàng ở trẻ. Tuy nhiên, có thuốc bài tiết qua sữa ít nhưng lại có hoạt tính mạnh, có thể gây tác dụng xấu nghiêm trọng đối với trẻ. Một ví dụ về thuốc bài tiết qua sữa nhiều là thuốc chứa chất iod (dung dịch Lugol dùng trong bệnh cường giáp). Thuốc này đặc biệt tiết qua sữa nhiều với nồng độ vượt quá so với nồng độ thuốc có trong máu người mẹ, do đó người mẹ không bị gì nhưng trẻ bị ức chế tuyến giáp có thể đưa đến nguy hiểm. Còn có một số thuốc khác tuy rằng nồng độ thuốc trong sữa mẹ quá thấp nhưng lại có thể gây hiện tượng dị ứng ở trẻ. Đó là trường hợp mẹ uống kháng sinh penicillin thì không việc gì nhưng trẻ bú mẹ thì bị dị ứng.
Như vậy người mẹ đang cho con bú cần tránh dùng những thuốc độc đối với trẻ. Hơn thế nữa, người mẹ còn tránh dùng những thuốc ngăn cản sự tiết sữa hoặc ức chế phản xạ bú của trẻ. Rõ ràng là đối với trẻ còn đang bú, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, sữa mẹ là nguồn thức ăn bổ dưỡng và hoàn chỉnh nhất, nếu nguồn sữa mẹ bị hạn chế hoặc mất đi (do thuốc ngăn cản sự tiết sữa) hoặc trẻ bỏ bú (do thuốc ức chế phản xạ bú) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Phó giáo sư nhấn mạnh, bình thường sự tổng hợp và bài tiết sữa mẹ được điều hòa và kiểm soát chủ yếu thông qua prolactin, một hormone được bài tiết từ tuyến yên. Nồng độ hormone này thường tăng cao nhất trong 2 tuần đầu sau sinh, sau đó giảm dần và trở về mức bình thường sau 6 tháng. Nồng độ prolactin tăng cao trong máu là yếu tố quyết định sự bài tiết sữa. Hầu hết tác động của thuốc đối với quá trình tiết sữa đều thực hiện thông qua hormone prolactin.
Thuốc cần tránh dùng đối với phụ nữ cho con bú
Phần lớn thuốc mà phụ nữ có thai không nên dùng thì phụ nữ cho con bú cũng cần tránh. Ở đây chỉ nêu thêm một số thuốc:
- Thuốc độc đối với trẻ: iod, ergotamin.
- Thuốc ức chế sự tiết sữa: estrogen, thuốc ngừa thai chứa estrogen, bromocriptine, cyproheptadine (thuốc bromocriptin) được dùng cai sữa.
- Các nghiên cứu trong thí nghiệm gần đây cho thấy pseudoephedrin, một số thuốc có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi, chống nghẹt mũi có thể ức chế tiết sữa. Các bà mẹ đang cho con bú vẫn nên hết sức thận trọng khi sử dụng pseudoephedrin (thường có trong thuốc trị cảm sổ mũi), đặc biệt trong những tháng cuối của thời gian cho con bú, khi nguồn sữa giảm dần.
- Thuốc làm sữa có vị đắng: metronidazol.
- Thuốc ức chế phản xạ bú của trẻ: các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương làm trẻ ngầy ngật bỏ bú.
- Thuốc kích thích tiết sữa:
+ Ở những bà mẹ bị thiếu sữa do nồng độ prolactin không đủ cao nhưng vẫn có đủ số lượng các nang tạo sữa, có thể sử dụng một số thuốc như metoclopramide, domperidone, sulpiride giúp tăng tiết prolactin từ tuyến yên và kích thích việc tạo sữa. Metoclopramide với liều thường sử dụng là 10-15 mg, 3 lần mỗi ngày.
+ Cần lưu ý thuốc chỉ có hiệu quả tăng tiết sữa ở một số người có nồng độ prolactin thấp, nếu lượng sữa không tăng sau một tuần sử dụng, các thuốc kích thích tiết sữa nên được ngừng lại. Việc ngừng các thuốc này nên được tiến hành từ từ, tránh ngừng đột ngột vì có thể gây mất sữa. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong giai đoạn cho con bú cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý mua thuốc.
Một số thuốc tăng sự tiết sữa nhưng không dùng trong điều trị: methyldopa, haloperidol, theophylline.
Một số nguyên tắc khi sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai
- Chỉ dùng loại thuốc thật quan trọng và cần thiết đối với mẹ, nên dùng liều thấp nhất hiệu quả.
- Cần giảm lượng thuốc vào trẻ: sử dụng thuốc ngay sau khi cho bú hoặc cho bú cách xa thời điểm thuốc đạt nồng độ tối đa trong máu người mẹ. Xen kẽ bú mẹ với bú bình.
- Theo dõi triệu chứng bất thường ở trẻ bú mẹ như phản xạ bú kém, chậm tăng cân.
- Chọn loại thuốc cho tác dụng tại chỗ, thận trọng với dạng thuốc phóng thích thuốc kéo dài.
Lê Phương