Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần này biến động vì các khoản thuế chồng thuế từ Mỹ, gồm thuế đối ứng "ngày giải phóng" cộng với hàng loạt thuế trả đũa mậu dịch lên tới 145%, Bắc Kinh đã nhanh chóng khởi động chiến dịch đồng bộ giữa cơ quan chính phủ và các ngân hàng, công ty tài chính nhằm ổn định thị trường chứng khoán quốc gia.
Quỹ đầu tư nhà nước Hối kim Trung ương ngày 8/4 đăng thông cáo tổ chức này là thành viên của "đội quốc gia", gồm các tổ chức tài chính được huy động để chặn đà giảm sâu của thị trường chứng khoán, đồng thời cam kết tăng tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ, tức quỹ tự mua vào thêm cổ phiếu mà họ đã niêm yết.
Nối tiếp ngay sau thông cáo từ Hối kim Trung ương là cam kết đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 13,6 tỷ USD) của Thành Thông Trung Quốc, công ty quản lý tài sản quốc doanh, vào thị trường chứng khoán quốc gia. Công ty China Reform Holdings cũng cam kết đầu tư thêm hơn 10,9 tỷ USD.
Hội đồng Quốc gia về Quỹ An sinh Xã hội, thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết sẽ tăng cường mua vào cổ phiếu. Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia thông báo nới lỏng các quy định về mua cổ phiếu của các công ty bảo hiểm, trong đó phần lớn là đơn vị nhà nước.
Tính đến cuối ngày 8/4, hơn 100 công ty niêm yết lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Sinopec, China Mobile và Moutai, cũng tuyên bố sẽ mua lại cổ phiếu của chính mình. CSI 300, chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, phục hồi nhanh chóng nhờ làn sóng cam kết mua vào và khớp lệnh mua dồn dập.

Người dân Trung Quốc đứng trước một trung tâm giao dịch chứng khoán ở Bắc Kinh ngày 8/4. Ảnh: AP
"Chiến trường đầu tiên của cuộc chiến thuế quan chính là thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán", Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng cho khu vực Trung Quốc của tập đoàn tài chính Nomura, Nhật Bản, nhận định. Ông dự báo các quỹ ổn định thị trường và "đội quân quốc gia" được hậu thuẫn bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ tiếp tục có các động thái mạnh trong thời gian tới.
Giữa lúc thị trường bất động sản Trung Quốc đi xuống, giá nhà liên tục giảm trong hai năm qua, thị trường chứng khoán ngày càng trở nên quan trọng nhằm kích thích nền kinh tế và niềm tin người tiêu dùng, đồng thời giữ vững tâm lý của nhà đầu tư sau đòn thuế từ Mỹ.
Khái niệm "đội quốc gia" được Trung Quốc đưa ra sau cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 2015-2016, và dần phát triển từ hỗ trợ riêng lẻ sang hỗ trợ toàn thị trường.
Việc Hối kim Trung ương sử dụng cụm từ "đội quốc gia" trong thông cáo báo chí cũng là lần hiếm hoi một tổ chức tài chính Trung Quốc thừa nhận rõ ràng về mô hình này. Quỹ cũng tự mô tả họ có vai trò "bình ổn" và nhấn mạnh tầm nhìn lạc quan về "tương lai tươi sáng của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự phát triển của thị trường đầu tư".
Dùng "đội quốc gia" để ổn định thị trường chứng khoán trước các tác động bên ngoài đã được giới lãnh đạo Trung Quốc lên ý tưởng từ nhiều tháng trước. Hồi tháng 9/2024, PBoC thông báo về hai chương trình tài trợ trực tiếp mua lại cổ phiếu trị giá ít nhất 41 tỷ USD và một cơ chế hoán đổi tài sản trị giá 68,3 tỷ USD để hỗ trợ các tổ chức đầu tư ổn định thị trường tài chính.
Hồi tháng 2, Bộ Tài chính Trung Quốc chuyển cổ phần họ kiểm soát trực tiếp trong một số hãng đầu tư cho Hối kim Trung ương, giúp quỹ đầu tư này kiểm soát tổng cộng 8 công ty chứng khoán. Giới chuyên gia khi đó đánh giá Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một nhóm ngân hàng đầu tư "đẳng cấp thế giới" và có thể tác động hiệu quả lên thị trường nếu cần.
Theo Goldman Sachs, thông điệp "bình ổn thị trường chứng khoán" cũng lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc vào tháng 3, cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của thị trường này trong chiến lược kinh tế Trung Quốc.
Ngày 7/4, hai ngày trước khi Mỹ chính thức áp thuế đối ứng và một ngày trước thông báo của Hối kim Trung ương, nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tổ chức hội nghị chuyên đề ở Chiết Giang về mua lại cổ phiếu. Đại diện PBoC nhấn mạnh chiến thuật này "đóng vai trò quan trọng trong duy trì ổn định thị trường vốn và củng cố niềm tin".
Các chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế nội địa trong những tuần tới khi thương chiến tiếp tục leo thang với Mỹ, điều có thể gây hậu quả tiêu cực cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như nền thương mại toàn cầu.
Thanh Danh (Theo FT, Reuters, Insurence Business)