Tối, mẹ bảo: “Thôi tối nay qua ngủ với bố mẹ, ngày mai lại bay rồi”. Thế là tối hôm đó có đứa con gái nằm chen chúc trên chiếc giường chật hẹp với bố mẹ, vắt tay lên trán không ngủ được như bà cụ non. Mai lại bay. Lại thêm một năm học dài đằng đẵng với những đêm nhớ nhà mà không biết khóc với ai, với cái Tết xa gia đình lạnh lẽo nơi đất khách, với những cuộc gọi skype mà hơi ấm của lời dặn dò và sự quan tâm như vượt qua nửa vòng trái đất, truyền đến đứa con gái nhỏ ở bên kia đầu dây.
Tôi sang Mỹ du học từ cuối năm lớp 9. Bố mẹ do dự, lo rằng tôi chưa đủ lớn để tự chăm sóc bản thân, nhưng tôi vẫn kiên quyết muốn đi. Niềm phấn khích trước một thế giới mới lạ, nền giáo dục tiên tiến và tương lai rộng mở đã lấn át đi mọi nỗi lo lắng, sợ hãi. Ngày tiễn tôi đi, em trai khóc òa, còn bố mẹ cứ lưu luyến nắm tay dặn dò. Những cái ôm thật chặt rồi cũng buông lơi, tôi khoác chiếc balô nặng trĩu, đưa bàn tay nhỏ xíu vẫy chào tạm biệt những người thân yêu, lên đường. Cho đến khi máy bay đáp đến Mỹ, tôi vẫn cứ như kẻ mộng du, chưa thể tin được mình đã rời Việt Nam.
Sự hoang mang, cú sốc văn hóa và nỗi nhớ nhà cồn cào là bạn đồng hành của tôi trong suốt mấy tháng đầu. Nhìn con đường Mỹ sạch đẹp không một bóng bụi với hai hàng cây xanh rợp bóng mát rượi, tôi lại thèm lắm cái nắng, cái bụi của Sài Gòn. Tôi nhớ con đường đông đúc cùng tiếng còi xe nhộn nhịp mỗi chiều tan học. Những món ăn Mỹ như gà rán, pizza mà khi ở Việt Nam, tôi từng vòi mẹ mua cho bằng được, nay lại khiến tôi lắc đầu chán ngán. Đầu tháng chín, ảnh khai giảng bọn bạn tôi đăng lên Facebook lại càng làm tôi thêm chạnh lòng. Nhìn đám bạn ôm vai bá cổ nhau cười rạng rỡ, tôi cảm thấy như mình bị bỏ lại ở phía sau, cô đơn, lạc lõng. Ngẩn người, hốt hoảng mở vali, rồi tôi lại thở phào khi thấy tấm áo dài trắng vẫn được xếp cẩn thận dưới đáy vali. Tà áo dài như mối liên kết hữu hình giữa quá khứ và hiện tại, giữa những năm tháng học trò ngây thơ, tinh khôi ở Việt Nam và cuộc sống tự lập ở nước ngoài.
Thế rồi tôi vùi đầu vào học, lao mình vào những hoạt động ngoại khóa. Tôi tự đi chợ nấu ăn vào những dịp cuối tuần, rồi cứ quy đổi trong đầu tiền USD thành tiền đồng Việt Nam. Tôi thấy sao mà đắt đỏ quá. Những sớm mùa đông, tôi phải bắt chuyến xe buýt sớm nhất vào lúc sáu giờ sáng đến trường. Trời thì rét căm căm, âm mười mấy độ, tôi vừa lơ mơ ngủ vừa đứng đợi xe buýt. Tay tôi đã đeo hai đôi găng tay mà vẫn lạnh cóng, đau buốt, mặt rát bỏng, mắt cay xè không biết vì tuyết hay vì tủi thân.
Sau giờ học, tôi tham gia trong đội bóng đá nữ của trường. Đội tập hai tiếng một ngày, sáu ngày một tuần. Con gái Mỹ chơi thể thao từ nhỏ, sức bền và kỹ thuật đá bóng tốt vô cùng. Tôi nhỏ con và có thể lực yếu nhất đội, lại chưa chơi bóng đá bao giờ, bóng đến chân thì cứ luống cuống. Đến tối, tôi lại đắp nước đá lên hai bắp chân đau nhức, nghĩ thầm: “Mình muốn bỏ cuộc quá”. Thế nhưng ngày hôm sau tôi lại vẫn kiên trì ra tập cùng đồng đội. Ở Mỹ, khi tham gia hoạt động, bạn phải có trách nhiệm, nếu bỏ cuộc giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích tập thể. Tôi đã học được bài học về tinh thần đồng đội qua những buổi tập bóng đá như thế.
Mỗi lần có chuyện vui hay chuyện buồn, tôi đều tâm sự với mẹ qua điện thoại. Nghe giọng mẹ hài hước pha trò, hay tỉ tê an ủi, mọi tâm sự của tôi như vơi bớt phần nào. Tôi kể với mẹ chuyện đi dạy thêm ở trường tiểu học, bị đứa bé tôi kèm chê cười vì giọng phát âm tiếng Anh không chuẩn như người Mỹ gốc. Tôi kể về buổi thuyết trình về đất nước Việt Nam trong giờ địa lý, các bạn nước ngoài đã trầm trồ ra sao trước chiếc áo dài truyền thống tôi mặc. Và khi tôi hát bài Hello Vietnam, cả lớp im lặng lắng nghe, như cảm thông được nỗi tâm tình của người con xa xứ, như xúc động trước hình ảnh của một đất nước Việt Nam hiền hòa, xinh đẹp.
Cuộc sống ở Mỹ qua một năm đã khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi ý thức rõ ràng hơn về tình cảm của mình đối với gia đình, với quê hương đất nước. Nhìn sự phát triển của nền công nghệ tiên tiến, cảm nhận được những phúc lợi mà xã hội dành cho người già, người tàn tật hoặc tiếp cận được nền giáo dục tập trung vào phát triển con người một cách toàn diện ở Mỹ... tôi khao khát được mang những điều tốt đẹp ấy về Việt Nam.
Tuy bây giờ tôi vẫn chưa đạt được mơ ước ấy, nhưng tôi bắt đầu thay đổi bản thân từng chút một. Tôi thật sự muốn cố gắng từng ngày với một mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và quê hương đất nước. Tôi là một người con xa xứ không phải vì chiến tranh loạn lạc, cũng chưa phải vì cuộc sống mưu sinh như những hoàn cảnh khác. Tôi đặt chân đến đất nước xa lạ này vì tôi muốn học những điều văn minh, tiến bộ của thế giới. Và trên hết, tôi học để biết được mình có thể đóng góp được cho quê hương, đất nước như thế nào. Tuy mang mục tiêu khác nhau, song cũng như những người con xa quê khác, tôi vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.
Việt Nam ơi, hãy đợi nhé, ngày về.
Nguyễn Võ Minh Trâm
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com