Quầy hàng mặt tiền ngõ xóm của chị Lan là điểm mọi người thường tụ tập tán gẫu mỗi cuối tuần. Chồng chị là công nhân may, hai đứa con đang học phổ thông. Thoạt nhìn, nhà chị khá tiện nghi với máy lạnh, máy giặt, ti vi, bàn ủi, nồi cơm điện và vài cái quạt máy. Chị có tính thật thà: "nhìn vậy chứ toàn đồ sida với người ta cho không à".
Lương của anh tầm hơn bốn triệu mỗi tháng, việc buôn bán của chị đồng ra đồng vào cũng thêm tối đa chừng ấy nữa, nhưng rất bấp bênh. Chị nói thời buổi này cầm tám triệu làm được gì cho bốn người để dư ra mà mua sắm, "phải tằn tiện lắm mới đủ". "Nhưng gì chứ hai đứa nhỏ phải được ưu tiên học hành em ạ", một lần chị nói với tôi.
"Ưu tiên học hành", theo cách của anh chị là tụi nhỏ được phép đóng cửa phòng và bật máy lạnh học bài khi trời nóng. Tôi hỏi: "thế nhà chị xài mỗi tháng hết bao nhiêu tiền điện?". "Ôi dào, tháng nào cũng tám trăm đến một triệu, xót hết cả ruột", chị bảo phải nhắc nhở tiết kiệm lắm mà chẳng giảm được bao nhiêu. Tôi nhẩm tính, vậy là nhà chị Lan phải dành ra trên 10% tổng thu nhập để trả tiền điện.
Nhưng trường hợp của chị không phải là cá biệt tại Việt Nam. Một báo cáo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy có đến 40% số hộ gia đình tại Việt Nam phải chi đến 10,8% tổng thu nhập để trả tiền điện. Đây cũng là mức chi trả thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Con số trên nói lên điều gì? Khi đánh giá tình trạng đói nghèo trên thế giới, các tổ chức phát triển quốc tế áp dụng một chỉ số là "đói nghèo năng lượng" (energy poverty), đôi khi còn gọi là "gánh nặng năng lượng" (energy burden). Cụ thể, một hộ sẽ gặp tình trạng gánh nặng năng lượng và đối diện với nguy cơ đói nghèo nếu chi phí năng lượng so với thu nhập chiếm từ 10% trở lên. Trường hợp ở Việt Nam, chi phí năng lượng ở đây chủ yếu là tiền điện. Nghĩa là, có đến 40% số hộ dân tại Việt Nam đang đối diện nguy cơ đói nghèo do phải chi trả tiền điện quá cao. Điều này dường như đang cản trở nỗ lực giảm nghèo của Chính phủ trong lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Liệu người dân Việt Nam có xứng đáng được hưởng một mức giá điện sinh hoạt thấp hơn khung giá điện mà họ đang trả được không? Tôi tin rằng hoàn toàn được, và điều này nằm trong bàn tay điều tiết của Bộ Công thương cũng như nỗ lực của Chính phủ.
Không thể phủ nhận sự cầu thị và cởi mở của Bộ Công thương trong quy trình xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này. Tuy vậy, điểm mấu chốt để có thể điều chỉnh trong chính sách để giảm giá điện sinh hoạt cho dân chúng vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, nghịch lý bù chéo giá điện khiến nhóm dùng điện sinh hoạt đang hỗ trợ tiền điện cho nhóm sản xuất trong dự thảo phương án giá điện vẫn còn duy trì.
Thể hiện rõ nhất ở đây là giá điện sinh hoạt bị đề nghị trả cao hơn từ 145% đến 155% giá điện bình quân khi áp điện một giá. Dù phương án điện một giá này đã bị loại bỏ, nhưng người dùng điện sinh hoạt vẫn phải trả thêm so với giá thực họ sử dụng. Phần chênh lệch do người dùng điện sinh hoạt trả nhiều hơn được dùng để bù phần thiếu hụt do bán điện dưới giá bình quân cho khối sản xuất. Nhờ vậy, trong khung giá điện hiện hành được áp dụng từ năm 2014, giá điện sản xuất chỉ dao động từ 88% đến 97% giá điện bình quân. Và dù bán điện sản xuất dưới giá bình quân, EVN vẫn có lãi trong năm 2019.
Dự thảo giá điện sản xuất lần này gồm hai phương án, hoặc tính riêng giá điện sản xuất, hoặc gộp chung giá điện sản xuất và kinh doanh. Nếu tính riêng giá điện sản xuất, giá điện chỉ dao động từ 85% đến 98% giá điện bình quân. Nếu gộp chung giá điện sản xuất và kinh doanh, giá điện dao động từ 85% đến 101% giá điện bình quân. Thật ra, mức 101% này chủ yếu áp dụng cho giá điện kinh doanh và những hộ sản xuất nhỏ lẻ với mức điện áp dưới 1 kV. Còn lại, giá điện sản xuất đại đa số cũng chỉ từ 85% đến 94% giá điện bình quân.
Nghĩa là, dù tính toán cách nào, điện sản xuất cũng đang được bán dưới giá bình quân. Như một hệ quả, cũng báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra giá điện sản xuất của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong các nước châu Á. Hưởng lợi nhiều nhất là khối sản xuất công nghiệp.
Giá điện bình quân là giá cơ sở để ngành điện phân bổ thành giá điện bán lẻ cho bốn nhóm khách hàng gồm sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt. Với phương pháp tính giá điện bình quân đã gồm lợi nhuận và cách phân bổ giá điện như trên, ngành điện đạt được "lành mạnh tài chính" song lại có sự phân biệt đối xử giữa các nhóm khách hàng, đi ngược lại với tinh thần của Luật Điện lực và quy luật của thị trường lành mạnh. Nếu nghịch lý bù chéo giá điện vẫn tiếp tục tồn tại, việc tái cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt thành một, năm hay mấy bậc đi nữa cũng sẽ không thể đáp ứng mong muốn giảm hoá đơn tiền điện của đại đa số người dân.
Gần 10 năm trước, Tổng giám đốc EVN thời điểm đó là ông Phạm Lê Thanh khẳng định "kiên quyết không bán điện dưới giá thành cho các hộ sản xuất, đây là nguyên tắc bất di bất dịch và sẽ tiếp tục điều chỉnh". Văn bản của Bộ Công thương trả lời cử tri về giá điện mới đây cũng khẳng định "giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành". Luật Điện lực 2004 đã đưa ra quan điểm "giảm dần và tiến tới xoá bỏ việc bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt, góp phần thúc đẩy sản xuất và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp".
Liệu rằng việc chính thức xoá bỏ bù chéo giữa giá điện sản xuất và giá điện sinh hoạt đã tồn tại ít nhất 15 năm qua có được thực hiện sớm, để nhiều gia đình như chị Lan không còn bị xếp vào diện "đói nghèo năng lượng" hay không?
Nguyễn Đăng Anh Thi