Vào một buổi sáng đầu tháng năm, tôi thức dậy giữa cái không gian oi ả, chang chang nắng của những ngày hè Hà Nội, nhưng lòng lại thấy bình yên và mát lành đến kỳ lạ.
Từ trên gác, tai tôi nghe được tiếng đóng mở chiếc tủ lạnh mini vừa mới mua, tiếng loẹt xoẹt bóc bỏ hành, vỏ tỏi và tiếng thì thầm nói chuyện về hai chị em tôi của hai "thiên sứ chốn trần gian" ấy.
Mùi thơm của hành, tỏi kết hợp với hương thanh nhẹ của quả bầu đất đã được cắt ra, giục tôi ngồi dậy. Từ trên gác nhìn xuống, bố đang cắt bầu và bóc tỏi cho mẹ nấu bữa ăn, còn mẹ thì đang gói gém những món đồ ăn bỏ vào tủ lạnh. Và tôi chỉ muốn thời gian ngưng lại ở chính giây phút ấy mà thôi.
Tôi yên lặng ngắm nhìn bố mẹ một hồi lâu để ghi lại thật sâu hình ảnh đó vào những nếp nhăn trong bộ não và trong trái tim.
"Bố mẹ đang làm gì đấy ạ?". Tôi chỉ muốn hét thật to hai tiếng mà đã từ lâu tôi không có cơ hội được nói trực tiếp, không được gọi hàng ngày và để biết rằng không phải tôi đang mơ. Chỉ là nhiều khi tôi vẫn gọi hai tiếng ấy trong tâm tưởng.
"Con dậy sớm làm gì thế? Sáng sớm còn mát trời, con tranh thủ ngủ thêm đi. Mẹ đang cất đồ cho hai chị em ăn dự trữ khi bố mẹ về. Ngoài đây, rau cỏ vừa đắt lại vừa không an toàn". Mẹ ngước mắt lên nhìn tôi và cười thật tươi. Đôi mắt mẹ đã bao lần tôi nhìn và chỉ muốn khóc những khi ấy. Mắt mẹ thâm quầng vì phải thức bao đêm để làm việc ở nhà máy. Ở đuôi mắt của mẹ đã xuất hiện những nếp nhăn, đặc biệt càng in hằn rõ khi mẹ cười. Đôi mắt thiếu ngủ, mệt mỏi ấy vẫn không chịu ngủ, không nỡ ngủ vì công việc mưu sinh để lo cho cuộc sống gia đình.
Tôi nhớ lại buổi sáng sớm đi đón bố mẹ ở ga Giáp Bát, đôi mắt mẹ phờ phạc nhưng vẫn híp lại để tôi thấy được là mẹ đang cười thật tươi khi gặp con gái. Mẹ vừa làm xong ca đêm ở nhà máy đã vội về nhà, cùng bố sắp xếp hành lý để ra Hà Nội với hai chị em tôi. Trước đó, mẹ có nói đi làm ca đêm về sẽ nghỉ một lát, chiều hoặc sáng hôm sau mới ra. Nhưng tôi hiểu mẹ mà!
"Làm gì thì làm, không được thức khuya nhiều, hại sức khỏe lắm. Chúng tôi không yêu cầu cô nhé", bố lên giọng mắng yêu con gái.
"Vâng ạ. Con biết rồi mà bố". Đôi mắt tôi dừng lại nơi bàn tay bố. Đôi bàn tay ấy đã có lần phải cầm một đồng tiền vừa mới đi vay được từ nhà hàng xóm. Khi ấy tôi mới chỉ là một cô bé học sinh lớp 8, nhưng trái tim cảm nhận được nỗi đau của bố, nó chạm đến tự trọng của một người đàn ông làm chủ gia đình. Tôi biết bố bị tổn thương khi chưa thể lo được đầy đủ cho gia đình nhỏ bé của mình. Và trái tim tôi cũng đau nỗi đau mà bố đang mang.
Khi tôi học năm nhất ở trường đại học thứ nhất, tôi bị ốm một lần rất nặng. Và cho tới bây giờ, đó là lần mà tôi bị ốm nặng nhất. Vì mẹ bận việc nên bố thay mẹ lo cho tôi. Bố lo lắng, bồn chồn, thỉnh thoảng lại hỏi tôi xem tôi có cảm thấy tốt hơn không. Hết cơn sốt thứ nhất, nhiệt độ lại tiếp tục tăng lên. Đôi bàn tay bố lo đồ ăn để cho tôi uống thuốc, bóc từng viên thuốc từ vỉ cho tôi. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, đôi bàn tay bố rất ân cần dù có những lúc rất kiên định đưa hình phạt lên đôi bàn tay tôi khi tôi viết chữ xấu, viết chữ nhỏ chỉ bằng một chú kiến càng.
Bây giờ, đôi bàn tay của người thiên sứ lái xe tải ấy càng sạm đi vì nắng và gió. Tôi có thể thấy rõ những đường gân in hằn trên tay bố dưới lớp da sạm đen ấy. Dù có mệt mỏi, bố vẫn kiên trì với những vòng tròn trên chiếc vô-lăng xe tải của công ty, vì gia đình nhỏ của bố.
Đó là một cảnh trong ký ức những ngày nghỉ lễ cuối tháng tư, đầu tháng năm của gia đình tôi - chuyến "phiêu lưu ký Hà Nội" của cả hai "thiên sứ" trong trái tim tôi.
Tôi biết, bố đã phải mất nhiều thời gian để chấp nhận lựa chọn học tiếp ở một trường đại học nữa của con gái. Nhưng bố chỉ nói với tôi rằng “bố vẫn còn nghèo nên hãy cố gắng hơn một chút nhé”.
Và vì thế, tôi của hiện tại là một kẻ sợ thiếu thời gian cho những công việc tôi làm. Dường như đã có lúc tôi không có đủ thời gian để thở với chỉ 2-3 tiếng mỗi ngày, nhưng đó là vì tôi mong bố mẹ biết được rằng: “Con chưa bao giờ quên phải cố gắng”.
Qua những chặng đường đời, đôi bàn tay của bố và đôi mắt của mẹ vẫn luôn ân cần dìu dắt tôi, cho tôi động lực để kiên trì và bước tiếp với sự chọn lựa của chính mình.
Lê Thị Loan