Theo Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ (JAMA), bằng cách sử dụng các thiết bị phổ thông ở phòng khám mắt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những triệu chứng của bệnh Alzheimer tiền lâm sàng, trong một nghiên cứu trên khoảng 30 người.
Những tình nguyện viên đều ở vào độ tuổi 70 và không hề có biểu hiện Alzheimer. Sau khi được quét PET và lấy mẫu dịch tủy sống, một nửa trong số họ có nồng độ protein Alzheimer amyloid và tau khá cao. Nhóm tác giả cũng phát hiện giác mạc của nhóm người này rất mỏng, giống với tình trạng của những bệnh nhân đã qua đời do bệnh Alzheimer.
Giáo sư Rajendra Apte tại Đại học Washington cho hay: "Mắt của mỗi người đều có phần trung tâm võng mạc không mạch máu. Khu vực này giúp chúng ta nhìn mọi vật rõ ràng nhất. Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện vùng không mạch máu của người bị Alzheimer tiền lâm sàng lớn hơn so người bình thường".
Hiện nay thế giới có gần 50 triệu người bị bệnh Alzheimer và con số này dự báo tiếp tục tăng lên trong bối cảnh dân số già hóa. Alzheimer là bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất và không có cách chữa trị. Tuy nhiên, phát hiện sớm giúp bệnh nhân nhanh chóng được dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển.
Chẩn đoán dấu hiệu bệnh Alzheimer qua mắt là biện pháp tiết kiệm hơn chụp PET và lấy mẫu dịch tủy sống, đồng thời ít ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi. Sắp tới, các nhà khoa học thử nghiệm trên mẫu lớn hơn để đi đến áp dụng vào thực tế.
Ngọc Khuê