Nửa thế kỷ giữ rừng Cần Giờ

Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.

Nửa thế kỷ giữ rừng Cần Giờ

Cuộc đời ông Trần Minh Tùng (54 tuổi, huyện Cần Giờ) đầy những mối duyên với rừng, từ cái tên, người vợ, đến nghề nghiệp mà ông gắn bó.

Ngắm nước sông Lòng Tàu dâng vừa đủ che những gốc đước mọc sát bờ, ông Tùng ra mé sông, nắm sợi dây kéo chiếc vỏ lãi lại gần rồi leo lên, nổ máy. Ông lần lượt đón hai đồng đội trong tổ tự quản, tiến sâu vào khu rừng ngập mặn Cần Giờ, bắt đầu cuộc tuần tra định kỳ.

Ông Tùng là một trong 39 tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, được Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ giao trách nhiệm trông nom “lá phổi xanh” của TP HCM. Mỗi tổ gồm 3-6 thành viên, là các hộ dân được khoán diện tích bảo vệ rừng liền kề nhau. Tuỳ vào con nước, họ lên kế hoạch kiểm tra 9 lần mỗi tháng, đảm bảo khu rừng không bị xâm hại và cập nhật tình trạng rừng.

Ông Trần Minh Tùng (54 tuổi) bắt đầu trồng rừng từ khi 8 tuổi và tham gia bảo vệ rừng hơn 40 năm.

Lướt giữa hàng đước, mắm thẳng tắp, giống hệt nhau, ông Tùng ngồi đầu mạn thuyền, không cần nhìn bản đồ vẫn dễ dàng chỉ lối đến khoảng rừng hơn 364 ha mà tổ phụ trách. Ông dẫn hai đồng đội trẻ băng qua những gốc đước chằng chịt, được chính tay gia đình ông góp sức trồng, bảo vệ.

Ông Tùng theo chân mẹ vào rừng khi mới 8 tuổi, coi như đi chơi, chưa từng nghĩ sẽ gắn bó gần 50 năm. Là người giữ rừng lâu năm nhất ở đây, ông chứng kiến trọn vẹn quá trình phát triển của "lá phổi xanh" Cần Giờ - từ mảnh đất trơ trụi, hoang hóa do bom đạn, đến khi trở thành Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Sau gần 5 thập kỷ hình thành, rừng Cần Giờ hiện rộng 34.813 ha, trải qua ba giai đoạn phát triển: Phục hồi (1978-1990), chăm sóc (1990-2000), và bảo vệ (2000 - nay). Đây cũng trở thành những cột mốc trong cuộc đời ông Tùng.

Ông Tùng cùng tổ tự quản bảo vệ rừng trong chuyến tuần tra tháng 7/2024.

Ông Tùng cùng tổ tự quản bảo vệ rừng trong chuyến tuần tra tháng 7/2024.

Duyên giữ rừng

Năm 1978, TP HCM chỉ đạo công cuộc phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Mẹ ông Tùng - bà Đinh Thị Hồng (75 tuổi) - một trong 300 thanh niên xung phong đầu tiên đi trồng rừng theo lời kêu gọi của thành phố. Họ chở giống từ Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) về Cần Giờ, cắm từng mầm đước trên bãi bùn.

Hai năm sau, 6 người con lần lượt nối gót bà Hồng. Ông Tùng - con trai thứ hai - theo mẹ in dấu chân khắp khu rừng. Rừng cứ chậm rãi ngấm vào ông qua từng mầm cây, từng bài học của mẹ. Ông chưa bao giờ lý giải hết mối gắn kết với những cánh rừng bạt ngàn nơi đây.

"Chắc là duyên phận", ông nói. "Anh em tôi được đặt tên theo tự nhiên, anh cả tên Sơn, nghĩa là núi. Đã có núi thì phải có cây, bởi vậy tôi mới tên Tùng. Cha mẹ đâu mong cầu gì từ cái tên, ai dè nó vận vào đời tôi, ngót nghét gần 50 năm".

Đến năm 1990, hơn 27.000 ha rừng được phủ xanh, cũng là cột mốc rừng phòng hộ Cần Giờ được thành lập. Gia đình ông nằm trong 10 hộ đầu tiên tham gia thí điểm chính sách giao khoán rừng.

Rừng Cần Giờ năm 1984 còn nhiều nơi trơ trụi, hoang hoá, đến nay đã được phủ xanh toàn bộ. Ảnh: Google Earth.

Từ đó đến nay, số hộ nhận khoán đã tăng lên tới 124, trực thuộc quản lý của 7 phân khu. Bình quân mỗi hộ 4 nhân khẩu được giao 80 ha.

Là người có thâm niên giữ rừng lâu nhất, ông Tùng thường được đồng đội gọi là "sư phụ". Ông có khả năng đặc biệt trong xác định độ tuổi của khoảng rừng bất kỳ chỉ bằng việc nhìn vào độ cao và tính chất đất. Với người giữ rừng khác, đây là việc không dễ, bởi bước sang năm thứ 24, cây sẽ sinh trưởng chậm lại và hầu như không có khác biệt gì đáng kể.

"Cây trồng vào những năm 1980 thì thường nhỏ và nằm trên đất cứng, còn cây trồng sau này thì mau lớn và nằm ở phần đất thấp hơn", ông lý giải. "Sư phụ" này cũng lãnh vai trò huấn luyện những người giữ rừng khác nhận biết các loại cây, con để cập nhật chính xác từng thay đổi của tài nguyên rừng cho Ban Quản lý.

Ông Tùng tuần tra tại khu 6B, rừng phòng hộ Cần Giờ.

Ông Tùng tuần tra tại khu 6B, rừng phòng hộ Cần Giờ.

Tổ tự quản kiểm tra sức khoẻ và khoanh vùng nơi cây đổ sau cơn mưa.

Tổ tự quản kiểm tra sức khoẻ, khoanh vùng nơi cây đổ sau cơn mưa.

Bộ rễ của cây đước tại rừng ngập mặn Cần Giờ.

Bộ rễ của cây đước tại rừng ngập mặn Cần Giờ.


25 năm trước, một hộ giao khoán rừng được nhận khoản lương cố định khoảng 15 triệu đồng mỗi năm. Chừng ấy không đủ nuôi sống gia đình 7 người nhà ông Tùng. Dư lao động, các anh chị em của ông lần lượt rời rừng, tìm sinh kế khác. Chỉ còn ông vẫn chọn ở lại, chưa từng ước mơ gì khác ngoài bảo vệ rừng.

"Tôi học dở, nhưng hên là làm tốt việc trông nom rừng", người đàn ông ngoài 50 bộc bạch. Ông tự hào vì hai thế hệ gia đình chưa để xảy ra bất kỳ vụ việc nào vi phạm, ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Năm 2000, rừng Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, với 35/42 loài thực vật ngập mặn. Nhiều loài động vật thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1B và 2B) cũng tìm về sinh sống, như khỉ đuôi dài, chim... Năm 2004, TP HCM công nhận thêm ba khu bảo tồn chim thú (khỉ, dơi và chim) tại Cần Giờ để bảo vệ đa dạng sinh học, chống nguy cơ xâm hại.

Khu rừng không chỉ nuôi dưỡng tuổi thơ, cho ông Tùng nguồn sinh kế, mà còn giúp ông có cơ hội gặp vợ - mối duyên lớn thứ hai trong đời.

Duyên vợ chồng

- “Hò ơi, em ở nơi nào, xuống đây trồng đước chừng nào về quê”

- “Hò ơi, cơm sôi lửa cháy tưng bừng, em qua trồng đước một tuần về quê”

Những lúc hai vợ chồng ngồi trên thuyền đi bắt ba khía, ông Tùng hay ngân nga lại câu hò "cưa" vợ - bà Nguyễn Thị Lắng (52 tuổi).

Ông Tùng đệm đàn cho bà Lắng hò điệu Cần Giờ một khúc tình ca, chuẩn bị cho cuộc thi văn nghệ do Ban Quản lý rừng tổ chức.

Họ gặp nhau lần đầu năm 1984, khi chung tổ trồng rừng. Tổ gồm 50 người, được cấp 10 lít nước cho sinh hoạt và ăn uống, ở hoàn toàn trong rừng nửa tháng. Họ đào đất làm lò, mang củi khô về nhóm lửa, bắt cá dưới sông cho bữa ăn, tối thì chặt lá dừa nước phơi khô nằm thay chiếu. Tình cảm của hai người dần nảy nở.

"Đau cái lưng gần chết, nhưng vui lắm", bà Lắng nhớ lại.

Vợ chồng ông Tùng cùng tuần tra rừng bằng vỏ lãi.

Vợ chồng ông Tùng cùng tuần tra rừng bằng vỏ lãi.

Ở rừng thiếu thốn đủ đường, nhiều người nản, muốn về, mẹ ông Tùng kêu con trai - nổi tiếng với tài chơi guitar - tổ chức văn nghệ ban đêm để vực dậy tinh thần cho cả tổ. Bà Lắng cũng góp vài điệu vọng cổ, trên nền guitar của ông Tùng. Hai vợ chồng chính thức "đổ" nhau từ những đêm này.

"Trồng rừng xong xuôi hết rồi mẹ tác hợp cho hai đứa", bà Hồng kể lại lời hứa với hai con ngày ấy.

10 năm sau, góp đủ tiền bạc, hai người làm đám cưới. Ngày trọng đại, cấp trên cho ông Tùng mượn chiếc ghe lớn, chạy bằng máy cu-le, chở nhà trai từ rừng về nhà gái trên đất liền. Cả khu rừng rổn rảng tiếng nói cười, chung vui với cặp đôi mới của rừng.

Đám cưới trong rừng Cần Giờ của vợ chồng ông Tùng - bà Lắng năm 1994.

Sau cưới, bà Lắng chuyển hẳn vào rừng, cùng chồng xây tổ ấm. Ba người con lần lượt ra đời. Đến tuổi đi học, chúng lên bờ ở với ông bà, cuối tuần mới về phụ cha mẹ.

Hơn 20 năm đầu ở rừng, vợ chồng ông chỉ sống bằng đèn dầu vì không thể kéo điện vào. Đến năm 2001, các hộ giữ rừng mới được hỗ trợ vay mua tấm điện năng lượng mặt trời công suất 36W.

"Cái tấm năng lượng được cưng chưa từng thấy. Cháy được cái bóng đèn, hát được TV đen trắng xíu rồi xong", ông Tùng nhớ lại. Hai vợ chồng tích lũy lương giữ rừng trong vòng 4 năm mới trả xong 8 triệu - tương đương 2 cây vàng. Giờ đây, nhà ông đã có 3 tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng vẫn giữ thói quen "hà tiện điện", chỉ sử dụng 1/3 để tích điện cho mùa mưa.

Chân dung vợ chồng Tùng và con trai út - Duy Linh - bên sông Lòng Tàu, tháng 7/2024.

Chân dung vợ chồng Tùng và con trai út - Duy Linh - bên sông Lòng Tàu, tháng 7/2024.

Ông Tùng ngồi nghỉ ngơi trong phòng khách, nơi những tấm bằng khen về công tác bảo vệ rừng treo kín tường.

Ông Tùng ngồi nghỉ ngơi trong phòng khách, nơi những tấm bằng khen về công tác bảo vệ rừng treo kín tường.

Bà Lắng - vợ ông Tùng - trồng rau ở mảnh vườn sau nhà, sống tự cung tự cấp.

Bà Lắng - vợ ông Tùng - trồng rau ở mảnh vườn sau nhà, sống tự cung tự cấp.

Trước khi được Nhà nước xây mới chốt bảo vệ rừng vào năm 2012, gia đình ông sống trong nhà lá, cửa không đóng kín được, phải đốt đèn dầu ăn cơm trong mùng để tránh muỗi. "Mỗi đêm thuỷ triều lên, sáng dậy thấy nước cuốn trôi mất đôi dép", bà Lắng cười, kể lại ký ức ở căn nhà cũ hơn 20 năm trước.

Sau này, chốt mới được xây, cuộc sống của hai vợ chồng ông tiện nghi hơn. Tiền khoán bảo vệ rừng cũng tăng lên, ông nhận khoảng 173 triệu đồng mỗi năm để canh giữ 150 ha rừng. Để có thêm tiền cho các con ăn học, vợ chồng ông nuôi cá thòi lòi và ốc len trên khoảng sân trước nhà.

Cuộc sống vẫn chưa đủ đầy. Mùa nắng hạn chế nước ngọt, mùa mưa lại thiếu nắng cho điện mặt trời. Sóng tivi, điện thoại lúc được lúc không. Dù hai vợ chồng chưa bao giờ có ý định rời rừng, những đứa con của ông thì không muốn quẩn quanh mãi trong vòng lặp của khuôn mặt, âm thanh, và bối cảnh quen thuộc.

"Thôi con không ở rừng nữa đâu, con lên thành phố đây", ông Tùng thuật lại lời của con trai đầu năm 2018. Sau khi học xong, anh giữ rừng được 6 năm, rồi đến Đồng Nai tìm việc mới.

Sau đó, con gái thứ hai cũng chỉ giữ rừng được 3 năm. Họ lần lượt lập gia đình ở thành phố, chỉ khi được nghỉ phép và "cần sự bình yên" mới về rừng thăm cha mẹ.

"Có thể khi già sẽ tính chuyện về rừng ở, còn trẻ thì muốn bon chen một chút ở thành phố", chị Mỹ Linh (28 tuổi), con gái của ông Tùng, chia sẻ.

Vợ chồng ông Tùng tôn trọng hai con, không ép đứa nào ở lại rừng, một phần hiểu rằng chúng đang ở độ tuổi cần biết về thế giới. Phần còn lại, ông muốn để các con đi thay cho thanh xuân của mình.

Người tiếp nối

Từ ngày lắp được wifi thay cho sóng điện thoại, vợ chồng ông có thêm phương tiện để liên lạc với các con, dù nhiều lúc mạng chập chờn. Bà Lắng rất thích ngắm ảnh cháu, cứ mong chúng về thăm. Nhưng càng lớn, những chuyến về rừng của tụi nhỏ càng ít lại.

"Hồi nhỏ xíu nó thích vào rừng lắm, giờ nhắc tới là sợ", bà kể.

Vợ chồng ông Tùng cả đời ở rừng "sống riết thành quen". Nhưng Bà Hồng - mẹ ông Tùng nhiều lúc nghĩ lại, bà tiếc thay cho đứa con đã thừa hưởng trọn vẹn tình yêu rừng của bà.

"Tuổi già về rừng ở được, tuổi trẻ thì mất thanh xuân. Như thằng Tùng, ở rừng mãi chẳng đi đâu", bà Hồng nói.

Từ khi bà về hưu và giao khoán rừng cho ông Tùng năm 2011, hai mẹ con ít gặp hơn bởi ông bám chốt 24/7. Lúc nào ông cũng lo nếu rời đi lâu, có chuyện sẽ không kịp xử lý. Những lúc bà Hồng nhớ rừng, ông chạy vỏ lãi lên xã Tam Thôn Hiệp - cách nhà gần 10 km, rước mẹ về rừng chơi, ôn lại chuyện cũ, cập nhật tình hình của cánh rừng họ từng chăm sóc.

Gia đình ông Tùng trong đám cưới của Mỹ Linh - con gái thứ hai.

Gia đình ông Tùng trong đám cưới của Mỹ Linh - con gái thứ hai.

Bà Đinh Thị Hồng (75 tuổi), thế hệ đầu tiên trồng và giữ rừng Cần Giờ.

Bà Đinh Thị Hồng (75 tuổi), thế hệ đầu tiên trồng và giữ rừng Cần Giờ.

Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ Cao Huy Bình kể, thế hệ đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ khu rừng đã tự tay gieo trồng, nên họ truyền tình yêu ấy cho con cái để tiếp tục giữ rừng. Nhưng sau lứa của ông Tùng, những người trẻ hầu hết có xu hướng muốn ra thành phố. Ông Bình lo ngại cuộc sống thiếu tiện nghi sẽ khiến lớp trẻ bỏ rừng.

"Giờ có nguy cơ thiếu thế hệ thứ ba giữ rừng. Năm mười năm sau, tôi nghĩ việc giữ rừng sẽ rất khó khăn", ông lo lắng.

Hơn 6 năm nữa, ông Tùng sẽ tới tuổi hưu. Ông đã tính giao lại hợp đồng khoán cho Duy Linh (20 tuổi), giống như mẹ đã giao rừng cho ông trước đó.

Từ nhỏ, cậu con trai út mắc hội chứng chậm phát triển trí tuệ, ảnh hưởng đến việc học, khó hòa nhập với bạn bè. Hết cấp một, ông Tùng đón con về lại rừng ở với ba mẹ. Từ đấy, thấy Linh dường như khoẻ hơn, ông nghĩ rằng con cũng giống mình, hợp sống với hơi rừng hơn hơi phố.

Ông từng bước truyền nghề cho con. Thỉnh thoảng, cậu cùng cha tham gia các chuyến tuần tra để làm quen với công việc, học thêm về rừng.

Phút ngẫu hứng của ông Tùng bên cây guitar, từng là vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi rừng.

Phút ngẫu hứng của ông Tùng bên cây guitar, từng là "vật bất ly thân" trong mỗi chuyến đi rừng.

Duy Linh - thế hệ thứ ba - trong căn phòng ngủ của gia đình, chờ cha đi tuần tra về.

Duy Linh - thế hệ thứ ba - trong căn phòng ngủ của gia đình, chờ cha đi tuần tra về.

Buổi chiều rảnh, ông Tùng thường lấy cây đàn cũ, chỉ còn 5 dây, chơi theo quán tính một điệu cải lương không tên. Cây đàn nhắc ông về thời trẻ, về những đêm văn nghệ, trăng soi sáng rừng.

Mỗi lần nghe tiếng đàn của cha, Duy Linh lại dừng mọi việc, lắng nghe như nuốt từng giai điệu. Dạo gần đây, cậu đã bắt đầu xin cha chỉ học đàn, nhưng vẫn chưa thể gảy được một điệu nhạc hoàn chỉnh. Cả hai cha con đều không giỏi nói. Ngoài chuyện về rừng, âm nhạc là cách họ giao tiếp, bầu bạn.

Nhìn Duy Linh, ông Tùng thấy thời trẻ của mình hiện lên ở một hình hài mới, như mầm đước đang đâm chồi sau mưa.

"Sau này cha mẹ về hưu, bây ráng giữ cái nghề truyền thống của nhà mình, đừng để thui chột", ông Tùng tâm sự với Linh về mong ước của mình, tin rằng khu rừng sẽ bao bọc con như đã bảo vệ ông cả cuộc đời.

Ông Tùng trong chuyến tuần tra rừng tại khu 6B, tháng 7/2024.

Ông Tùng trong chuyến tuần tra rừng tại khu 6B, tháng 7/2024.

Nội dung và Ảnh: Phùng Tiên

Video flycam: Thành Nguyễn

Thiết kế: Đăng Hiếu - Thanh Hạ