Sau hai ca học, sinh viên ở đây có 30 phút nghỉ ăn trưa, từ 13h - 13h30. Những ca học mới nối tiếp ngay sau đó và tất cả kết thúc vào 15h30. Nhân viên trường có cùng khung nghỉ trưa như chúng tôi và sẽ làm việc đến 16h. Tan giờ học, giờ làm, đa phần chúng tôi đều đi tập gym hoặc đi bơi sau đó ngồi lại thư viện đến 9-10h tối mới về nhà và nghỉ ngơi thực sự.
Hồi mới sang, đang quen với nhịp sinh học ở Việt Nam nên tôi rất ngạc nhiên khi người Anh lại bắt đầu giờ học và làm muộn như vậy. Thầy giáo tôi giải thích rằng để bắt đầu làm việc từ 9h sáng, có lẽ chúng ta phải thức dậy từ 7h kịp ăn sáng và di chuyển đến trường. Não người thường làm việc hiệu quả nếu có một giấc ngủ đủ khoảng 8h/ ngày. Khung thời gian não tập trung cao độ nhất cũng nằm trong khoảng từ 8h sáng đến 3h chiều, sau đó mức độ tập trung giảm dần và nếu có cố gắng thì hiệu quả cũng sẽ không được cao. Chưa kể đến việc não cũng cần nghỉ ngơi, cân bằng các hoạt động thư giãn, vận động thì mới tái tạo được khả năng tập trung sau đó.
Trở lại Việt Nam, tôi gần như phải thích ứng lại với nhịp sống quê nhà. Thay vì thức dậy từ 7h sáng, tôi thường đánh thức con dậy từ 6h sáng để kịp đến trường lúc 7h30. Tôi cũng như lũ trẻ không bao giờ kịp ăn sáng ở nhà. Con tôi ăn ở trường còn tôi thường phải "cấu véo" khoảng 30 phút làm việc để nạp năng lượng mỗi sáng. Mỗi khi tan sở, tôi mất cả giờ đồng hồ để đưa con, về đến nhà khoảng 6-6h30 chiều. Thời gian di chuyển căng thẳng vì khói bụi ô nhiễm, cộng với công việc gia đình khiến tôi rất mệt mỏi.
Vì vậy, khi Hà Nội đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm, tôi rất quan tâm, dù từng một lần thất vọng. Đây không phải là lần đầu Hà Nội có đề xuất này. Năm 2012, 10 quận ở Thủ đô đã tiến hành thay đổi thí điểm để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Các trường học bắt đầu từ 7h sáng, trường mầm non từ 8h; các cơ quan công sở làm việc từ 8h còn trung tâm thương mại dịch vụ mở cửa từ 9h. Sự thay đổi đó, như tôi thấy, gần như không mảy may tác động tích cực gì đến giao thông. Đường sá vẫn ùn tắc và người dân cuối cùng vẫn trở về với vòng quay sinh học khắc nghiệt như trước. Bởi tôi cho rằng, những tồn tại của giao thông phải được giải quyết bằng các vấn đề giao thông căn cốt: như là hạ tầng, ý thức người dân, như là tăng tính hiệu quả của giao thông công cộng. Không thể ngây thơ hy vọng rằng chỉ cần vặn lệch nhịp sinh hoạt của người dân là chúng ta có thể giải quyết được cả một vấn nạn ùn tắc đã tồn tại suốt hàng chục năm qua.
Nhưng việc thay đổi khung giờ học, giờ làm vẫn là điều cần tính đến. Thói quen lao động từ sáng sớm có lẽ bắt rễ sâu từ đặc điểm của một nền kinh tế nông nghiệp, khi việc đồng áng của người dân phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Người lao động có xu hướng dậy sớm, kết thúc công việc sớm để tránh nắng nóng. Rõ ràng, nhịp lao động này hoàn toàn không còn phù hợp với các đô thị lớn.
Một bất cập nữa của khung giờ làm ở Việt Nam là quy định về thời gian nghỉ trưa quá dài. Điều này làm nảy sinh thói quen ăn nhậu trưa của nhân viên các cơ quan công sở. Tôi gặp không ít: những bữa trưa thịnh soạn ở các nhà hàng kết thúc vào khoảng 3h chiều; những nhân viên công sở mặt đỏ gay lảo đảo trở về cơ quan khi đã quá giờ làm...
Rõ ràng, một khung thời gian hợp lý cần được suy nghĩ thấu đáo trước khi triển khai nhằm đảm bảo đầy đủ các yếu tố về an sinh xã hội hay hiệu suất lao động, cũng như đảm bảo yếu tố sức khoẻ cho người dân. Tôi đã rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng đến khung thời gian làm việc người ta cũng tính toán chi tiết tính tối ưu của não bộ, sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần để có một sức bền nhất định mà bản thân mỗi cá nhân có thể cống hiến cho sự nghiệp, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội bằng việc tối ưu hoá hiệu quả lao động.
Việc thay đổi giờ học, giờ làm nếu có phải xuất phát từ mong muốn nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng sống người dân chứ không chỉ là giải pháp "chữa cháy" cho một vấn đề giao thông.
Chu Thị Vân Anh