Khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức, vết thương đã được khâu, đau rát và vài người thân bên cạnh. Họ được một người phụ nữ gọi điện thông báo, cũng chính là người cứu tôi rồi đưa vào bệnh viện và đã gửi xe, tài sản của tôi tại công an phường. Tôi sau này đã nhiều lần cố gắng đi tìm lại ân nhân nhưng chưa được toại ý, nhưng có nghe nói, bác gái ấy làm nghề nhặt phế liệu.
Chắn chắc đây là một người tử tế, tôi tin như vậy. Tôi vẫn để vết sẹo trên mặt dù nhiều bạn bè góp ý nên đi "thẩm mỹ", nó có thể biến mất hoàn toàn. Tôi giữ đó như một lời nhắc nhở về bài học cách sống biết nghĩ cho người khác, mà bản thân là người đã được thụ hưởng điều đó từ một người xa lạ ngoài phố.
Lại một tình huống khác tôi được biết tại Đà Nẵng, hình ảnh một người đàn ông cầm búa đục phá mảng bê tông rơi vãi và bám dính trên nền đường để hạn chế tai nạn giao thông. Hành động của người này nhận rất nhiều lời khen của cộng đồng mạng. Người đàn ông là anh Mai Xuân Hùng người Quảng Nam.
Anh Hùng kể mình là thợ làm đá granite, trong lúc đi làm về từ đoạn cầu Đỏ hướng về ngã ba Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thì phát hiện ra cục bê tông rơi vãi, rồi bám chặt ở mặt đường. Lo lắng người đi đường có thể gặp tai nạn, giữa trưa nắng, anh ngồi đục và dọn sạch nó.
Hành động đẹp của anh làm tôi chợt nhớ tới tinh thần "Omoiyari"- một khái niệm có xuất xứ từ nước Nhật, để chỉ một thái độ sống hết sức đáng trân trọng: "Nghĩ cho người khác". Thực tế, như chúng ta đã thấy, người Nhật luôn có những hành động hết sức giản dị, đời thường và có nhiều thái độ sống tích cực. Nổi bật trong số đó, Omoiyari là một đức tính quý báu, mang nghĩa quan tâm, ân cần và tử tế với mọi người.
Trong tiếng Nhật, Omoiyari được ghép bởi hai từ là omou và yaru. Omou có nghĩa là suy nghĩ hoặc cảm nhận, được sử dụng trong nhiều tình huống, từ bày tỏ ý kiến đến nhớ nhung về những kỷ niệm đẹp. Còn yaru nghĩa là làm, cho đi hoặc đảm đương. Chính sự kết hợp này đã khiến Omoiyari trở thành một từ đại diện cho tinh thần đáng quý là nghĩ đến cảm xúc của người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để suy nghĩ và hành xử vị nhân, không vị kỷ.
Tinh thần "Omoiyari" của người Nhật được thể hiện rõ rệt trong ngay cả những chi tiết nhỏ nhất, từ sự khéo léo giữ một khoảng cách nhất định để người đối diện cảm thấy thoải mái khi xếp hàng, đến trong những cuộc đối thoại hằng ngày, người Nhật cũng tế nhị khi luôn tránh những chủ đề nhạy cảm như tuổi tác, vóc dáng, thu nhập hay hôn nhân của đối phương. Sự sâu sắc và tinh tế này đã cho tôi một cái nhìn thật sự thiện cảm khi sau này có dịp trao đổi công việc với những đối tác người Nhật.
Hay trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, lần đầu tiên tôi đi tàu cao tốc Shinkansen. Được biết đến là một tác phẩm công nghệ trứ danh của Nhật Bản, nhưng điều làm tôi chú ý khi lên tàu lại là dãy ghế ngồi được xếp thành hai dãy ba ghế và hai ghế, riêng chiếc ghế ở giữa trong hàng ba ghế rộng hơn các ghế khác.
Khi về tới khách sạn tôi gửi email hỏi công ty vận hành Shinkansen, thật ngạc nhiên, họ đã gửi câu trả lời sau vài phút. Trong đó giải đáp rằng chiếc ghế ở giữa rộng hơn hai ghế bên cạnh nhằm mang lại cho người ngồi giữa sự thoải mái hơn, không có cảm giác bị hai người ngồi kế bên kẹp chặt. Và điều này được tính toán kỹ lưỡng ngay trong thiết kế ban đầu, họ gọi đó là Omoiyari.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, phải chăng những thiết kế tinh tế, luôn quan tâm đến cảm giác của người sử dụng trên tinh thần Omoiyari này đã khởi nguồn cho sự thành công vượt bậc của người Nhật. Họ chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất nhưng lại đem đến sự hài lòng lớn, để rồi những dân tộc khác phải nhìn và ngưỡng mộ.
Chúng ta dường như vẫn dễ dãi tặc lưỡi bỏ qua những điều nhỏ, lấn đường một chút, đi sớm đèn đỏ vài giây hay chen lấn không xếp hàng... Những điều tưởng như nhỏ nhặt, không nghĩ cho người khác là chiếc phanh kìm hãm nhiều điều tử tế đáng lẽ phải thường xuyên hiện hữu.
Đơn cử như vào mỗi mùa thu hoạch, nhiều vùng nông thôn xảy ra câu chuyện phơi lúa, ngô dưới lòng đường của người nông dân vào mùa màng đã được nhắc đến rất nhiều. Thậm chí, người dân còn sáng tạo ra những bàn chông bằng đinh sắt để ra phía ngoài, ngăn không để người đi đường chèn qua lúa ngô. Những tấm đinh sắt đó đã là một niềm ám ảnh với nhiều người.
Có những cá nhân vì lợi ích của bản thân để hành động, nhưng cũng có những anh Hùng, bác gái nhặt phế liệu không hề đắn đo khi dành thời gian của mình để giúp đỡ những người không quen.
Trong xã hội hiện nay cũng còn rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác nhưng đôi khi lại không hành động vì cho rằng dễ bị vạ lây. Tuy nhiên, có lẽ để bắt đầu thay đổi để cuộc sống và xã hội tốt đẹp hơn thì không bao giờ là muộn màng. Đơn giản, là bắt đầu biết nghĩ cho người khác.
Hoàng Minh Trí