Tự truyện ra mắt tháng 4, gồm 18 chương, tái hiện chi tiết từng giai đoạn cuộc đời tác giả, từ lúc một tuổi đến tuổi thất thập cổ lai hy. Những trang viết còn tái hiện lại một phần giai đoạn chiến tranh tác động lên cuộc sống nhiều người.
Phần mào đầu, Lưu Đình Triều trả lời câu hỏi ông tự đặt ra: Đời có và không yêu tôi. "Dù đời lúc này, lúc khác, yêu hoặc không yêu, chính tôi phải làm chủ đường đi lối rẽ của mình", ông viết.
Thay vì kể chuyện theo cấu trúc từ quá khứ đến hiện tại, tác giả chọn mở màn chương một - 21 năm mới được gọi tiếng ba. Tháng 4/1975, chiến sự căng thẳng, Quân Giải phóng tiến về miền Nam, nhóm bạn Lưu Đình Triều - vốn là lính hoặc làm cho cơ quan công quyền - rủ nhau di tản khỏi Biên Hòa. Dù lòng dạ ngổn ngang, Lưu Đình Triều từ chối đi cùng bạn, một phần không thể bỏ lại bà ngoại và chị gái, phần khác mong chờ đoàn viên cha mẹ - nhà cách mạng tập kết ra Bắc từ 1954.
"Quân Giải phóng về, chưa biết số phận tôi - một Thiếu úy Việt Nam Cộng hòa - sẽ ra sao, nhưng tôi quyết ở lại với hy vọng được gặp và biết mặt ba má sau 21 năm xa cách, dù phải trả giá nào chăng nữa", sách có đoạn. Ông cùng chị gái Lưu Hà chưa từng gặp cha mẹ, thậm chí phải giấu sự tồn tại của họ vì sợ bị Ty Cảnh sát bắt.
Tháng 5/1975, chị em ông Lưu Đình Triều lần đầu gặp cha - ông Lưu Quý Kỳ. Nhà báo Lưu Quý Kỳ từng là thư ký tòa soạn nhiều báo lớn đương thời, giữ loạt chức vụ quan trọng, trước khi làm Giám đốc Sở Báo chí Trung ương kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam và Vụ trưởng Vụ báo chí tuyên huấn Trung ương.
Những dòng tự truyện gây xúc động khi mô tả cảnh người cha dáng cao gầy khắc khổ đứng chờ dưới gốc cây khế, đầu đội nón cối, mặc áo tetoron ba túi. Ba cha con ôm chầm, nghẹn ngào mừng tủi. Ngoại vừa chạy vào nhà, chưa kịp tháo nón lá, đã ôm con, khóc nức nở rồi nói: "Tại má sung sướng quá. Chín ơi, 21 năm qua, giấy tờ của hai đứa con mày ghi là cha chết, mẹ chết. Giờ mày về đây coi như đã sống lại, hai đứa không còn là trẻ mồ côi".
Qua máy ghi âm nhỏ của ba, ông Lưu Đình Triều lần đầu nghe giọng mẹ, biết mình còn hai em gái Lưu Thu Hà, Lưu Tuyết Hà và hiểu ý nghĩa tên mình. 27/7/1953 - ngày con trai chào đời, ông Quý Kỳ nghe tin hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vừa ký Hiệp định Đình chiến, lập tức gọi con là Đình Triều - tức đình chiến Triều Tiên.
Đến chương hai Thằng Tây lai mồ côi, mít ướt, tác giả kể cuộc chia ly để đời của gia đình khi ông một tuổi. Sau Hiệp định Genève 1954, nhiều cán bộ Khu 9 được lệnh tập kết ra Bắc, di chuyển bằng tàu, có thể đưa người thân theo. Cha mẹ ông thuộc diện cần ra gấp nhận nhiệm vụ mới, phải đi nhanh bằng máy bay, không thể dắt con nhỏ. Bà ngoại từ Biên Hòa tức tốc xuống Cà Mau đón hai cháu về nuôi. Tuy nhiên, phi cơ đón đoàn đi Hà Nội bị bốc cháy khi hạ cánh ở Sóc Trăng, vợ chồng ông Quý Kỳ phải chuyển sang đi tàu.
Số phận an bài, chị em ông Triều ở lại miền Nam cùng bà ngoại. Từ hôm ấy, đời cậu bé Triều có hai mẹ. Người phụ nữ ngoài 50 - từng đơn thân nuôi con - nay lại gánh gồng, chạy chợ nuôi cháu. Dẫu vất vả, bà chưa từng than thở, vuốt phẳng từng đồng bạc cho cháu mua đỡ vài quyển sách kèm lời hứa: "Từ từ, ngoại bán hàng có tiền sẽ mua đủ tập cho hai đứa".
Qua các chương Chiếc thẻ bài đè lên trang sách, Vào đời lần hai cùng chiến dịch X1, X2, tác giả viết về cuộc đời ông ở trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đi cải tạo, rồi được bạn cũ bảo lãnh xóa quản chế - bước ngoặt đưa cuộc đời ông sang trang mới.
Các chương tiếp theo xoay quanh chủ đề Tập tành làm phóng viên, Khúc dạo đầu dưới mái nhà Tuổi Trẻ, Vai mới - Tổng thư ký tòa soạn, Đoàn tụ phần hồn tái hiện chặng đường Lưu Đình Triều gắn bó báo Tuổi Trẻ. Bạn đọc hiểu thêm nhiều hoạt động sau mặt báo mà chỉ người trong cuộc mới biết. "Nhìn lại số phận gập ghềnh của mình, tôi vẫn thấy hạnh phúc vì cuối cùng cũng vào con đường làm báo như ba. Nói một cách văn chương, tôi đã đoàn tụ phần hồn với ông", tác giả cho biết.
Ở chương cuối Chưa là lời kết, Lưu Đình Triều viết về cuộc sống riêng, tự nhận bản thân có số phận long đong. Ông có con gái Hà Vy cùng vợ đầu. Cuộc hôn nhân thứ hai, ông đón Hà Châu và con út Triều Nam. Về hưu cứ tưởng an phận bên vợ con, nhưng biến cố ập đến, ông lại sống đơn thân. "Đôi lần tôi đùa với bạn bè cuộc sống của mình tựa thuở nhỏ. Có khác chăng trước là trẻ mồ côi, giờ là già neo đơn", sách có đoạn.
Tác giả mượn câu hát trong Bài không tên số 5 của Vũ Thành An để an ủi chính mình: "Hãy cố vươn vai mà đứng/ Tô son lên môi lạnh lùng/ Hãy cố yêu người mà sống/ Lâu rồi đời mình cũng qua". Tự truyện dừng lại vào ngày 27/7/2023 - đúng sinh nhật lần 70 của ông.
Lưu Đình Triều làm phóng viên báo Tuổi Trẻ từ tháng 6/1984. 30 năm công tác, ông kinh qua nhiều vị trí, trong đó có Tổng thư ký tòa soạn, Chủ tịch Công Đoàn hay Thư ký chi hội nhà báo. Nhờ hoạt ngôn, vui tính, ông thành công với vai trò dẫn chương trình, khuấy động hoạt động, sự kiện của báo tại nhiều địa phương. Ông là tác giả cuốn Bật một que diêm (2009), Tổ quốc không có nơi xa (2011), Tung tăng tung tẩy... trời Tây (2021).
Vỹ Cầm