Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) hôm 6/10 thông báo Triều Tiên triển khai 8 chiến đấu cơ và 4 oanh tạc cơ "dàn đội hình bay về phía bắc ranh giới trên không giữa hai miền và tiến hành các cuộc tập trận không đối đất". Quân đội Hàn Quốc đã phải cho 30 tiêm kích cất cánh để ứng phó.
Hai ngày sau, không quân Triều Tiên tiến hành đợt tập trận hiệp đồng đường không với sự góp mặt của 150 máy bay các loại. Hình ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy hàng loạt tiêm kích chủ lực của Bình Nhưỡng như MiG-29, MiG-23, MiG-21 và MiG-19, cùng cường kích Su-25 tham gia tập trận.
Đây được coi là cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng thấy của không quân Triều Tiên, huy động gần 20% lực lượng chiến đấu cơ trong biên chế của nước này.
Đến đêm 13/10, khoảng 10 chiến đấu cơ Triều Tiên xuất hiện cách Đường phân giới Quân sự khoảng 25 km về phía bắc và cách Đường giới hạn phía Bắc, biên giới thực tế giữa hai miền ở Hoàng Hải, khoảng 12 km. JSC đã triển khai hàng loạt tiêm kích, trong đó có chiến đấu cơ tàng hình F-35A, để giám sát hoạt động của máy bay quân sự Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng đây là những động thái dằn mặt của không quân Triều Tiên sau khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, những đợt phô diễn lực lượng như vậy cũng cho thấy một trong những vấn đề với không quân Triều Tiên, khi sở hữu lượng tiêm kích đông đảo nhưng lạc hậu.
Không quân Triều Tiên từng được hiện đại hóa mạnh mẽ vào thập niên 1980 nhờ quan hệ thân thiết với Liên Xô, cho phép nước này mua hàng loạt tiêm kích MiG-23 và MiG-29. Tuy nhiên, nỗ lực duy trì sức mạnh chiến đấu cơ của Triều Tiên đình trệ vào thập niên 1990 khi Liên Xô tan rã, sau đó gần như bị chấm dứt hoàn toàn do các lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Loại máy bay hiện đại nhất trong biên chế không quân Triều Tiên là tiêm kích MiG-29. Nước này sở hữu mẫu MiG-29B và MiG-29UB cơ bản, cùng ít nhất 3 chiếc MiG-29S nâng cấp. Máy bay của Triều Tiên được trang bị vũ khí chính là tên lửa tầm trung R-27R và tầm ngắn R-60MK, thay vì R-73 hiện đại hơn như các tiêm kích MiG-29 nước ngoài.
Số lượng tiêm kích MiG-29 của Triều Tiên vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia phương Tây cho rằng nước này đang biên chế khoảng 16-35 chiếc MiG-29. Bình Nhưỡng từng lắp ráp một số máy bay theo giấy phép từ Nga trong thập niên 1990.
Triều Tiên còn sở hữu loại tiêm kích tương đối hiện đại là MiG-23ML với số lượng khoảng 60 chiếc. Phiên bản này được trang bị radar trinh sát mạnh, kháng nhiễu tốt và mang được tên lửa R-24 cải tiến. Dù đã cũ kỹ, MiG-21 vẫn là một trong ba loại tiêm kích chủ lực được Bình Nhưỡng tin dùng với ít nhất 26 chiếc do Liên Xô cung cấp, cùng khoảng 120 chiếc J-7 do Trung Quốc chế tạo dựa trên mẫu MiG-21.
Trong nhiệm vụ tấn công yểm trợ mặt đất, Triều Tiên sử dụng cường kích Su-25K. Đây là quốc gia châu Á đầu tiên mua loại máy bay này từ Liên Xô trong giai đoạn 1987-1989.
Bình Nhưỡng đang vận hành 45 cường kích Su-25K và phiên bản huấn luyện Su-25UBK, mang được nhiều loại vũ khí như bom FAB-500, rocket cỡ nòng từ 57 đến 330 mm, cũng như vũ khí thông minh, sử dụng đầu dò laser hay quang truyền hình như bom KAB-500, tên lửa Kh-25L và Kh-29.
Triều Tiên được cho là còn sở hữu 80 oanh tạc cơ hạng trung H-5 do Trung Quốc chế tạo, là phiên bản sao chép từ dòng Il-28 Liên Xô. Hiện không rõ nước này còn bao nhiêu chiếc H-5 đủ khả năng vận hành.
Không quân Triều Tiên cũng biên chế hơn 200 tiêm kích F-5 và J-6 được Trung Quốc sao chép từ dòng MiG-17, MiG-19 Liên Xô, đều là những máy bay ra đời từ thập niên 1950 và quá lạc hậu.
"Lực lượng này có khả năng thực hiện các đòn không kích hạn chế, trong thời gian ngắn hoặc tấn công bất ngờ. Chiến đấu cơ bố trí khắp đất nước cho phép Triều Tiên không kích cơ quan chỉ huy và kiểm soát, cơ sở phòng không và hạ tầng công nghiệp của đối phương mà không cần bố trí lại lực lượng hoặc di chuyển vị trí máy bay", Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết trong báo cáo hồi năm 2020.
Dù vậy, IISS cho rằng không quân Triều Tiên vẫn quá yếu kém so với đối thủ. Hàn Quốc đang sở hữu gần 270 tiêm kích hiện đại gồm F-15K, KF-16 và F-35A, cùng hàng loạt chiến đấu cơ F-4 và F-5E đời cũ hơn, trong khi Mỹ cũng triển khai nhiều đơn vị tiêm kích tại Đông Á và sẵn sàng phản ứng khi xảy ra chiến sự.
Điều này buộc Triều Tiên tiến hành nhiều biện pháp phi đối xứng nhằm bảo đảm khả năng chiến đấu. Bình Nhưỡng trong những năm qua đã triển khai nhiều loại vũ khí tự phát triển có khả năng tập kích phá hủy những tiêm kích như F-35A ngay tại căn cứ và vô hiệu hóa sân bay đối phương, thay vì đối đầu với chúng trong không chiến.
Bình Nhưỡng từng thử nghiệm phóng tên lửa diệt hạm P-15 từ oanh tạc cơ Il-28 hồi năm 2008 và 2011, nhưng không rõ dự án này có được áp dụng vào thực tiễn hay không. Tên lửa hành trình diệt hạm Kumsong-3 xuất hiện hồi năm 2017 với hình dáng giống dòng Kh-35 Nga cũng có thể được trang bị cho chiến đấu cơ, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên theo đuổi phương án này.
Những loại chiến đấu cơ như MiG-29, MiG-23, MiG-21 và Su-25 cũng được Triều Tiên sơn màu xám nhẹ. Đây chỉ là thay đổi mang tính hình thức, nhưng cũng phản ánh nỗ lực hiện đại hóa lực lượng của Triều Tiên, bởi màu sơn xám thường xuất hiện trên tiêm kích phương Tây và Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã tìm cách sở hữu và phát triển năng lực máy bay không người lái (UAV), nhưng mức độ thành công còn hạn chế. Ít nhất 4 UAV bay từ phía Triều Tiên đã rơi xuống lãnh thổ Hàn Quốc từ năm 2014, trong đó lần cuối chúng xuất hiện là tháng 6/2017.
"Không quân Triều Tiên không phải đối thủ với Hàn Quốc hay Mỹ trong những cuộc đối đầu trực diện. Tuy nhiên, đó vẫn là lực lượng không thể phớt lờ khi nổ ra xung đột, riêng điều này là đủ để Bình Nhưỡng duy trì sức mạnh cho không quân. Dù vậy, họ sẽ cần đầu tư nhiều hơn nếu muốn xây dựng thêm lợi thế trong tác chiến đường không", báo cáo của IISS có đoạn.
Vũ Anh (Theo Diplomat)