Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS), lực lượng đóng vai trò trung tâm trong việc ngăn chặn các nhà điều tra bắt Tổng thống Yoon Suk-yeol, đang trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc.
PSS, dưới sự chỉ huy của Giám đốc Park Chong-jun, đã lập thành "bức tường người" ngăn các nhà điều tra thực hiện lệnh bắt ông Yoon hôm 3/1, dẫn đến cuộc đối đầu kéo dài 6 tiếng tại dinh thự của ông. Tình hình căng thẳng đến mức đảng Dân chủ (DP) đối lập cáo buộc ông Park đã cho phép các cận vệ của PSS "được quyền nổ súng" nếu các điều tra viên tìm cách vượt qua hàng rào an ninh của họ.
Ông Park đã bác bỏ thông tin này, cho hay ông chưa ra lệnh hay xem xét quyết định như vậy, nhưng cũng nhấn mạnh họ sẽ kiên quyết thực hiện nhiệm vụ tối cao là "đảm bảo an ninh cho Tổng thống".
PSS và các binh sĩ Lữ đoàn An ninh số 55 thuộc Bộ tư lệnh Phòng vệ Thủ đô là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ông Yoon. Lữ đoàn 55 là đơn vị phụ trách an ninh vòng ngoài của dinh thự Tổng thống, thuộc quyền chỉ huy của PSS theo Đạo luật An ninh Tổng thống, không chịu sự điều động từ quân đội.
Sau khi lệnh bắt Tổng thống Yoon được tòa án phê chuẩn với cáo buộc nổi loạn sau lệnh thiết quân luật của ông hồi đầu tháng trước, số phận pháp lý của ông đang là chủ đề gây xung đột giữa nhiều cơ quan hành pháp với lực lượng bảo vệ ông, trong đó Giám đốc PSS Park giữ nhiệm vụ then chốt.
Được bổ nhiệm vào tháng 9, Park đã ngăn chặn các nhà điều tra thực hiện lệnh khám xét văn phòng cũng như nơi ở của Tổng thống với lý do an ninh quốc gia.
"PSS tồn tại chỉ vì mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mục tiêu an ninh", Park tuyên bố trong một thông điệp trên trang web của cơ quan này, thêm rằng nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống phải được giữ vững "mọi lúc" mà không có bất kỳ kẽ hở nào.
Đây là lý lẽ ông sử dụng để bác bỏ mọi nỗ lực bắt Tổng thống Yoon vào cuối tuần trước, nhấn mạnh các nhà điều tra đã vượt quá ranh giới của luật an ninh và làm bị thương một số nhân viên an ninh.
Những người chỉ trích lo ngại rằng PSS đang được trao quá nhiều quyền lực và họ đang vượt quá giới hạn của mình.
"Cơ quan An ninh Tổng thống là một tổ chức nguy hiểm với quyền lực có thể vượt ngoài tầm kiểm soát", Han Seung-whoon, giáo sư luật hành chính cảnh sát tại Đại học Dongshin, nhận xét. "Vì chỉ có Tổng thống mới có quyền ra lệnh cho họ, nên PSS có thể lạm quyền và trở thành quân đội riêng của Tổng thống".
Được thành lập vào năm 1963, PSS là cơ quan tương đương với Sở Mật vụ Mỹ, có nhiệm vụ đảm bảo an toàn và an ninh cho tổng thống, dinh thự của tổng thống Hàn Quốc cùng các nhân sự và cơ sở quan trọng khác. Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm người chỉ huy cao nhất của PSS và cơ quan này được coi là một phần của Văn phòng Tổng thống.
PSS sở hữu lực lượng tinh nhuệ nhờ tuyển đặc vụ từ các cơ quan cảnh sát, quân đội và tình báo, vốn được đào tạo bài bản. Nhiệm vụ của cơ quan này gồm bảo vệ, đánh giá rủi ro và kiểm soát các cuộc khủng hoảng liên quan đến những mối đe dọa đối với tổng thống hoặc an ninh nhà nước.
PSS cũng giám sát quy trình trong các sự kiện lễ tân nhà nước và các hoạt động quan trọng của quốc gia. Họ thường phối hợp với quân đội và cảnh sát để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Giám đốc PSS đầu tiên của Tổng thống Yoon là bạn học Kim Yong-hyun, người sau này trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc. Kim hiện bị truy tố về tội nổi loạn, bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong việc đề xuất và chuẩn bị cho lệnh thiết quân luật.
Trong thời gian điều hành PSS, Kim được cho là đã giao cho Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô, nơi ông từng giữ chức tư lệnh, nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ khu vực xung quanh Văn phòng Tổng thống.
Cựu đại tá quân đội Kim Ki-ho, giảng viên tại Đại học Cơ đốc giáo Seoul, cho hay Bộ tư lệnh Phòng vệ Thủ đô là một đơn vị có chức năng tương tự Lực lượng Vệ binh Hoàng gia Anh. Những người lính này có "chuỗi chỉ huy chặt chẽ" và phải tuân lệnh từ PSS, thay vì tuân thủ lệnh bắt Tổng thống Yoon mà các cảnh sát và điều tra viên đưa ra.
"Nếu được yêu cầu bảo vệ Tổng thống, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ", Kim Ki-ho nhấn mạnh.
Văn phòng Điều tra Tham nhũng với Quan chức Cấp cao (CIO), cho biết họ phải từ bỏ nỗ lực thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon hôm 3/1 vì lo ngại cho an toàn của nhân viên, sau các cuộc đụng độ căng thẳng với PSS.
CIO cho hay lực lượng an ninh Tổng thống và quân đội dưới quyền kiểm soát của ông đông hơn số nhân viên thực hiện lệnh bắt. Có lúc, đội bảo vệ Tổng thống Yoon đã liên kết thành một bức tường với khoảng 200 người để chặn lối vào, trong khi xe buýt và xe quân sự được dùng làm vật cản.
Cảnh sát sau đó thông báo họ sẽ điều tra Park vì tội cản trở công lý, yêu cầu ông trình diện tòa án. Park từ chối thực hiện yêu cầu, nói rằng ông không thể rời công việc dù chỉ một phút vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay.
Những người chỉ trích PSS gọi cơ quan này là tàn tích từ thời các lãnh đạo độc tài của Hàn Quốc trước những năm 1980. Vào thời kỳ đỉnh cao quyền lực của chính quyền quân sự của tổng thống Park Chung-hee những năm 1970, PSS sở hữu quyền lực rất lớn trong chính trường Hàn Quốc.
Sức mạnh của PSS thậm chí còn là một yếu tố trong cuộc đấu đá quyền lực nội bộ lên đến đỉnh điểm khi ông Park bị giám đốc tình báo ám sát vào năm 1979.
Sau vụ luận tội tổng thống Park Geun-hye vào năm 2016, các nghị sĩ Hàn Quốc gọi lực lượng này là "đứa con tinh thần của chế độ quân sự độc tài" và đã đề xuất một số biện pháp để chuyển giao nó cho cơ quan cảnh sát phụ trách. Họ cũng tìm cách thu hẹp quyền lực của người đứng đầu PSS, nhưng nỗ lực cải cách dường như đã bị đình trệ.
Park Chong-jun, một cựu quan chức cảnh sát cấp cao, được Tổng thống Yoon bổ nhiệm làm Giám đốc PSS từ tháng 9 năm ngoái. Chánh văn phòng Tổng thống Yoon khi đó ca ngợi rằng Park sẽ giúp xây dựng "một hệ thống an ninh tiên tiến".
Ông tốt nghiệp thủ khoa tại Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và trở thành phó giám đốc cơ quan cảnh sát quốc gia vào năm 2011. Năm 2012, ông đã giúp bà Park Geun-hye giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, sau đó trở thành phó giám đốc PSS cho đến năm 2015.
Theo Mason Richey, phó giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, PSS có thể đã hành động vì lòng trung thành với Tổng thống Yoon hoặc "hiểu sai về vai trò pháp lý và hiến định của họ".
Một số chuyên gia tin rằng các nhân viên an ninh đã thể hiện "lòng trung thành vô điều kiện" với cá nhân ông Yoon, chứ không phải với vị trí Tổng thống Hàn Quốc.
"Rất có thể Tổng thống Yoon đã đưa những người trung thành tuyệt đối vào PSS để chuẩn bị cho tình huống này", luật sư kiêm chuyên gia về Hàn Quốc tại Mỹ Christopher Jumin Lee nhận định.
Lee cho rằng giải pháp "đơn giản nhất" để xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay là quyền Tổng thống Choi Sang-mok ra lệnh cho PSS tạm ngừng hoạt động, tạo điều kiện cho cảnh sát và điều tra viên bắt ông Yoon.
"Nếu ông ấy không muốn làm như vậy, đó có thể là lý do để quốc hội luận tội ông ấy", Lee nói thêm.
Tình huống bế tắc chính trị hiện nay cũng phản ánh mức độ phân cực trên chính trường Hàn Quốc giữa những người ủng hộ Tổng thống Yoon cũng như quyết định áp đặt thiết quân luật của ông với những người phản đối. Và khác biệt không nhất thiết chỉ dừng lại ở đây.
Duyeon Kim, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho hay phần lớn người dân Hàn Quốc đều đồng ý rằng tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon vào ngày 3/12 là sai lầm và ông cần phải chịu trách nhiệm, nhưng họ không thể thống nhất về việc ông sẽ bị xử lý thế nào.
"Các bên liên quan không đồng tình về quy trình, thủ tục và cơ sở pháp lý của họ, điều này làm gia tăng thêm tình trạng bất ổn chính trị hiện nay", bà giải thích.
Bất ổn đó cũng đang tạo ra những căng thẳng như sự việc diễn ra hôm 3/1 bên trong và bên ngoài dinh thự của Tổng thống Yoon, nơi những người ủng hộ đã cắm trại suốt nhiều ngày để bảo vệ ông.
Lực lượng thực thi pháp luật có thể quay lại với nhiều đặc vụ hơn và sử dụng vũ lực để thực thi lệnh bắt, nhưng điều đó sẽ "cực kỳ nguy hiểm", phó giáo sư Mason lưu ý. PSS cũng được trang bị vũ khí hiện đại, vì thế các sĩ quan thực hiện lệnh bắt Tổng thống Yoon sẽ phải tìm cách tránh mọi động thái leo thang.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu cảnh sát xuất hiện với lệnh bắt mới, yêu cầu bắt nhân viên PSS, rồi PSS phớt lờ các lệnh đó và súng bắt đầu được giương lên", Lee đặt vấn đề.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, BBC)