Người gửi: Tuan Dang
Nhận xét của anh Trần Phong cũng giống như bao người khác về sự thiếu nhất quán trong cách đọc trên truyền thanh/ truyền hình ngày nay. Đúng là các phát thanh viên có vẻ thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước giờ phát sóng. Tôi biết có những người nước ngoài khi phải đọc tên người Việt trong buổi họp chẳng hạn, họ đều cố gắng tìm hiểu xem chữ đó đọc ra sao và ghi chú cẩn thận ra giấy để đọc cho đúng. Các báo đài hình như cũng chẳng quan tâm đến hệ ngôn ngữ nào nên áp dụng nên có vẻ như mạnh ai nấy sáng tác theo cách riêng của mình.
Tuy vậy cá nhân tôi cũng không đồng ý với suy nghĩ của anh Phong là sử dụng những cách đọc theo chữ cái tiếng Anh là sính ngoại. Tôi cũng là người Việt, cũng thấy tự hào về ngôn ngữ của mình nhưng nhiều lúc cũng cảm thấy khó chịu với những cách "Việt hóa" 100% trên báo đài. Nếu ngài Tổng thống Mỹ George Bush mà nghe phát thanh viên một đài truyền hình đọc tên mình là "Giọt Bu-shờ" thì chắc rằng ông sẽ té xỉu mất.
Một số báo đài còn sợ bà con không biết tiếng Anh không đọc được tên tiếng Anh nên nhiệt tình phiên âm ra tiếng Việt chẳng theo hệ thống nào. Cho dù phiên âm thế nào thì đó cũng là từ gốc Latin, làm sao chuyển sang tiếng Việt tương ứng cho được? Những quốc gia không dùng hệ thống chữ cái Latin khi thông tin ra nước ngoài người ta cũng đã phiên âm ra chữ cái Latin, tại sao mình lại phải chuyển thêm một lần nữa cho rắc rối thêm lên. Có những cái tên cả thế giới người ta đều dùng như vậy, nhưng chỉ riêng VN các báo đài đã có 4-5 kiểu phiên âm khác nhau. Thậm chí nhiều lúc tôi có cảm giác nếu kêu họ phiên âm lại lần nữa thì sẽ lại tạo ra một cái tên khác nữa. Nói ra chắc anh sẽ cho rằng tôi "sính ngoại", nhưng có lúc đọc báo tôi phải tra ngược từ "tiếng việt phiên âm" sang nguyên mẫu của nó mới biết họ đang nói về ông A hay bà B nào đó.
Anh Phong cảm thấy khó chịu khi nghe gọi ATM là "ây ti em" , vậy muốn "Việt hóa" 100% theo anh thì sẽ phải đọc là gì? "a tê em" hay là "a tờ mờ" ? Ngay cả tiếng Việt cũng thiếu sự nhất quán thì tại sao không đọc "ây ti em" như cả thế giới đều gọi như thế? Suy cho cùng đó đều là chữ viết tắt từ tiếng Anh thì mình "sính ngoại" một chút để người ta hiểu thì có gì là sai? Hay như NGO thì phải đọc thế nào nhỉ? "en nờ giê ô" ? Không ổn rồi, "ô" là lai căng, là sính ngoại mất rồi? Chắc phải đọc là "en nờ gờ o" tròn vo cái miệng lại mới đúng!
"Tiếng Việt đã có quy định cách phát âm các chữ cái rất rõ ràng". Có thật như vậy không? ABC thì tiếng Anh chỉ đọc là "ây bi xi", cho dù là ở Anh, Úc, Canada, hay Mỹ đều đọc một kiểu. Riêng VN thì người đọc "a bê xê" kẻ đọc "a bờ cờ" không ai giống ai cả. Nói ra anh không tin chứ có lần tôi đánh vần một cái tên thuốc cho người bạn qua điện thoại, mỏi cả mồm người bạn cũng chẳng viết được, thế là cuối cùng tôi phải lôi nguyên cái "sở thú" ra làm ví dụ theo kiểu B của con beo, M của con mèo. Chính vì tính thiếu nhất quán của cách đánh vần, phát âm nên mới có câu chuyện vui: Một tối bạn tôi dạy con tập đánh vần, hôm sau cháu đi học về phụng phịu nói: "Con đã dốt mà mẹ còn dốt hơn cả con nữa, mẹ dạy con đánh vần trật lất hết".
Yêu nước, yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là điều tốt nhưng có nên cực đoan đến mức làm cho nó méo mó không còn theo hình dạng nào như vậy không. Trong khi chờ đợi một hệ thống phát âm hoàn chỉnh, thiết nghĩ sử dụng một từ nào thông dụng, nhiều người hiểu đều là việc tốt, cho dù đó là từ gốc Việt hay Latin. Tôi thà sử dụng "ây ti em" để ai cũng hiểu tôi muốn nói đến cái máy rút tiền còn hơn "yêu nước" đọc là "a tờ em mờ" mà người ta chẳng hiểu tôi nói cái chi chi.
Nhân tiện việc đề nghị "Việt hóa" của anh Phong, cũng xin đưa ra một ví dụ có thật để anh xem cảm tưởng của mình ra sao về tiếng Việt theo kiểu "Việt hoá như vậy. Nếu ai đã từng có dịp gia hạn hộ chiếu ở Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Sydney - Australia sẽ thấy hộ chiếu của mình được cấp tại "TLSQ VIỆT NAM TẠI XÍT-NÂY" và trên con dấu đỏ chót là dòng chữ "TỔNG LÃNH SỰ QUÁN C.H.X.H.C.N. VIỆT NAM TẠI XÍT-NI - ÔXTƠRÂYLIA". Ngay cả cơ quan ngoại giao còn không biết gọi Sydney là Xit-nây hay Xít-ni thì việc có 2-3 cách đọc ATM âu cũng là điều dễ hiểu. Không hiểu cảm tưởng của anh Phong thế nào chứ còn tôi thì thật sự sốc khi lần đầu nhìn thấy "ÔXTƠRÂYLIA" thay vì Australia hay gọi tiếng Việt là nước Úc hoặc Úc Đại Lợi.