Trên một diễn đàn nước ngoài, một người chia sẻ rằng khi đang sử dụng máy chơi game trong tàu điện ngầm thì bị một người khác hỏi: "Tại sao anh không đọc sách?".
Anh chàng chia sẻ thêm: "Chắc họ không biết nghề của tôi là review sách toàn thời gian".
Còn hai câu chuyện liên quan đến thói quen đọc sách mà tôi thấy, gây tranh luận trên mạng trong thời gian gần đây đó là:
Thứ nhất, một người chụp bức ảnh ở sân bay (có lẽ là Tân Sơn Nhất, TP HCM) với hai cảnh đối lập: hai đứa trẻ người nước ngoài đi du lịch với gia đình, trong thời gian chờ lên máy bay thì cắm cúi đọc sách. Còn những đứa trẻ người Việt thì cũng cắm cúi, nhưng nhìn vào màn hình điện thoại. Người đăng bức ảnh đề cao cách dạy con (đọc sách) của người nước ngoài.
Nhiều người bên dưới chia làm hai phe. Tôi thấy có một số bình luận như: tại vì điện thoại của hai đứa trẻ người nước ngoài hết pin, nên mới xem sách; đưa điện thoại cho trẻ là cách giữ chúng im lặng ở nơi công cộng (như sân bay).
Câu chuyện thứ hai: Một người đăng ảnh cô gái ngồi sau tài xế xe ôm công nghệ vẫn cầm sách đọc. Đa số đều cho rằng cô đang làm màu.
Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách một năm và điều đáng tiếc nhất đó chính là trong số 4 cuốn sách được đọc thì có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn còn lại là thể loại sách khác. Vì thế hành động lấy sách ra đọc trên xe buýt, ở nhà chờ tại sân bay là khá hiếm hoi. Còn hành động đọc sách trên xe ôm thì bị đẩy lên mức "làm màu".
Tôi cũng vài lần bị gắn mác "làm màu", "ra vẻ"... ngay cả khi đọc sách ở quán cà phê. Vì những người đọc sách hiếm và khác biệt với đám đông còn lại đang chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại.
Tôi thì không đánh giá cô gái có đang làm màu hay không, nhưng chỉ có góp ý là: nên đọc sách ở một không gian yên tĩnh, thoải mái để có thể tập trung nghiền ngẫm và tiếp thu hơn.
*Quan điểm của bạn thế nào?
Trần Khánh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.