Sáng 22/9, hàng trăm độc giả TP HCM, đa phần là giới trẻ đã đến tham dự buổi giao lưu ra mắt cuốn Đừng chết ở châu Phi, phần hai Xách ba lô lên và đi của tác giả Huyền Chip. Nhiều bạn trẻ không nề hà mưa gió với mong muốn gặp gỡ cô gái 9x đang gây nên những tranh cãi liên tiếp về chuyến hành trình qua 25 nước của mình.
Nhà báo Minh Đức, người tổ chức buổi ra mắt hai cuốn tự truyện trong loạt sách của Huyền Chip chia sẻ, anh hy vọng, đây sẽ là lúc kết thúc cho những nghi vấn xoay quanh chuyến "phượt" đặc biệt của Huyền Chip. "Tranh cãi nảy lửa về những điểm khả nghi trong cuốn sách của Huyền cũng chỉ đơn giản là sự chênh lệch giữa những người có những trải nghiệm khác nhau", anh nói.
Hàng loạt thắc mắc “nóng” của độc giả được Huyền Chip lý giải khá cặn kẽ. Về chuyện xin visa - vốn là nguyên nhân chính gây nên các cuộc tranh cãi, Huyền cho biết, sở dĩ cô không ghi chi tiết cách xin visa trong sách vì cô cho rằng sách của mình vốn là một cuốn nhật ký ghi lại hành trình, chứ không phải guidebook (sách hướng dẫn). Nữ tác giả sinh năm 1990 nhấn mạnh, xin visa phụ thuộc nhiều vào năng lực và đặc biệt là tính kiên trì - trong trường hợp của cô.
Huyền Chip cũng chia sẻ, cách đây không lâu, nhiều tin đồn dấy lên về việc cô xóa blog cũ vì sợ nhiều người sẽ truy lại sự thật từ những bài viết trước đây của cô. Huyền giải thích, blog cũ của cô vốn mượn host từ một người bạn. Sau khi host mất, blog cũng bị thất lạc. Tuy nhiên, gần đây, một số người đã tìm lại các bài viết trước từ bộ nhớ cache, từ đó giúp cô tìm lại những thông tin xác thực cho những chi tiết cô viết trong sách.
Huyền Chip nói thêm, trong khuôn khổ giới hạn của cuốn sách, Huyền không thể trình bày tất cả những gì mình đã trải nghiệm - bao gồm việc xin làm thêm. Không như nhiều người lầm tưởng, việc cô làm thêm cũng khá khó khăn, không chỉ đơn giản và dễ dàng như những gì Huyền viết ra. Tuy nhiên, những công việc đó đa phần chỉ là việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn, không có những đòi hỏi quá cao.
Huyền thừa nhận, học ngôn ngữ bản địa là một vấn đề khó khăn, tuy không đến mức “đáng sợ”. Huyền tiết lộ, cô thường học những từ cơ bản khi đi qua mỗi nước, và dùng ngôn ngữ cử chỉ để diễn đạt điều mình muốn. Khi một độc giả “thách thức” Huyền đọc những từ cho trước theo tiếng các nước châu Phi, Huyền thẳng thắn thừa nhận, việc lâu ngày không sử dụng khiến ngôn ngữ bị rơi rụng ít nhiều, và ở mỗi nước Huyền đi qua, cô chỉ lưu lại thời gian ngắn.
Những tranh cãi "nóng” từ độc giả về các điểm nghi vấn trong cuốn sách cũng lần lượt được đưa ra trong phần giao lưu. Khi một khán giả nam yêu cầu Huyền Chip chiếu lại bằng chứng về visa, các dấu xuất nhập cảnh, Huyền từ chối thẳng thừng.
Huyền cho biết, nếu tâm lý của một số bạn đọc không muốn tin, thì dù cô có nói và làm gì đi nữa họ sẽ không tin, hoặc cho rằng bằng chứng của cô là photoshop.
So với họp báo tại Hà Nội ngày 19/9, buổi giao lưu này diễn ra khá ấm cúng và gần gũi do đa phần người tới dự đều là các bạn trẻ ủng hộ Huyền Chip. Huyền tâm sự, trước buổi họp báo, cô đã lo sợ và chán nản, không muốn đưa ra bằng chứng vì cô quan niệm cuộc sống là của mình. Tuy nhiên, Huyền cho rằng, độc giả vẫn có quyền tự do ngôn luận. Với những người công kích mình, cô vẫn sẵn sàng đối diện và khẳng định, những ồn ào trước ngày ra mắt sách không phải là chủ đích PR. Theo cô, việc đó không cần thiết vì cuốn sách đã có tiếng vang nhất định.
Huyền Chip cũng cho biết trước sự tranh cãi ồ ạt về cuốn sách thứ hai trong loạt Xách ba lô lên và đi, cô phân vân không biết có nên viết tiếp cuốn thứ ba. Theo dự định, phần ba, viết về chuyến thăm Nam Mỹ của Huyền Chip, sẽ ra mắt khoảng một năm sau.
Mai Nhật