Huyền Chip nổi tiếng khi đi du lịch bụi ở tuổi 20 với số tiền ít ỏi trong tay. Những buồn vui, khó khăn, trải nghiệm dọc đường đã được cô viết thành sách trong series "Xách ba lô lên và đi". Tập 1 cuốn sách "Châu Á là nhà, đừng khóc!" đã phát hành và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Tập 2 mang tên "Đừng chết ở châu Phi" kể về những trải nghiệm của Huyền Chip ở lục địa đen. Cuốn sách thú vị này sẽ được phát hành song song bản sách giấy và sách điện tử vào ngày 19/9.
- Tại sao chị chọn tiêu đề "Đừng chết ở châu Phi"?
- Ở châu Phi, bạn đồng hành của tôi đã bỏ cuộc, khiến tôi cảm thấy vô cùng trống trải. Thêm vào đó, sức khoẻ của tôi ngày một yếu. Ăn không đủ chất, ngộ độc thực phẩm, căng thẳng liên tục khiến tôi cứ thỉnh thoảng lại bị ngất xỉu. Một lần khi đi ngoài đường, tôi bị cắt vào cổ tay, nghĩ tới tình trạng HIV hoành hành tại đây, tôi lo sợ: "Tại sao tay tôi lại bị cắt? Nó là vô tình hay cố ý? Vết tay kia là của ai? Liệu người đó có bị HIV không?".
Một lần khác, tôi bị móc túi lấy mất điện thoại trong chợ, khi tôi chạy theo hô hào theo thói quen là có cướp, chẳng ai buồn để ý... Lúc đó tôi nghĩ châu Phi đang ăn mòn tôi, hút cạn sinh khí tôi, phá huỷ tôi từng tí từng tí một. Ngày nào cũng có chuyện gì đó xảy ra. Mỗi lần bước chân ra khỏi nhà tôi có cảm giác như ra trận vậy: "Một mình mình đối mặt với cả thế giới". Tôi tính thoái lui, sang Nam Mỹ, về Việt Nam, nhưng xem lại trong túi thì không còn đủ tiền để mua một nửa tấm vé đi Nam Mỹ. Tôi bị mắc kẹt ở châu Phi. Lựa chọn duy nhất của tôi là đấu tranh và sinh tồn, như những con người nơi đây vẫn làm hàng thế kỷ nay.
- Với chị, châu Á vẫn là nhà, vậy châu Phi là gì?
- Châu Phi với tôi là một châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Chưa bao giờ tôi thấy yếu đuối như ở châu Phi: Cô đơn về mặt tinh thần, suy sụp về mặt thể chất, bị đói, bị bỏ rơi, ám ảnh căn bệnh thế kỷ. Chưa bao giờ tôi thấy đơn độc như vậy, có khi bị 6 thanh niên cầm dao dí vào cổ cướp mà xung quanh không ai giơ một ngón tay lên giúp. Chưa bao giờ tôi thấy tức giận đến thế! Những hủ tục trọng nam khinh nữ, quan niệm cho rằng người nước ngoài nào cũng là túi tiền di động.
Cũng chưa bao giờ tôi thấy muốn đấm vào mặt ai nhiều đến chừng này, khi người ta cứ khăng khăng bảo tôi là người Trung Quốc, khi đám đàn ông hỏi tôi giá bao nhiêu để cưới tôi làm vợ. Nhưng cũng chưa bao giờ trái tim tôi rung động mạnh như khi những anh chàng mặc áo rách nửa lưng rón rén xin được chạm vào tóc tôi vì lần đầu tiên được thấy tóc dài; những cô bé không nói được tiếng Anh, ú ớ chỉ vào đôi dép rách tôi đang đi, rồi không ngần ngại ngồi bệt xuống đất giúp tôi khâu lại; những người dân làng gầy gò, ăn chẳng có mà ăn nhưng khi thấy tôi ăn lạc sống đã hốt hoảng chạy về nhà tìm có gì ăn được mang hết ra cho tôi. Con người châu Phi đơn giản và hoang dã, nhưng trái tim họ to và ấm.
- Đi qua châu Phi, những kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất?
- Ở đó tôi có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc. Nhưng có lẽ nhớ nhất là khi tôi đang bước đi trên bờ hồ Malawi, một đám trẻ em tự nhiên vây lấy mình, rồi một chị bế một em bé còn đỏ hỏn đến trước mặt. Chị không nói được tiếng Anh, chỉ nhìn tôi rất bẽn lẽn, rồi một anh đến phiên dịch nói rằng chị ấy muốn tôi đặt tên cho con.
Tôi rất ngạc nhiên, bởi như ở Việt Nam chỉ có bố mẹ, ông bà hay những người quan trọng trong gia đình mới được đặt tên cho con nhỏ, tôi là gì mà được đặt tên. Tôi đã hỏi chị như thế, và chị trả lời rằng vì chị muốn một người có cuộc sống tốt hơn đặt tên cho em, để sau này em lớn lên có cuộc sống tốt hơn cuộc sống của chị ấy. Thực sự tôi đã nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi đi lang bạt như thế, ăn bờ ngủ bụi, đã nghĩ rằng mình khổ, nhưng vẫn còn bao nhiêu người nghĩ rằng cuộc sống như của tôi là đáng mơ ước? Mình may mắn hơn người ta rất nhiều.
Huyền Chip với các bé mồ côi ở Negat Children's Home. Ảnh: H.C. |
- Các quốc gia châu Phi phần lớn đang phát triển. Cảm nhận của chị về văn hóa, giáo dục, xã hội… ở đó có gì khác với một đất nước cũng đang phát triển như Việt Nam?
- Về văn hoá, xã hội thì chắc chắn là ở châu Phi sẽ khác với một nước châu Á, Việt Nam như mình rồi. Đây là một châu lục khác hoàn toàn. Ví như, chuyện cưới xin ở đấy cũng khác. Rất nhiều bộ tộc ở châu Phi khi cưới thì gia đình nhà trai phải trả tiền hồi môn cho nhà gái, và của hồi môn càng cao thì cô gái đó càng có giá. Khi sang đấy, tôi đã rất bực mình khi nhiều người hỏi nếu họ muốn lấy con gái Việt Nam thì họ phải trả giá bao nhiêu. Tôi nói là không phải trả gì thì họ ồ lên thích thú: "Thế hoá ra vợ ở Việt Nam là miễn phí à?".
Về giáo dục, tôi khá ấn tượng với nền giáo dục của châu Phi. Ở nhiều nước, người dân nói tiếng Anh rất tốt. Ngay cả ở Malawi nghèo hơn Việt Nam rất nhiều, lại còn đang bị khủng hoảng kinh tế là thế, vậy mà khi tôi sang đấy rất ít khi gặp rào cản ngôn ngữ. Học sinh bên đó từ lớp 5 đã phải học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nên họ dậy ngôn ngữ này từ nhỏ rất tốt.
Chip va gia đình Mwega. Ảnh: H.C. |
- Trong tập 1, sách của chị được viết với giọng chân chất, giản dị. Vậy đến tập 2 này, cuốn sách có thay đổi về kỹ thuật viết?
- Nó là nhật ký hành trình mà, nên tôi không muốn nó trau chuốt hoa mỹ quá, mà cứ để nó tự nhiên như đang kể chuyện thôi. Thực ra có muốn nó hoa mỹ cũng không được, tôi viết chỉ được có thế.
- Chân dung của nhân vật chính trong "Đừng chết ở châu Phi" như thế nào?
- Hy vọng vẫn là một Huyền Chip bướng bỉnh và liều lĩnh. Câu chuyện trong cuốn sách phát triển cùng với sự phát triển của bản thân tôi trong suốt chuyến đi. Ngay trong tập 1, nhiều bạn đọc đã bảo rằng Huyền Chip ở đầu sách và cuối sách là khác hẳn nhau, thì chắc chắn sang tập 2 sự thay đổi này sẽ rõ rệt hơn rất nhiều. Chip ở châu Phi đã già dặn hơn, biết nhiều "mánh" của dân đi bụi hơn, liều lĩnh hơn và dễ nổi cáu hơn. Châu Phi cũng là một châu lục hoàn toàn khác, và khi ta đặt bản thân vào một môi trường khác, tính cách tôi cũng sẽ được bộc lộ ra theo một hướng khác.
- Tập 1 đã trở thành một cuốn sách ăn khách, khi phát hành tập 2 song song với bản điện tử, chị có kỳ vọng nó sẽ trở thành một "best-seller" của thị trường sách điện tử?
- Thị trường sách điện tử ở Việt Nam còn quá nhỏ để danh hiệu best-seller thực sự có ý nghĩa. Lý do tôi chọn ra mắt sách điện tử cùng lúc với sách giấy là vì muốn ủng hộ phát triển thị trường sách điện tử ở Việt Nam. Tôi thích sách điện tử: vừa gọn, vừa tiện, vừa rẻ, lại tiết kiệm giấy bảo vệ môi trường.
- Tập 1 được xuất bản với mong muốn truyền cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ, vậy chị muốn gửi thông điệp gì trong tập 2 này?
- "Đừng chết ở châu Phi" là tập tiếp theo của quyển 1, nên tôi hy vọng nó sẽ vẫn giữ được thông điệp đó. Thêm vào đó, tôi cũng hy vọng tập 2 có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về châu Phi. Châu Phi là một châu lục bị "hiểu nhầm". Ngay cả bản thân tôi trước khi đến đây vẫn nghĩ rằng người châu Phi da đen là do cháy nắng, và tóc họ xoăn là do dùng sai dầu gội. Nhiều người hay hỏi tôi những câu như: "Xin visa sang châu Phi như thế nào" hay "Thủ đô châu Phi là ở đâu?", cứ như thể châu Phi là một quốc gia vậy.
Hiền Đỗ thực hiện