Bán tôm tại Bắc Kinh (Trung Quốc). |
Đây là 2 nền kinh tế phi thị trường duy nhất trong vụ kiện chống bán phá giá tôm tại Mỹ.
Hôm 3/5 vừa qua, DOC đã yêu cầu các bên liên quan cho ý kiến về kế hoạch thay đổi chính sách thuế suất riêng của mình. Từ lâu, DOC đã có chính sách coi tất cả các công ty đến từ nền kinh tế phi thị trường đều phụ thuộc vào sự kiểm soát của chính phủ, vì vậy phải bị áp đặt một mức thuế chung toàn quốc duy nhất (country-wide rate). Trong trường hợp công ty bị đơn có khả năng chứng minh được rằng không có sự kiểm soát của chính phủ đối với các hoạt động xuất khẩu của họ, DOC sẽ đưa ra một mức thuế tính toán riêng (seperate rate) cho công ty bị đơn. Đối với các công ty không thuộc diện điều tra hoặc không bị xem xét sẽ phải chịu các mức thuế trung bình của các công ty đã được phân tích đánh giá đầy đủ.
Từ đó đến nay, có tất cả 23 bản kiến nghị của các bên liên quan gửi tới DOC, trong đó đa số đều yêu cầu giữ nguyên chính sách thuế suất như hiện nay. Tuy nhiên, trong thông báo hôm 20/9, DOC một lần nữa lại đưa ra các phương án thay đổi chính sách và việc áp dụng các mức thuế riêng biệt. DOC cũng đang dự thảo các phương án lựa chọn để đưa ra công chúng lấy ý kiến xem thay đổi này có phù hợp với luật pháp không và có giải quyết được các vấn đề bất cập phát sinh từ việc tính toán các mức thuế riêng biệt không. Hạn cuối cùng cho các bên liên quan phản hồi ý kiến là vào 15/10 tới.
Lý giải cho quyết định của mình, DOC cho biết, thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp đến từ nền kinh tế phi thị trường nộp đơn yêu cầu được hưởng thuế suất riêng biệt và vì vậy, khối lượng công việc phải xem xét cũng lớn lên gấp bội. Theo DOC, điều đáng ngại là hồ sơ, dữ liệu mà một số bị đơn cung cấp chưa đầy đủ thông tin, buộc DOC phải gửi thêm nhiều câu hỏi phụ và tăng thêm gánh nặng về các công việc hành chính.
Dù đây vẫn trong giai đoạn lấy ý kiến công chúng, DOC cho biết, tất cả các thay đổi liên quan đến chính sách đối xử với các bị đơn hưởng mức thuế suất riêng (bị đơn tự nguyện mục A) thuộc nền kinh tế phi thị trường sẽ được áp dụng ngay từ đầu năm tới. Giới quan sát bình luận, đòn pháp này của DOC cho thấy người Mỹ sẽ áp dụng quan điểm hành pháp mới đối với các nước thuộc thế giới thứ 3, đó là "chỉ vô tội khi đã được chứng minh".
Còn giới luật sư thì lo ngại, nếu DOC thay đổi quan điểm của mình, doanh nghiệp bị đơn đến từ nền kinh tế phi thị trường sẽ khó có cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi trong các vụ kiện chống bán phá giá. Đây cũng là một thiệt hại vô cùng nặng nề, bởi nếu không được xem xét hưởng thuế suất riêng, doanh nghiệp không có cơ hội chứng minh cho lẽ phải của mình, và DOC sẽ dựa hoàn toàn vào tài liệu mà nguyên đơn cung cấp.
Kết thúc cuộc điều tra chống bán phá giá tôm tại Trung Quốc mới đây, DOC bắt đầu nghi ngờ về mối quan hệ giữa các nhà sản xuất Trung Quốc với những nhà buôn bán ở nước thứ 3. Chính vì vậy, DOC đang cân nhắc biện pháp đối xử với các nhà sản xuất thuộc nền kinh tế phi thị trường xuất khẩu hàng sang nước thứ 3 để trốn thuế khi tái xuất sang Mỹ. Nếu có bằng chứng cụ thể, những lô hàng này sẽ không được phép cập cảng Mỹ.
Trong một vụ kiện bán phá giá tại Mỹ, bảng questionares sẽ gồm 4 nhóm câu hỏi: A, B, C và D. Nhưng nếu bị đơn là nước có nền kinh tế phi thị trường, bảng này chỉ gồm 3 nhóm: A, C và D (không có các câu hỏi nhóm B). Cụ thể:
- Nhóm A: Nếu là nền kinh tế thị trường, các câu hỏi nhóm này sẽ tập trung vào quan hệ của doanh nghiệp bị đơn với đối tác Mỹ. Ngược lại, nếu xác định là nền kinh tế phi thị trường, các câu hỏi sẽ xoáy vào quan hệ của doanh nghiệp đó với Chính phủ của mình. - Nhóm B (chỉ dành cho trường hợp có nền kinh tế thị trường): Các câu hỏi sẽ xoáy vào tình hình bán hàng của doanh nghiệp tại thị trường nội địa cũng như lượng hàng xuất sang một nước thứ 3 (không phải Mỹ). - Nhóm C: Nội dung của các câu hỏi nhóm này giống nhau đối với cả hai trường hợp, tập trung hỏi về sản lượng của doanh nghiệp, doanh số xuất sang Mỹ, cách ký kết hợp đồng xuất khẩu, thời gian giao hàng... - Nhóm D: Theo các chuyên gia, đây là phần câu hỏi quan trọng nhất của DOC, nhằm điều tra về cơ cấu chi phí sản xuất. Mỹ rất tin vào yếu tố giá nguyên liệu trong cơ cấu giá thành, vì vậy các câu hỏi nhóm D dành cho trường hợp có nền kinh tế thị trường sẽ xoáy sâu vào vấn đề này. Tuy nhiên, nếu là nền kinh tế phi thị trường, các câu hỏi sẽ tập trung vào khối lượng nguyên liệu cung cấp cho quá trình sản xuất, chế biến (vì họ nghi ngờ có yếu tố bao cấp của Chính phủ). |
Song Linh