Ngư dân Trung Quốc ồ ạt bán tôm. |
Trang tin hàng đầu về thuỷ sản thế giới Seafood.com không khẳng định chắc chắn thông tin trên mà chỉ nói "phải tới thứ 5, mọi người mới có thể biết chính xác quyết định sơ bộ của DOC đối với Brazil, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan".
Báo chí Thái Lan cũng loan tin tương tự. Các tờ Phuchatkan, Krungthep Thurakit còn công bố hẳn quyết định mới nhất của DOC về việc lùi thời hạn ra phán quyết sơ bộ về mức thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu từ Thái Lan.
Trong lúc này, Thái Lan đang làm hết sức có thể để mong tránh được thuế chống bán phá giá. Đích thân Bộ trưởng Thương mại Watana Muangsook tuần trước đã phải viện cả lịch sử quan hệ chính trị tốt đẹp giữa 2 bên nhằm vào mục đích này. "Chúng ta đã sát cánh bên nhau nhiều năm như những người bạn tốt. Chúng tôi mong muốn chính phủ Mỹ cũng đối xử với chúng tôi như những người bạn tốt khi cân nhắc vụ kiện chống bán phá giá", ông Muangsook ám chỉ đến những lần gửi quân cùng Mỹ tham gia các cuộc chiến tranh.
Theo ông Muangsook, nếu Washington vẫn kiên quyết bảo vệ ngành sản xuất nội địa, thì người Thái sẽ vô cùng thất vọng về quan hệ ngoại giao thân mật đã gây dựng bấy lâu nay.
Mỹ hiện là bạn hàng lớn nhất của ngành tôm Thái Lan, tiêu thụ khoảng 54,7% sản lượng xuất khẩu. Do ảnh hưởng của vụ kiện, tôm xuất khẩu của Thái Lan năm nay có nguy cơ sụt giảm 4% về kim ngạch, xuống còn 1,7 tỷ USD. Năm ngoái, Thái Lan đã xuất sang Mỹ 234.098 tấn tôm đông lạnh, trị giá 1,8 tỷ USD.
Trong khi đó, thị trường tôm tại Việt Nam và Trung Quốc đang biến động theo chiều ngược nhau. Nếu như tại Việt Nam, giá vẫn tăng cao, các doanh nghiệp không muốn bán hàng đi thì tại Trung Quốc giá đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nửa cân tôm ở Bắc Kinh hiện rẻ hơn khoảng 10 tệ (1,2 USD) so với trước khi có phán quyết. Ngư dân các địa phương đua nhau bán tống bán tháo tôm vì lo ngại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi vụ kiện.
Song Linh