Theo ông Phúc Thành, chi phí rẻ chính là nguyên nhân tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có giá thấp. |
- Thưa ông, AVH có xuất khẩu nhiều tôm vào Mỹ?
- Chúng tôi dự kiến năm nay xuất khoảng 3.000 tấn tôm sang Mỹ - thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới và chiếm 2/3 tổng lượng tôm xuất khẩu của AHV. Tuy nhiên, trước diễn biến vụ kiện tôm, chúng tôi cho rằng sự lựa chọn khởi kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) là hợp lý, nhất là khi AHV không hề bán phá giá tôm từ Việt Nam đi bất cứ nơi nào trên thế giới.
- Dựa vào đâu ông khẳng định không bán phá giá tôm vào Mỹ?
- Thứ nhất, AHV có một quy trình nuôi trồng và sản xuất tôm khép kín tại tỉnh Phú Yên: từ chế biến thức ăn đến tôm giống, rồi sản xuất, đóng gói. Đồng thời, chi phí điện, nước, lao động tại Việt Nam khá rẻ, dẫn tới giá thành sản phẩm tôm thấp. Do vậy, việc Mỹ kiện các doanh nghiệp Việt Nam nói chung bán phá giá tôm là không công bằng khi chúng tôi không hề được nhận bất kỳ hỗ trợ nào của Chính phủ Việt Nam và cũng chẳng có lý do gì để bán phá giá.
- Mục đích của việc AHV kiện DOC là gì?
- Hiện nay, có 2 loại doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào Mỹ là công ty có vốn nước ngoài; và công ty vốn trong nước. Với đối tượng đầu tiên chỉ có 3 công ty là AHV, ATI, và Duyên hải Bạc Liêu. Một khi DOC ra phán quyết Việt Nam bán phá giá tôm thì các doanh nghiệp trong nước là bị đơn bắt buộc (xuất khẩu nhiềm tôm vào Mỹ nhất) sẽ chịu thuế cao nhất, kế đến là các doanh nghiệp quốc nội khác, rồi các công ty nước ngoài. Trong khi đó, hiện tất cả các đơn vị đều được Mỹ miễn thuế.
Mục đích của việc AHV khởi kiện là đòi hỏi DOC tiếp tục miễn thuế, hoặc nếu họ kết luận doanh nghiệp Việt Nam nói chung bán phá giá thì cũng cho AVH hưởng một mức thuế tối thiểu.
- Ông sẽ tiến hành nó theo cách thức nào?
- Trước mắt, công ty mẹ của AHV tại Mỹ, trong đó có rất nhiều luật sư danh tiếng, sẽ thuê một hãng điều tra tư nhân độc lập đến Việt Nam trong 3 tuần đầu tháng 4 để nghiên cứu quy trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm của AHV. Sau đó, họ sẽ giúp AHV làm một bộ hồ sơ kháng kiện gửi lên DOC và Uỷ ban Hiệp thương quốc tế Mỹ (USITC). Đơn vị điều tra này còn thay mặt chúng tôi điều trần trước DOC khi có yêu cầu. Chi phí cho vụ kiện ước tính khoảng 200.000 USD.
- Vậy sao AHV không kết hợp với ATI để tiết kiệm chi phí?
- Quy mô hoạt động, địa lý (ATI ở miền Bắc, còn AHV ở miền Trung) cũng như sản phẩm xuất khẩu cụ thể của hai công ty khác nhau nên chúng tôi tiến hành các vụ kiện DOC độc lập. Tuy nhiên, một khi nhận được đề nghị về vấn đề này của bất kỳ doanh nghiệp nào xuất khẩu tôm vào Mỹ, AHV sẵn sàng hợp tác.
Lịch trình vụ kiện bán phá giá tôm tại Mỹ:
Nộp đơn kiện | 31/12/2003 |
Phiên điều trần đầu tiên | 20/1/2004 |
Quyết định sơ bộ của Uỷ ban Hiệp thương quốc tế Mỹ (USITC) | 17/2/2004 |
Quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ | 8/6/2004 |
DOC ra quyết định cuối cùng | 23/8/2004 |
USITC ra kết luận cuối cùng về vụ kiện | 7/10/2004 |
Ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá | 14/10/2004 |
Kim Minh thực hiện