Người gửi: Minh Viện
Tôi có cảm tưởng rất vui khi đọc được một loạt những bài viết rất tâm huyết về các vấn đề giáo dục. Không phải lúc nào tất cả những vấn đề đưa ra đều đúng, nhưng những ý kiến này rất đáng được quan tâm.
Tuy nhiên, tôi không biết mục đích đưa ra của những bài viết, những ý kiến này là gì, bởi vì cái quan trọng nhất là có mang lại sự thay đổi nào không. Khi nền giáo dục bị đánh giá là có vấn đề, cần một sự thay đổi, chúng ta đều muốn có một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực và muốn đưa ra những ý kiến của mình. Nhưng những ý kiến này có đến được với những người lãnh đạo và được quan tâm đúng mức chưa?
Tôi rất tán thành những bài viết này và đặc biệt có cảm xúc mạnh vì nhiều điều rất giống với bản thân tôi. Tôi hiện là sinh viên học chuyên ngành Toán-Tin ứng dụng. Thời còn học phổ thông, tôi là người học khá đều các môn và quan tâm đến khá nhiều lĩnh vực kể cả Văn học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học với niềm mong muốn tìm hiểu, chứ không phải vì lịch trình học.
Tôi không đầu tư nhiều thời gian và tâm tư vào Văn học, nhưng thời phổ thông các bài văn tôi đều tự nghĩ tự làm, chứ không hề học thuộc lòng, hay cóp nhặt từ sách tham khảo nào.
Tôi hiện đang học ở Nga. Song song với các môn học chuyên ngành, chúng tôi có được học môn tiếng Nga. Hai năm đầu ở trường là tiếng Nga đời sống, gồm có nghe nói đọc viết đúng ngữ pháp để phục vụ vấn đề giao tiếp hằng ngày. Còn hai năm sau, chúng tôi được học tiếng Nga chuyên ngành, với một thời lượng rất lớn dành cho phương pháp trình bày các văn bản khoa học như viết đơn từ, viết báo, viết thư...
Vì thế mà phong cách trình bày một văn bản khoa học đối với sinh viên chúng tôi cũng không có nhiều điều lạ lẫm. Tất cả đều có một khuôn mẫu khác nhau, phong cách viết khác nhau, người trình bày không thể thay đổi khuôn mẫu quy định vì nó là dạng chuẩn, nhưng có điểm chung là dùng ngôn ngữ khoa học chính xác, rõ ràng, không dây dưa, không đưa những từ cảm thán hay cảm xúc vào đó. Khuôn mẫu văn bản khoa học hằng năm có thể có những thay đổi từ phía Bộ Giáo dục.
Về vấn đề dạy văn của học sinh phổ thông, tôi mong có sự thay đổi trong cách ra đề để kích thích sự suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo, cũng như phong cách viết văn riêng của học sinh. Có lẽ, giáo viên đọc được những bài văn tự viết của học sinh sẽ thấy hứng thú hơn khi đọc những bài văn được cóp nhặt từ các bài văn mẫu, thường thì chỉ có một số kiểu đơn điệu năm này qua năm khác các em lấy ra dùng.
Ngoài ra, khi đưa ra những phân tích một tác phẩm văn học, chẳng hạn như “qua câu thơ (văn) này, qua đoạn thơ (văn) này tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta rằng ...", có nhiều điều mà tôi nghĩ khi sáng tác ra một tác phẩm như thế chính bản thân tác giả chưa chắc nghĩ đến điều đó. Bởi thế, có những bài làm văn dài tới mười mấy mặt giấy A4 chỉ để phân tích một tác phẩm văn học. Tôi tự hỏi điều đó liệu có đúng không?