Người gửi: Đặng Thanh Hằng
Tôi rời ghế nhà trường phổ thông được tròn một năm. Ba năm học THPT của tôi trải qua trong lớp chuyên Văn của một trường khá nổi tiếng ở TP HCM. Có thể gọi đây là nơi chuyên đào tạo thí sinh cho những kỳ thi học sinh giỏi của thành phố và quốc gia. Thế nhưng tôi chưa từng học môn Văn với những áp lực, căng thẳng, đơn giản vì tôi rất yêu thích môn học này.
Tôi học cấp II ở một "trường làng" chứ không phải ở những trường nổi tiếng của thành phố. Tôi học văn và viết văn theo cảm hứng của mình, có những bài được cô phê "sáng tạo" và đọc trước lớp, nhưng cũng có những bài chỉ được 5-6 điểm.
Tôi ý thức được điều đó là vì tôi không có cảm hứng và chỉ cố gò ép ra chữ cho xong. Tôi dành nhiều thời gian đọc tiểu thuyết kinh điển nhiều hơn là thời gian đọc sách tham khảo môn Văn. Nhưng qua những trang sách, tôi đã hình thành đam mê với môn Văn.
Tôi còn nhớ mãi năm lớp 7 viết bài tập làm văn phân tích bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu một cách xuất thần. Cô giáo không nêu đích danh nhưng trích đọc vài đoạn trong bài của tôi trước lớp và nói rằng: "Cô ngờ bài văn này như thế này không phải do chính bạn viết ra!"
Tôi buồn kinh khủng, tại sao cô lại ám chỉ tôi dùng sách tham khảo? Tôi tự mình viết nên bài văn đó, nhưng cô giáo tôi đã không công nhận sự xuất thần ấy mà nghĩ đó là sự sao chép. Nền giáo dục lệ thuộc vào sách tham khảo đã khiến cô giáo ngờ học trò mình là tên trộm!
Rất may là tôi không đánh mất lửa với môn văn và đã được thưởng xứng đáng. Tôi giành được giải á khoa trong kỳ thi văn thành phố và thi đỗ vào ngôi trường cấp ba danh tiếng. Nhưng từ đó, tôi rơi vào hoàn cảnh "phải" học chứ không còn "được" học như trước đây.
Trong lớp học văn ấy, tôi quen cô bạn ngày trước từng đứng trên tôi một bậc trong kỳ thi thành phố. Cô bạn thủ khoa ấy chẳng còn mặn mà gì với môn văn sau câu hỏi của người bạn khác: "Bộ điểm của Hương thấp lắm hay sao mà phải vào lớp chuyên văn?" Các bạn trong lớp chuyên của tôi chẳng biết sao mà cứ mặc cảm với thân phận môn xã hội bị khinh rẻ của trường.
Tôi nhanh chóng nổi bật và vượt lên các bạn mình không phải vì tôi giỏi hơn mà vì tôi không mang những nghi ngờ về niềm đam mê mà mình đã chọn, nên tôi luôn cố gắng hết sức mình. Ngay cả trong lớp chuyên văn, các bạn tôi cũng chỉ học văn cầm chừng, thậm chí còn có những bạn quay mặt rẻ rúng với môn học mình đã chọn.
Ngay trong năm, Hương làm đơn xin ra khỏi lớp chuyên, chấp nhận học dự bị. Hương không muốn vì văn mà mất thời gian với những môn học khác "quan trọng hơn". Thanh từng đại diện trường thi Olympic môn Văn lớp 10 đã quyết rẽ ngoặt sang con đường tự nhiên. Thanh thi tốt nghiệp môn văn chỉ có 6 điểm và hiện học trường Bách Khoa.
Còn riêng tôi vẫn bền lòng với môn văn và chưa bao giờ hối hận. Tôi nghĩ mình đã rất may mắn, vì niềm đam mê trong tôi đã không bị dập tắt bởi những quan niệm sai lạc về môn học này. Tôi nghĩ đã có nhiều những niềm đam mê dành cho môn xã hội đã bị dập tắt bởi thái độ của nền giáo dục hiện này.
Bạn có thể đóng góp ý kiến về việc nâng cao chất lượng dạy và học tại đây.