Ngày cuối cùng của kỳ Olympic vừa rồi, người Mỹ ngóng xem bảng tổng sắp huy chương. Khi đó, Mỹ vẫn còn kém Trung Quốc hai huy chương vàng. Đến hết ngày thi đấu cuối, Mỹ kiếm được thêm ba HCV, qua đó trèo lên hạng nhất trong bảng tổng xếp hạng, bao gồm cả nhiều huy chương nhất.
Ở một mặt khác, người Mỹ cũng quan tâm tới các đối thủ của họ, bao gồm Trung Quốc. Câu chuyện về Quan Hongchan, vận động viên nhảy cầu 14 tuổi đạt điểm tuyệt đối thu hút sự quan tâm của báo chí. Trong phần bình luận, BLV một đài Mỹ nói rằng Quan mong muốn đạt HCV để có tiền chữa bệnh cho mẹ.
Có nhiều người nói về lòng hiếu thảo của cô gái nhỏ bé mới 14 tuổi khi muốn có tiền chữa bệnh cho mẹ. Thay vào đó người Mỹ thấy một gánh nặng khi đứa con vị thành niên gánh trên vai trách nhiệm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ của mình. Tôi không đồng tình với việc các vận động viên phải lìa gia đình từ lúc nhỏ để tập luyện. Có lẽ, để giúp các VĐV thêm nỗ lực, họ còn được choàng thêm vài cái trách nhiệm trên người, cho dù đó chỉ là đứa trẻ vị thành niên với một người mẹ ốm đau bệnh tật.
Những câu chuyện như vậy không phải hiếm trong công cuộc đầu tư thể thao. Tôi từng rùng mình khi nghe những câu chuyện như "Ánh Viên chỉ biết có mỗi bơi lội" hay là "Hoàng Xuân Vinh quanh năm thi đấu, ít có mặt ở nhà". Người ta nói đó là sự hy sinh. Thực tế, đó là điều khiến nhiều người không muốn chơi thể thao đỉnh cao. Quy trình đào tạo VĐV đỉnh cao khiến cho gia đình xa cách, VĐV giải nghệ không có việc làm khiến cho nhiều người nghĩ tới những câu "nghiệp thể thao bạc lắm".
>> Đâu là môn mũi nhọn của thể thao Việt?
Cách đầu tư thể thao hợp lý hơn là để thể thao trở thành một trò chơi của người dân. Bình luận viên bóng đá, cựu đội trưởng tuyển bóng đá nữ Mỹ, Julie Foudy có nói về nhận thức của người dân Trung Quốc với thể thao rằng: "Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc dần nhận ra rằng thể thao là một món quà của cuộc sống. Họ cho con cái đi đá bóng nhiều hơn nhưng không yêu cầu con phải thành công trong bóng đá. Vì vậy họ sẽ phát triển thêm nhiều."
Đó là cách mà các nước phát triển đầu tư thể thao. Trẻ em được tạo điều kiện chơi nhiều môn thể thao khác nhau và vẫn sống với cha mẹ tại nhà cho đến khi đủ tuổi. Christian Pulisic chẳng hạn, anh được các nhà tuyển trạch ở châu Âu nhòm ngó từ rất lâu nhưng vẫn ở với cha mẹ. Tới năm 16 tuổi, các nhà tuyển trạch đề nghị nhiều quá nên cha anh mới nghỉ làm, cùng đi với con qua Đức. Pulisic gia nhập Dortmund còn cha anh thuê căn hộ ở chung và chăm sóc con. 18 tuổi, Pulisic bay về Mỹ để tham gia một trận đá vòng loại World Cup, sau đó bay về quê nhà ở New Jersey để dự lễ hội prom dành cho thiếu niên năm cuối trung học, một truyền thống của người Mỹ, rồi mới trở lại Đức.
Ở các nước đang phát triển thì điều kiện tập luyện không nhiều nên việc đi nước ngoài tập huấn là cần thiết. Tuy vậy nếu thể thao được đưa vào học đường thì số tài năng được phát hiện cũng nhiều hơn và việc đầu tư cho từng VĐV của thể thao Việt Nam cũng ít sức ép hơn. Nhiều người càu nhàu chuyện Tiến Minh hay Xuân Vinh vẫn đi Olympic dù đã quá già. Nhưng từ đây nhận thấy thực tế thể thao Việt Nam chưa ai đạt chuẩn Olympic trong các môn đó, trừ các "tre già" thì cũng đành chịu.
Có lần tôi nhìn tấm hình chụp cái ao trước nhà Ánh Viên, nơi mà cô vẫn bơi lúc còn nhỏ, mà buồn cười. Tôi cũng lớn lên ở miền sông nước và cũng bơi ở một cái sông trước nhà. Các bạn bè tôi cũng vậy, chiều xuống đều kéo nhau ra sông đang con nước lớn để bơi. Cả miền Tây ngày đó ai không biết bơi thì e là không thọ, bởi nước ngập quanh năm. Nhưng làm sao để bao nhiêu trẻ em bơi trên sông được tiếp xúc với đường đua xanh thì lại là việc khác.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.