Tuần trước, đoạn video có sự xuất hiện của đồng sáng lập Alibaba Jack Ma đã xoa dịu đáng kể sự lo ngại về tương lai Alibaba sau các động thái siết kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tâm lý này không kéo dài lâu. Cổ phiếu của Alibaba đã giảm 16% kể từ khi Ant hủy IPO, khiến vốn hóa của hãng cũng bốc hơi 150 tỷ USD. Đây là mức giảm tệ nhất trong Hang Seng Index.
Dự báo của các nhà phân tích cho thấy doanh thu Alibaba quý cuối năm ngoái có thể chỉ tăng 33%, lên 215,4 tỷ nhân dân tệ (33 tỷ USD), một phần nhờ chương trình khuyến mãi Lễ Độc thân kéo dài. Tuy đây là con số kỷ lục, mức tăng lại thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015. Hãng này sẽ công bố báo cáo tài chính vào ngày 2/2 tới.
Alibaba đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 2 thập kỷ tồn tại. Bất ổn bắt đầu từ tháng 11/2020, khi Ant Group bị giới chức yêu cầu hoãn IPO được dự báo lớn nhất thế giới. Alibaba sau đó cũng bị điều tra với cáo buộc độc quyền.
Đại gia thương mại điện tử từng là chuẩn mực cho sự tăng trưởng của công ty tư nhân và bùng nổ hệ sinh thái Internet tại Trung Quốc. Nhưng giờ, họ đối mặt với khoản phạt lên tới 10% doanh thu, tương đương khoảng 7,8 tỷ USD, nếu bị xác định là lạm dụng vị thế thống trị trên thị trường.
Lãnh đạo Alibaba cũng phải chuẩn bị cho khả năng Ant Group bị siết hoạt động, ảnh hưởng đến triển vọng của Alibaba. Do Ant hiện cung cấp vay tiêu dùng cho khoảng nửa tỷ người mua sắm trên Alibaba. Bên cạnh đó, tiêu dùng tại Trung Quốc cũng hồi phục chậm do đại dịch.
"Mức độ mạnh tay của giới chức vẫn chưa rõ ràng. Các hoạt động như độc quyền bán hàng sẽ không tồn tại được nữa. Định giá của Ant Group sẽ thấp hơn nhiều sau khi tái cấu trúc", Vey-Sern Ling - nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence cho biết, "Tôi không nhớ từng có sự kiện nào nghiêm trọng hơn thế này".
Việc giới chức Trung Quốc tập trung vào mảng thương mại điện tử - từ các hoạt động yêu cầu người bán chỉ được chọn một nền tảng cho đến cách định giá và các thuật toán ưu tiên người dùng mới - có thể khiến Alibaba khó chặn lại đà giảm tốc. Họ cũng phải đối phó với các đối thủ như JD.com hay Pinduoduo. Pinduoduo hiện đã có 730 triệu người dùng hoạt động hàng năm, gần bằng 757 triệu của Alibaba.
Theo Octahedron Capital Management, bất kỳ quyết định nào buộc Alibaba ngừng chính sách "chọn một nền tảng để bán" cũng có thể tác động đến 10% doanh thu của Tmall năm nay. Từ năm sau, doanh thu của Tmall có thể quay về mức tăng 18 - 20%. Hiện tại, gần 10% các thương hiệu bán chạy nhất ở đây là hàng độc quyền.
Những thay đổi trong quy định cho vay, áp dụng với Ant, cũng có thể gây thách thức với hoạt động thương mại điện của của Alibaba. Ant đã bị yêu cầu tái cấu trúc dịch vụ cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản.
CEO Alibaba Daniel Zhang cho biết công ty này không tính bao nhiêu doanh thu được hỗ trợ bởi khoản cho vay của Ant. Tuy nhiên, Ant cung cấp các khoản vay nhỏ, không bảo lãnh cho khoảng 500 triệu người qua các nền tảng Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend). Những khoản này được dùng một phần để mua hàng thời trang, mỹ phẩm trên Taobao và đặt du lịch trên Fliggy.
Việc siết kiểm soát hoạt động M&A cũng có thể khiến Alibaba khó thâu tóm các startup tiềm năng hoặc mua cổ phần lớn trong các công ty khác để giảm bớt cạnh tranh. Tháng trước, Alibaba bị phạt 500.000 nhân dân tệ vì không xin phép khi tăng cổ phần trong chuỗi trung tâm thương mại Intime Retail Group năm 2017.
Dù vậy, khi mảng thương mại điện tử gặp khó, Alibaba có thể trông chờ vào mảng điện toán đám mây. Hãng này hiện nắm hơn 40% thị phần dịch vụ đám mây tại Trung Quốc, hơn gấp đôi đối thủ gần nhất, theo hãng nghiên cứu Canalys. Alibaba dự định mở rộng mảng này khi Trung Quốc tăng tốc dịch vụ số. Mảng đám mây của Alibaba dự kiến có lãi lần đầu tiên trong tài khóa kết thúc vào tháng 3.
Hà Thu (theo Bloomberg)