Bao nhiêu việc làm được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp là bao nhiêu, thu hút được đầu tư, phát triển được doanh nghiệp mới là điều họ quan tâm nhất. Và đây chính là thành tích chính trị của các lãnh đạo.
"Việc làm cho nước Mỹ và nghị trình phát triển" là một khẩu hiệu rất lớn được treo bên ngoài toà nhà lớn và cổ kính của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington. Để tạo thêm nhiều việc làm thì việc kinh doanh của doanh nghiệp phải thuận lợi. Dưới khẩu hiệu này, hàng loạt các giải pháp như cải cách thuế, phát triển và mở rộng nguồn cung năng lượng, đào tạo, thu hút và đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng hạ tầng, tạo lập hệ thống tư pháp công bằng, hiệu quả, cải cách hệ thống quy định pháp luật... luôn được xem là ưu tiên trọng tâm trong hoạt động của chính quyền. Doanh nghiệp nào tạo ra nhiều việc làm sẽ được chào đón, trọng vọng và tôn vinh.
Việt Nam hiện nay thì khác, hàng loạt con số chỉ tiêu được dự đoán, bàn thảo rộng rãi trên báo chí, khắp các diễn đàn, hội thảo như tỷ lệ tăng trưởng GDP của quốc gia, thậm chí từng địa phương, con số tăng trưởng công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, dịch chuyển tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp...
Tạo thêm được nhiều việc làm có thể chưa phải là mối bận tâm hàng đầu với chính quyền nhiều địa phương tại Việt Nam. Gặp gỡ doanh nghiệp thường xuyên, giải quyết thủ tục nhanh cho doanh nghiệp có thể lại tạo ra nhiều nghi kỵ về động cơ của lãnh đạo. Có nhiều thứ đang làm khoảng cách về niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp xa cách.
Tôi nhớ ở nhiều địa phương, cánh cửa cơ quan chính quyền rất phân biệt chiếc ô tô mang biển xanh hay là biển trắng. Cánh cổng nhiều ủy ban nhân dân sẽ nhanh chóng mở ra khi chiếc xe mang biển xanh chở các công chức chính quyền để họ vào tận sảnh. Còn những xe biển trắng, vốn của doanh nghiệp, người dân thì phải dừng tít xa ngoài cổng. Họ xuống xe, cần phải đi bộ khá lâu mới vào đến cửa cơ quan chính quyền.
Hình như kiên nhẫn là một phẩm chất quan trọng đối với người làm kinh doanh tại Việt Nam. Là người tiếp xúc thường xuyên với nhiều doanh nghiệp, tôi phải thán phục sự kiên nhẫn của họ. Cách đây ít lâu, tôi tham gia một hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều doanh nghiệp than là chỉ vì sự khác nhau giữa hai từ "chủ đầu tư" và "nhà đầu tư" giữa luật Quy hoạch Đô thị, Luật Nhà ở với Luật Đầu tư nên gần 170 dự án nhà ở thương mại tại đây đang bị tắc cứng. Họ đang kiên nhẫn, nhẫn nại phân tích, kiến nghị với đủ các cấp chính quyền.
Tại hội thảo này, doanh nghiệp kể câu chuyện bi hài. Theo Nghị định 99 năm 2015 hướng dẫn Luật Nhà ở, để có chủ trương chấp thuận đầu tư, hồ sơ phải có thành phần là "kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt". Thực tế rất nhiều địa phương chưa có và chưa ban hành thể loại kế hoạch này. Doanh nghiệp khi làm thủ tục xin chủ trương đầu tư, giải trình, đi lại chán chê thì cấp tỉnh linh động bỏ qua vì đây không phải là lỗi của doanh nghiệp.
Tưởng có quyết định đóng dấu đỏ, hồ sơ đầy đủ là xong rồi, doanh nghiệp kéo máy móc vào thi công nhưng lập tức đoàn cán bộ địa phương đến kiểm tra, chỉ hỏi đúng loại giấy tờ kế hoạch phát triển nhà ở này, đương nhiên không có. Dự án phải dừng, tắc tị. Doanh nghiệp cho biết hai năm rồi, hàng trăm tỷ đồng của mình chôn đây, chưa biết khi nào có lối ra. Họ vẫn đang nhẫn nại đi kiến nghị, thúc đẩy.
Khi ngồi nói chuyện với doanh nghiệp, điều mà tôi cảm nhận là họ rất hay nói về kế hoạch, dự định. Luôn luôn hoài bão, tham vọng và đầy mơ ước, đó hình như là phẩm chất rõ nét nhất của doanh nhân Việt.
Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện kéo từ buổi chiều sang buổi tối với một chủ doanh nghiệp ở tỉnh phía Nam. Là dân kỹ sư chuyên về cơ khí, đã đầu tư mấy nhà máy cơ khí lớn mà khách hàng chủ yếu từ Bắc Âu, anh hăm hở với công nghệ vật liệu mới, phát triển đóng tàu và giờ lấn sang cả dịch vụ du lịch biển. Chỉ có điều, quá nhiều rào cản hành chính đang cản trở những ước mơ của họ. Một quốc gia ba hướng là biển, đầy tiềm năng biển nhưng tại sao công nghệ đóng tàu không phát triển?
Tại sao người Việt đang rụt rè nhìn ra biển, quay lưng lại với biển? "Em biết không, đó trước hết là do rào cản từ chính hệ thống của mình", anh tâm sự.
Muốn làm cái gì đó như đóng tàu thì phải có quy chuẩn kỹ thuật, anh phát triển một công nghệ vật liệu mới dù đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nước khác, công nghệ này có thể tốt, có thể rẻ, có thể phù hợp với nước mình nhưng chịu không thể làm được. Lý do vì ở Việt Nam hiện chưa có sẵn quy chuẩn để cơ quan nhà nước áp dụng.
Tệ hơn nữa, chính người chủ doanh nghiệp này đã vướng vào vòng lao lý khi bị buộc tội là dám áp dụng công nghệ mới như cáo trạng của một cơ quan kiểm sát. Thật ngậm ngùi khi tôi vào thăm xưởng đóng tàu của anh, thấy những người thợ ở đây đang hoàn thiện những con thuyền thúng chứ không phải là những con tàu to như anh mơ ước. Bởi, những con thuyền thúng này không cần đăng kiểm.
13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam. Có lẽ bây giờ không ai phải đặt câu hỏi về vai trò và tầm quan trọng của giới này đối với xã hội, với đất nước. Việt Nam đã phải đi một hành trình rất dài để khẳng định được rằng kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước nhà – một điều rất hiển nhiên ở tất cả các nước khác.
Năm nay, 15 năm giới doanh nhân Việt Nam có một ngày riêng của mình, được xã hội nhắc đến, tôn vinh. Tôi chỉ mong muốn họ có thêm niềm tin, đủ bản lĩnh để tạo thêm nhiều công ăn việc làm, kiên nhẫn vượt qua các rào cản và thành công trong thực hiện những hoài bão của mình.
Đậu Anh Tuấn