Lựa chọn của Thảo ban đầu không được người thân trong gia đình hưởng ứng bởi cả bố và mẹ cô đều làm công chức nhà nước, muốn con chọn công việc ổn định hơn thay vì kinh doanh. Nhưng thấy con quyết tâm, "bố mẹ em đành chịu" - Thảo kể về thời điểm cô tốt nghiệp Đại học Western Sydney, về nước và chọn đảo Phú Quốc là nơi khởi nghiệp. Năm 2016, mở nhà hàng mang tên "Người Sài Gòn", Thảo quyết định điểm kinh doanh của cô sẽ không chào đón những sản phẩm có thể sinh rác thải nhựa.
Thảo cùng một nhóm bạn gom tiền, thuê địa điểm, lên kế hoạch kinh doanh. Ở "Người Sài Gòn" ngoài những món ăn đặc sản Âu - Á, cafe... còn nổi tiếng với món bánh ngọt mà cô chủ tự tay làm. Thảo kể, khi còn đi du học, ngoài thời gian học chính, cô thường nhận việc làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn. Cô học được cách làm món ăn, bánh ngọt của người Tây và cả cách họ nâng niu môi trường. Vậy nên ở nhà hàng của Thảo, không có nước đóng chai vỏ nhựa, cốc đựng cafe mang về cho khách cũng là cốc giấy, quai xách được làm bằng cói. Túi đựng bánh mì, bánh ngọt mang về cũng là túi giấy.
"Năm 2019, em quyết định không kinh doanh nước đóng chai có vỏ nhựa - mặt hàng siêu lợi nhuận ở đảo du lịch khiến các thành viên trong nhóm phản đối rất ghê", Thảo nhớ lại. Mọi người phản đối cũng dễ hiểu vì không chỉ thiệt phần lợi nhuận, khi bỏ hẳn mặt hàng nước đóng chai nhựa, nhà hàng phải đầu tư thêm hệ thống lọc hiện đại để cung cấp nước lọc miễn phí cho khách hàng.
Cô đã thuyết phục các thành viên, rằng mỗi người đang nhận được ân huệ từ thiên nhiên, tại sao không tự đặt ra cái phí xem như trả cho thiên nhiên? Vì vậy phần lỗ này nên xem là phí môi trường. "Chỉ cần mỗi doanh nghiệp giảm khoảng 500.000 đồng mỗi tháng, cộng dồn nhiều doanh nghiệp theo thời gian con số sẽ rất nhiều. Sự tích lũy này sẽ ngày càng lớn mà có thể không dễ nhận ra", Thảo nói.
Nhớ lại năm 2017 phong trào làm ống hút từ tre, bột gạo vẫn còn ít. Cô đã tự mày mò làm để thay thế ống hút nhựa. Khi có nhiều nơi sản xuất, Thảo chuyển sang mua sẵn. Rồi những chuyến công tác sang Thái Lan, Thảo tìm kiếm và phát hiện có những hộp đựng đồ làm từ bã mía nên đã nhập về. Dù giá cao hơn giá hộp xốp rất nhiều (mỗi hộp làm từ bã mía có giá 2.000-3.000 đồng trong khi hộp xốp chỉ mấy chục đồng).
Cách làm của Thảo được khách hàng ủng hộ, trong đó có tới 50% là khách nước ngoài. Thảo kể, mùa đông năm 2017, 2018 khách xếp hàng để đến ăn tối. Nhà hàng không nhận đặt bàn trước. Cũng nhờ vậy, từ số vốn ban đầu chỉ từ vài trăm triệu, sau hơn ba năm kinh doanh, Thảo mở được nhà hàng lớn hơn, nuôi 25 nhân viên với mức lương trả trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. "Nhân viên đến làm tại nhà hàng cũng là những người rất yêu môi trường, ủng hộ cách làm của em", Thảo nói và cho biết, hiện Covid-19 khiến khách du lịch không có, nhà hàng chỉ kinh doanh đủ trả lương cho nhân viên.
Lý giải về lựa chọn của mình, Thảo cho biết có cơ hội được trải nghiệm nhiều thấy ô nhiễm từ nhựa quá lớn. Nếu mỗi người bớt việc dùng túi nilon, ống hút nhựa, hộp xốp, chai nhựa... sẽ giảm sức ép lên môi trường. "Chúng em chấp nhận đầu tư ban đầu lớn hơn. Một cốc café nếu dùng cốc và ống hút nhựa tổng chi phí sẽ khoảng 10.000 đồng thì chuyển sang cốc giấy, quai xách bằng cói, ống hút tre hoặc inox chi phí khoảng 15.000 đồng", Thảo nói. Cách làm của cô hiện cũng được vài người bạn trên đảo Phú Quốc cùng làm, theo phong trào giảm thải đồ từ nhựa, sử dụng đồ có thể tái chế.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, từ năm 2019 huyện đảo Phú Quốc ký cam kết với WWF không sử dụng rác thải nhựa. Theo lộ trình, đến năm 2021 Phú Quốc giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa và đến năm 2030 không còn rác thải nhựa. "Để thực hiện cam kết này đòi hỏi ý thức từ doanh nghiệp và cộng đồng rất lớn, trong khi việc thay đổi thói quen là không dễ", ông Hưng nói và đánh giá cao các đơn vị tự nguyện giảm thiểu tối đa các sản phầm từ nhựa.
Theo bà Quách Thị Xuân, điều phối Liên minh Không rác Việt Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra, nhựa rất khó tái chế. Kể từ khi được sinh ra, chỉ khoảng 9% nhựa được tái chế, trong đó chỉ có 2% được tái chế hiệu quả. Do đặc điểm giáng chế (downcycling) nên nhựa chỉ có thể được tái chế từ một đến 10 lần (tùy loại) và hầu hết chỉ được tái chế một lần. Nhựa sau tiêu thụ thường được biến thành sợi tổng hợp, gỗ nhựa, vật liệu cách nhiệt và thùng chứa - nhưng chắc chắn bất cứ sản phẩm nào được hình thành từ nhựa tái chế sẽ là một mặt hàng có chất lượng thấp hơn sản phẩm ban đầu. Do khó tái chế, phần lớn rác thải nhựa được chôn lấp hoặc đốt. Tất cả các hình thức đốt rác nhựa (kể cả đốt rác phát điện) đều gây ô nhiễm môi trường thông qua việc phát thải các loại khí và hình thành tro xỉ độc hại.
"Các lò đốt rác dù hiện đại đến đâu đi nữa, vẫn phát thải dioxin và furan (nhất là khi khởi động, sửa chữa bảo dưỡng hoặc khi đóng lò). Dioxin và furan là hai chất cực độc có thể gây hại cho người và môi trường ở một nồng độ rất nhỏ", bà Xuân nói. Do nhựa có đặc điểm nhẹ nên rất nhiều rác nhựa bị rò rỉ ra môi trường dưới tác động của gió và dòng chảy mặt. Một lượng không nhỏ rác thải nhựa bị rò rỉ ra môi trường, cùng với đặc tính bền, lượng nhựa này hình thành nên các đảo rác nhựa ở các đại dương.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu - 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).
Hiện Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 với các quy định mới về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và kinh tế tuần hoàn. Một Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 cũng được ban hành.
Bà Xuân cho biết, trong thời gian tới, quy định về phân loại rác tại nguồn và thu phí rác dựa trên khối lượng sau khi phân loại cũng sẽ được áp dụng. Khi đó, phí đối với các loại rác nhựa khó hoặc không thể tái chế được như nhựa sử dụng một lần sẽ cao hơn so với các loại rác dễ tái chế hoặc rác hữu cơ. Như vậy, những doanh nghiệp như của Thảo cũng sẽ tiết kiệm được phí vệ sinh môi trường phải nộp hàng tháng khi phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nói chung và giảm rác thải nhựa dùng một lần nói riêng.