Ông Madan Chaly. |
- Ông có thể cho biết giới doanh nhân Mỹ đánh giá thế nào về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải?
- Chuyến đi được tổ chức rất tốt, thành công về mọi phương diện và đạt được mục đích đã đề ra. Tôi có tham gia một số hoạt động và một vài cuộc hội đàm có Thủ tướng tham dự, tại đó các quan chức và doanh nghiệp Mỹ đều cam kết ủng hộ VN gia nhập WTO. Chúng tôi cũng làm rất nhiều việc để hỗ trợ chuyến thăm của Thủ tướng tại Mỹ cũng như trước đây đã tham dự nhiều hoạt động hồi cựu tổng thống Bill Clinton thăm VN.
Tại New York, Chủ tịch tập đoàn Citigroup đã đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải và có buổi nói chuyện rất cởi mở với ông, trong đó Citigroup cam kết sẽ đầu tư lâu dài tại VN.
- Ông là một trong những diễn giả "tiếp thị" cho VN tại diễn đàn doanh nghiệp Việt - Mỹ, ông đã đề cập những gì?
- Tham dự diễn đàn doanh nghiệp tại Washington, tôi đã có bài phát biểu về những kinh nghiệm khi đầu tư ở VN, kêu gọi mọi người tới thăm để chứng kiến một VN đang đổi mới. Tôi nói những nhận định của mình về kinh tế VN, hệ thống ngân hàng, tiềm năng thương mại, giao thương, những ngành công nghiệp hấp dẫn vốn đầu tư và đặc biệt những gì các nhà đầu tư Mỹ thu nhận được.
- Citibank đã đạt được những hợp đồng nào từ chuyến đi?
- Tại Mỹ, chúng tôi đã ký kết bản ghi nhớ với VCB, trong đó đề cập đến nhiều nội dung hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ cho ngân hàng này. Chúng tôi cũng đàm phán với Vietnam Airlines một số điều khoản để tiến tới hỗ trợ tín dụng cho hãng mua 4 máy bay Boeing 787.
- Nắm bắt nhiều thông tin từ phía cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, ông có cho rằng VN sẽ nhanh chóng kết thúc đàm phán song phương với Mỹ và gia nhập WTO vào cuối năm nay?
- Căn cứ trên những nỗ lực của VN và những kết quả đạt được trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng như những cuộc thảo luận mà tôi đã tham dự với quan chức cả hai phía, tôi hy vọng rằng mục tiêu này có thể đạt được. Tuy nhiên, VN vẫn có một số việc cần làm. Vấn đề mấu chốt là gia nhập WTO sau vài tháng nữa hay vài năm nữa, sự lựa chọn nào quan trọng hơn với VN. Bản thân tôi cho rằng gia nhập WTO cuối năm nay càng tốt, nhưng nếu vào đầu quý sau thì cũng không muộn, vì chỉ cách có một vài tháng.
- Các ông đã chuẩn bị gì để đón cơ hội VN gia nhập WTO mang lại?
- Gia nhập WTO, VN sẽ có lợi và chúng tôi sẽ được lợi từ sự phát triển của các bạn. Các công ty của VN chắc chắn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng họ cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Chúng tôi đã làm việc với nhiều khách hàng để tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi cũng như ảnh hưởng toàn cầu hoá đối với lĩnh vực họ kinh doanh, đưa ra những dự đoán, tư vấn cho họ dựa vào kinh nghiệm và mối quan hệ rộng khắp 100 chi nhánh của Citibank trên toàn thế giới. Chẳng hạn, tôi đã có nhiều cuộc thảo luận và nói chuyện với đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về những biện pháp để phát triển thị trường vốn, thị trường ngoại hối, xu hướng phát triển thương mại quốc tế...
- Ông đánh giá thế nào về bức tranh ngân hàng khi VN gia nhập WTO?
- Trước khi nói về những thay đổi, chúng ta hãy nhìn vào thực tế. Hiện 5 ngân hàng nhà nước chiếm 73-75% thị phần, 20-30 ngân hàng cổ phần còn lại chiếm 13-17%, phần còn lại thuộc về các ngân hàng nước ngoài, thị phần cực nhỏ mà số lượng lại rất lớn - hơn 30 chi nhánh ngân hàng và 45 văn phòng đại diện của các tổ chức tài chính. Tôi chắc rằng, thị trường tới đây cạnh tranh rất khốc liệt vì các ngân hàng cổ phần có thị phần quá nhỏ.
Trong vài năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều cố gắng nhằm tăng sức cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng VN. Đặc biệt, khu vực ngân hàng nước ngoài có nhiều chính sách rất cởi mở như được nâng cao tỷ lệ huy động vốn tiền đồng, được thực hiện thêm một số nghiệp vụ như các ngân hàng trong nước...
Tuy nhiên cá nhân tôi thấy cần chú ý đến nguồn nhân lực, vì sức mạnh của ngân hàng nằm ở con người. Nguồn nhân lực đó phải cung cấp được dịch vụ khách hàng tốt, hiểu được những rủi ro của khách và có thể đưa ra các giải pháp giải quyết rủi ro đó. Tất nhiên để họ đạt được kỹ năng như vậy cần có quá trình đào tạo. Tôi đánh giá cao khả năng học hỏi của cán bộ ngân hàng VN, điều này khiến tôi hy vọng các bạn sẽ có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
- Nắm bắt trước cơ hội, nhiều ngân hàng nước ngoài đang săn tìm mua cổ phần các ngân hàng VN. Ông nhận xét gì về sức hấp dẫn cổ phiếu ngân hàng, Citibank đã tìm được đối tác nào?
- Chúng tôi đã từng có các cuộc thảo luận với ACB nhưng không thành, Citibank vẫn tiếp tục tìm kiếm và đang đàm phán với một số ngân hàng khác.
Hiện tại các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ngân hàng cũng là điều dễ hiểu, vì cổ tức hằng năm rất cao. Trong khi đó, họ cũng chỉ có một vài kênh đầu tư như gửi tiết kiệm, mua nhà đất, mua vàng. Tới đây khi có nhiều công cụ đầu tư tài chính hơn, tôi tin cổ phiếu ngân hàng sẽ hạ bớt, gần với giá thị trường hơn.
- Trong chiến lược của mình, Citibank có nhắm đến khai thác thị trường bán lẻ vốn còn nhiều tiềm năng?
- Chúng tôi rất mong ngày thị trường tiền tệ VN mở rộng cửa với ngân hàng nước ngoài. Kinh doanh ngân hàng bán lẻ yêu cầu thương hiệu, hệ thống chi nhánh rộng khắp, trong khi Citibank chỉ có 2 chi nhánh nên lĩnh vực này có thể là một thách thức lớn. Trước mắt, tôi hy vọng ngân hàng nước ngoài sẽ được hợp tác với ngân hàng VN để triển khai các sản phẩm mới, nhờ đó khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.
Phong Lan thực hiện