Thông tin được Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nêu trong kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước tình trạng các hãng tàu nước ngoài đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) từ tháng 2.
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí, phụ phí khác nhau với hàng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Việc tăng giá này không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý và cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ mà hãng tàu trả lại cho phía cảng biển Việt Nam.
Lần điều chỉnh này diễn ra sau khi Thông tư 39 - quyết định thay đổi giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, bốc dỡ container được Bộ Giao thông Vận tải ban hành vào cuối 2023, có hiệu lực từ 15/2.
Theo đó, phí THC được các hãng tăng 10-20%, từ mức 180-190 USD lên 200-210 USD với container tiêu chuẩn 40 feet. Container đông lạnh 40 feet có giá mới là 255-265 USD. Mức này gấp 3 lần điều chỉnh giá bốc dỡ container của các cảng biển Việt Nam.
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết việc tăng phí lần này chỉ áp dụng với Việt Nam, các nước trong khu vực chưa có động thái điều chỉnh. Đặc biệt, xét theo giá trị tuyệt đối, 10-20% tăng phí THC của hãng tàu đang cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.
"Các hãng tàu nước ngoài niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc nào của cơ quan chức năng", phía Hiệp hội cho biết, và nhìn nhận "hành vi điều chỉnh này không phải lần đầu tiên".
Ngoài phí THC, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA) phản ánh các hãng tàu đang thu 10 loại phụ phí khác, phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Mức phí thêm 9-100 USD mỗi loại với hàng tại cảng.
"Chủ hàng Việt Nam không phải người đàm phán ký hợp đồng vận chuyển, nên để lấy được hàng họ buộc phải chấp nhận các điều khoản phụ thu hãng tàu đưa ra", ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch VISABA cho biết.
Lãnh đạo VISABA và Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đều cho rằng việc các hãng tàu tự ý tăng các khoản phí, phụ phí ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp xuất khẩu, logistics nội địa.
Mặt khác, hiện 100% lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Nhưng họ ra vào cảng, mở tuyến không cần báo cáo vì pháp luật hiện hành không quy định. Việc này, theo ông Phạm Quốc Long, cũng làm tăng chi phí logistics và giảm cạnh tranh hàng Việt với các nước.
Trước đó, tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu ngày 6/2, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại hãng tàu tranh thủ tăng giá, áp thêm phụ phí trước bối cảnh Biển Đỏ căng thẳng. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho hay các khoản phụ thu được các hãng tàu áp dụng, như xếp dỡ tại cảng THC, kẹp chì... khiến họ thêm khó khăn.
Về phía hãng tàu, họ lý giải các phụ phí và giá cước tăng do tàu phải đi đường vòng khi căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang. Việc này khiến hải trình kéo dài 7 - 10 ngày, làm tăng chi phí. Đại diện một số hãng tàu như HMM, ONE nói các khoản áp thêm đều có cơ sở và được đàm phán, thông báo trước cho khách hàng.
"Giá cước, phí bắt đầu giảm từ đầu tháng 2. Nhưng tình hình chung còn khó khăn do giá phụ thuộc thị trường", đại diện hãng tàu Yangming cho hay.
Để tránh việc các hãng tàu tự ý tăng phí, hai Hiệp hội đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp, kiểm soát hành vi điều chỉnh của các hãng. "Hãng tàu cần báo cáo cơ cấu các khoản phí. Trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận, cơ quan chức năng nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt", Hiệp hội kiến nghị.
Cơ quan chức năng cần bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai của Luật Giá. Điều này nhằm tránh việc các hãng tàu tự ý tăng và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.
Cùng đó, Việt Nam sớm rà soát, đưa ra cơ chế quản lý thu các loại phụ phí của hãng tàu nước ngoài, trong tương quan so sánh quy định trong nước và thông lệ quốc tế.
Đức Minh - Phương Dung