Với tỷ trọng 98% số doanh nghiệp cả nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ là một phần thiết yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã quá khắc nghiệt với khu vực kinh tế này. Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, hơn 87% trong số 10.000 doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Những doanh nghiệp này sụt giảm 50-90% doanh thu, phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động.
Số ít doanh nghiệp còn lại chấp nhận và thích nghi với điều kiện bình thường mới, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thậm chí còn biết cách khai thác cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn.
Tận dụng cơ hội trong dịch bệnh để tăng doanh thu
Bà Xuân Hải, giám đốc một công ty sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan ở Hà Nội cho biết, nhờ nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh, công ty của bà không nhưng không bị ảnh hưởng tiêu cực mà còn tăng doanh thu và lợi nhuận gấp 2 lần so với thời điểm trước dịch (năm 2019).
Theo bà Hải, trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm của công ty thường thông qua các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch. Khi dịch bệnh bùng phát, Hà Nội và nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động du lịch đóng băng, công ty của bà Hải đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử quốc tế và trong nước, gặt hái được nhiều thành công.
Thực tế, Covid-19 đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng theo nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung là người tiêu dùng ở trong nhà nhiều hơn do phải làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách, phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, người tiêu dùng đã ưu tiên tiết kiệm chi tiêu và chuyển đổi hình thức tiêu dùng trực tiếp sang trực tuyến.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến tháng 6/2021). Mua sắm trực tuyến đã trở thành lối sống mới khi 99% số người được hỏi đều đồng ý tiếp tục tiêu dùng trực tuyến trong tương lai.
"Là doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là phải hiểu thị trường, hiểu khách hàng muốn gì, sau đó xem xét chiến lược và mô hình kinh doannh của mình để bắt kịp với nhu cầu thay đổi của khách hàng. Thay đổi là hiện tượng bất biến duy nhất trong nền kinh tế. Nếu không thích ứng và chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách linh hoạt, doanh nghiệp của tôi chắc chắn sẽ bị tụt hậu", bà Hải chia sẻ.
Trong thời kỳ khủng hoảng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ là trụ cột mạnh nhất có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ bám trụ trên nền tảng của họ. Một doanh nghiệp được trang bị tốt về công nghệ có thể thích ứng với các cách tiếp cận hiện đại một cách nhanh chóng nhất.
Bắt tay với doanh nghiệp khác
Nằm trong số đông doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một công ty phân phối nhôm kính ở Phú Thọ đã hợp tác cùng với một vài công ty khác nhằm mang về doanh thu lớn hơn.
Ông Quang Tạo, chủ doanh nghiệp phân phối nhôm kính trên cho biết, đại dịch bùng phát, doanh nghiệp của ông cũng gặp nhiều khó khăn. Ông đã liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng, bất động sản ở các tỉnh phía Tây Bắc để mở rộng cơ hội kinh doanh, thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp của ông vẫn duy trì được trong mùa dịch, đảm bảo nguồn lương cho nhân viên.
Việc bắt tay hợp tác, liên kết kinh doanh không phải là mô hình kinh doanh mới lạ. Tuy nhiên, trước đây, những hợp đồng hợp tác kinh doanh chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, với những thương vụ "khủng".
Trải qua Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã hiểu được tầm quan trọng của các chương trình hợp tác. Các doanh nghiệp thống nhất về điều khoản chung để làm việc sẽ xây dựng được một môi trường kinh doanh lành mạnh và ít cạnh tranh hơn. Từ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết được các vấn đề tài chính, tiết giảm chi phí và mang lại nhiều sáng tạo hơn, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định trong thời kỳ dịch bệnh và tạo tiền đề phục hồi trong năm tới.
Thích ứng với công việc kinh doanh trong bình thường mới có thể khó khăn. Nếu doanh nghiệp biết tìm cách thích ứng, áp dụng các mô hình kinh doanh mới phù hợp sẽ dễ dàng hơn trong việc đối mặt với khủng hoảng.
Tuấn Thủy